Bộ Giao thông học kinh nghiệm thu phí từ đâu ?

06:48, 12/04/2012
|

(VnMedia) - Bộ Giao thông từng nêu quan điểm sẽ không học nước nào trong việc chống ùn tắc. Nhưng nhìn vào biện pháp hiện nay, nhất là qua đề xuất thu phí phương tiện có thể thấy Bộ Giao thông đang học hỏi, áp dụng kinh nghiệm từ nhiều nước.

>>>Ngược đời: "Bắt tôi đóng phí để hạn chế ...tôi" !

Nhiều tháng nay, đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân của Bộ Giao thông vận tải đề xuất với Chính phủ áp dụng nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng đã gây bức xúc trong dư luận.

Không chỉ có báo chí, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, các đại biểu Quốc hội… thậm chí ngay ở các quán trà đá người dân cũng bàn luận sôi nổi về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. Ý kiến đồng tình không phải không có nhưng quan điểm phản bác lại ý đồ thu phí của Bộ Giao thông vận tải lại rất nhiều. 

Nhiều người đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy đề xuất của Bộ trong việc thu hai loại phí Bảo trì đường bộ và phí hạn chế phương tiện cá nhân sẽ dẫn đến bất hợp lý, “phí chồng phí” và không công bằng với các chủ phương tiện…

Mặc dù, bị dư luận lên án nhiều vì đề xuất thu phí nói trên nhưng Bộ Giao thông vẫn lên tiếng khẳng định tính đúng đắn và sự cần thiết của đề xuất.

Còn nhớ khi mới được bổ nhiệm vào chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, người đứng đầu Bộ Giao thông trong một số lần đăng đàn đã khẳng định, sẽ không học nước nào trong các biện pháp chống ùn tắc giao thông và nhiều lần đã khẳng định các biện pháp đang áp dụng là có trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. 

Tuy nhiên, nhìn vào các biện pháp tổ chức giao thông thời gian vừa qua của Bộ Giao thông đưa ra: Thay đổi giờ học, giờ làm; thu phí hạn chế phương tiện cá nhân… nhiều ý kiến cho rằng, Bộ đang mang khuôn mẫu của một số nước đã áp dụng trước đó để áp đặt cho Việt Nam. Tuy nhiên, do không hiểu kỹ vấn đề nên khi đưa ra áp dụng ở Việt Nam lại không thích hợp?!.

Có thể dễ dàng nhìn thấy dáng dấp của đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân đang được học hỏi từ việc thu phí phương tiện tham gia giao thông ở một số nước trên thế giới như: Đức, Singapore và gần ta nhất là Indonesia.

 Ảnh minh họa

Liệu ùn tắc giao thông có giảm nếu Bộ Giao thông thu phí hạn chế xe cá nhân một cách cào bằng?. Ảnh: Ngọc Lân

Singapore, đất nước đảo quốc này, là một trong những quốc gia đầu tiên có hệ thống giao thông hiệu quả nhất thế giới, thực hiện việc thu phí đường bộ từ năm 1975.

Việc thu phí ban đầu được triển khai theo phương pháp thủ công (dựng trạm với nhân viên bán vé giấy), sau đó là hệ thống thu phí điện tử ERP. Mới đây nhất, quốc đảo này đưa vào thử nghiệm hệ thống thu phí giao thông tự động mới thay thế cho hệ thống ERP đã có tuổi đời 13 năm.

Mức thu phí hiện nay tại Singapore dao động trong khoảng 50 cent đến 3,5 SGD (tương đương 8.000 đến 57.000 đồng) mỗi phương tiện tính trên một lượt đi qua các cổng ERP. Mức phí sẽ thay đổi 30 phút một lần theo mật độ lưu thông trên đường. Sau 3 tháng, cơ quan quản lý giao thông đường bộ Singapore kiểm tra lại mức giá thu một lần để điều chỉnh cho hợp lý…

Tuy nhiên, Singapore không thu phí cào bằng trên các phương tiện mà chỉ thu phí trên một số tuyến đường nhất định để giảm ùn tắc và việc này đã giúp nước này giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc. Ngày nay, khách nước ngoài có dịp ghé thăm Singapore sẽ đều phải phát hoảng vì tốc độ xe chạy trong nội thành. Mặc dù, đang chạy trong các tuyến đường nội đô nhưng nếu chạy dưới 60Km/h tài xế sẽ bị xử phạt nặng; thậm chí nhiều tuyến đường còn cho phép chạy với vận tốc 80km/h. Cảnh tắc đường hầu như không có.

Rõ ràng là giải pháp thu phí không còn mới mẻ khi áp dụng vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đem các điều kiện của các nước áp dụng vào nước ta liệu có hợp lý và giải quyết được vấn đề ùn tắc giao thông khi mà biện pháp thực hiện của Bộ Giao thông vận tải đưa ra cũng rất khác, thu cào bằng và không có sự phân biệt.

Không nói đâu xa, ngay ở Singapore khi áp dụng biện pháp thu phí hạn chế phương tiện cá nhân thì hệ thống giao thông công cộng: xe buýt, tàu điện ngầm, taxi … đi lại rất thuận tiện và văn minh.
 
Trên đất nước đảo quốc sư tử này, mặc dù người dân được sử dụng phương tiện cá nhân rất ít do chính sách về thuế đăng ký, quyền mua xe, thuế đỗ xe… nhưng bù lại người dân được sử dụng hệ thống giao thông công cộng hết sức dễ dàng.

Tại những nơi không có hệ thống công cộng phát triển như tàu điện ngầm, thì xe buýt, taxi rất nhiều. Người Singapore chỉ cần xuống đường đứng 1-2 phút là có xe taxi đến đón. Những người có điều kiện kinh tế khó khăn hơn thì chỉ việc đi đến các bến xe buýt và ngồi chờ. Xe buýt sẽ làm phương tiện đưa họ đến bất cứ nơi đâu họ muốn. Điều đặc biệt là mỗi chuyến xe chỉ có một lái xe kiêm phục vụ. Xe nào cũng hết sức rộng rãi, sạch sẽ, thoáng đãng và chạy đúng giờ.

Còn ở ta thì sao?. Hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển nên không thể đáp ứng được nếu phải hạn chế phương tiện cá nhân. Trong khi hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm đều đang mới xây dựng, taxi thì chặt chém, bất tiện. Còn xe buýt đang là nỗi kinh hoàng của nhiều người nếu bắt buộc phải sử dụng do quá tải, bỏ bến, nạn trộm cắp và ngay cả thái độ nhân viên phục vụ cũng gây bức xúc cho người sử dụng…

Nhìn một cách toàn diện, rõ ràng, với phương tiện giao thông tăng chóng mặt như hiện nay, việc đưa ra một giải pháp mạnh để hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết vì nếu không hành động ngay ùn tắc sẽ còn tiếp diễn trầm trọng hơn. Tuy nhiên, giải pháp nào cũng phải được tính toán một cách khoa học và hợp lý.

Việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân theo đề xuất của Bộ Giao thông một cách cào bằng giữa tất cả các phương tiện, không những không giúp hạn chế ùn tắc giao thông vì khi đã nộp phí người ta sẽ vẫn sử dụng phương tiện khi cần, mà còn gây bức xúc cho người sử dụng phương tiện vì hiện một chiếc xe máy, ô tô đã phải gánh tới gần 10 loại phí.

Có lẽ, Bộ Giao thông vận tải nên điều chỉnh cách áp dụng kinh nghiệm thu phí của các nước khác vào Việt Nam ?!


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc