Đại biểu Quốc hội:: Trọng bệnh tham nhũng: Không thể “xoa bóp ngoài da”

13:51, 07/06/2012
|

(VnMedia) - Tham nhũng là một loại trọng bệnh nan y cần phải dùng biệt dược chứ không thể dùng cách xoa bóp ngoài da, cần phải có “Bao công” dám cởi bỏ mũ ô sa để tuyên chiến… đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói.

 

Thảo luận ở hội trường sáng nay (7/6) về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng trị) cho rằng, tham nhũng có mặt khắp nơi, với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau đang như thách đố kỷ cương, phép nước.

 

“Các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, là mảnh đất màu mỡ, nuôi dưỡng tham nhũng nảy nở, phát triển và lũng đoạn bao gồm lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.” – đại biểu tỉnh Quảng Trị liệt kê.

 

Ông dẫn chứng, chỉ riêng lĩnh vực đất đai, đã có trên 365.000 ha đất để hoang hóa, cấp sai đối tượng, chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích kém hiệu quả, nhiều dự án treo xuyên thế kỷ… của trên 10.796 tổ chức, đơn vị, cá nhân trong toàn quốc và đây là lĩnh vực phát sinh nhiều tham nhũng, tiêu cực nhất.

 

Theo đại biểu Lê Như Tiến, do người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp có quyền gần như tuyệt đối trong việc định đoạt đất đai nên khi đất đai trở thành hàng hoá có giá trị đặc biệt thì những người được giao quyền rất dễ “xúc động” trước những nguồn lợi béo bở đó… Thế là “quốc nạn” có nguy cơ hạ đo ván các “quốc sách” - đại biểu Lê Như Tiến lo lắng.


 Ảnh minh họa

Hối lộ thường len lỏi qua các con đường “tiểu ngạch”

 

Hối lộ qua đường… tiểu ngạch

 

Nhận dạng những mánh khóe tinh vi của hành vi tham nhũng, đại biểu tỉnh Quảng Trị nói: “Giống buôn lậu và gian lận thương mại, tham nhũng, hối lộ không đi theo con đường “chính ngạch” mà thường len lỏi qua các con đường “tiểu ngạch” là các quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình… bằng hình thức chuyển dịch tiền và tài sản cho các chủ sở hữu khác nhau. Bằng cách dùng phép thuật nhào nặn, biến hoá các số liệu thu chi tài chính phi pháp thành hợp pháp mỗi khi thanh tra, kiểm toán “hỏi thăm”.

 

Ông Tiến cũng cho rằng, “biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi, phức tạp thì càng phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, phải có những “Bao công” quả cảm, công minh, chính đại, trong sáng, vô tư, dám cởi bỏ mũ ô sa, lấy tính mạng và chức tước của mình để tuyên chiến với tham nhũng.”

 

Phát biểu tại hội trường, đại biểu tỉnh Quảng Trị cũng dẫn lời đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình: “Phòng chống tham nhũng lần này, TƯ quyết tâm rất cao, biện pháp trúng rồi, cắt thuốc đúng rồi…” song đại biểu Nguyễn Phú Trọng cũng còn băn khoăn: Lo là có chịu uống thuốc không, uống có đủ liều không?”.

 

Ông Tiến cho rằng, đây là vấn đề cốt lõi vì “bắt trúng mạch, cắt đúng thuốc mà không chịu uống thuốc thì việc bắt mạch và cắt thuốc sẽ không còn ý nghĩa”. Theo đại biểu này, không ai khác yêu cầu và cưỡng chế họ phải “uống thuốc”, chính là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người có thẩm quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và “đã là trọng bệnh nan y thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da”.

 

Thu hồi đất của dân phải rất thận trọng

 

 Ảnh minh họa

 Đại biểu tỉnh Quảng Trị Lê Như Tiến: Thu hồi đất của dân phải rất thận trọng - ảnh: Xuân Hưng

- Ông nhận xét như thế nào về tình trạng khiếu kiện đất đai vẫn tiếp tục tăng trong thời gian gần đây?

 

Vấn đề đất đai rất phức tạp, trước hết phải nắm đúng luật đất đai, thứ hai là nắm đúng luật xử lý các vi phạm hành chính, các luật khác liên quan đến đất đai, liên quan đến tài sản. Nhiều người ở cấp địa phương được giao cho nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước ở địa phương thường không nắm được pháp luật, cũng có thể nắm được pháp luật nhưng cố tình vi phạm pháp luật, cố tình bẻ cong đi để kiếm những lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của một nhóm nào đó.

 

Ví dụ như những vụ thu đất của dân nhưng không phải để thực hiện những công việc như an ninh quốc phòng hay an sinh xã hội mà là cấp cho một nhóm lợi ích khác. Chắc chắn những lần cấp như thế thì phải có phong bì bôi trơn hoặc cảm ơn… gây nên khiếu kiện.

 

Cũng không loại trừ những trường hợp mà chính quyền địa phương đã xử lý đúng nhưng người dân vẫn không thoả mãn. Người dân muốn đền bù theo giá thị trường, nhưng hiện nay giá đền bù thường do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định vào cuối năm để áp dụng cho năm sau, thường thấp hơn giá thị trường. Còn người dân thì căn cứ vào giá thị trường để yêu cầu. Đây là yêu cầu chính đáng, do vậy, xử phải đúng luật nhưng vẫn phải có lý có tình.

 

- Ông nhận định như thế nào về hiện tượng rất nhiều dự án thu hồi đất để làm kinh tế, trong khi thực ra chỉ được phép thu hồi khi làm những dạ án an ninh quốc phòng?

 

Đây chính là vấn đề mà chúng tôi đang kiến nghị đưa vào Luật Đất đai sửa đổi lần này theo hướng thu hồi đất của dân là phải hết sức thận trọng, chỉ trừ những vấn đề quốc phòng an ninh, những vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống xã hội, đảm bảo chung cho cộng đồng chứ không phải thu hồi của một cá nhân này để cấp cho một cá nhân khác. Thời gian cấp đất cho dân cũng phải dài hơn chứ không chỉ 20 năm như hiện nay, để người dân yên tâm làm ăn trên đất của họ.

 

- Xin cảm ơn ông!


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc