(VnMedia)- Sau gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2003, những thành tựu mà Luật đem lại cho người dân không hề nhỏ, nhưng cũng để lại nhiều bất cập đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục tổng thể...
>>Tại sao cần sửa đổi Luật Đất đai?
Theo GS- TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai 2003, ít nhất có đến 9 vấn đề có thể đưa ra để khái quát, nhận xét.
Thứ nhất, một số điểm mong muốn đổi mới từ khi chuẩn bị dự thảo Luật này nhưng chưa đủ điều kiện để nhất trí nên phải để lại nghiên cứu tiếp và đưa vào quá trình xây dựng Luật Đất đai tiếp theo, trong đó quan trọng nhất là quyết định xử lý khi thời hạn sử dụng đất sản xuất nông nghiệp 20 năm sẽ kết thức vào ngày 15/10/2013.
Thứ hai, chế độ sử dụng đất phi nông nghiệp, nhất là đất ở có tác động tốt cho thị trường bất động sản nhưng chưa đạt được sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài về quyền tiếp cận tới quỹ đất, về nghĩa vụ tài chính đối với đầu tư trên đất như quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Chế độ sử dụng đất phi nông nghiệp, nhất là đất ở có tác động tốt cho thị trường bất động sản nhưng chưa đạt được sự bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài |
Thứ ba, quá trình chuyển dịch đất đai chưa hiệu quả. Cơ chế tự nguyện trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất không thành công vì nhiều người sử dụng đất bất hợp tác với nhà đầu tư bằng cách nói giá đất quá cao mà pháp luật chưa có giải pháp giải quyết. Cơ chế bắt buộc trên cơ sở quyết định hành chính thu hồi đất gây nhiều bức xúc đối với người bị thu hồi đất. Quyền thu hồi đất của Nhà nước còn quá lớn và nhiều địa phương còn lạm quyền.
Thứ tư, công tác quy hoạch sử dụng đất chưa tạo được hiệu quả trong quản lý đất đai, chưa chủ động được phát triển các vùng sử dụng đất, chưa đồng bộ được với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và còn chồng chéo với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thậm chí gây lãng phí trong xây dựng quy hoạch.
Theo GS-TSKH Đặng Hùng Võ: Những bất cập trong quản lý giá đất phù hợp giá trị thị trường vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, một mặt tạo nên nguy cơ tham nhũng trong cơ chế cho thuê hoặc giao đất cho nhà đầu tư |
Thứ năm, những bất cập trong quản lý giá đất phù hợp giá trị thị trường vẫn tồn tại ở nhiều địa phương, một mặt tạo nên nguy cơ tham nhũng trong cơ chế cho thuê hoặc giao đất cho nhà đầu tư; mặt khác gây bức xúc cho người bị Nhà nước thu hồi đất khi tiếp nhận giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng.
Thứ sáu, cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường được thực hiện khá đơn giản: bồi thường, hỗ trợ bằng tiền một lần, nơi tái định cư gần như bắt buộc mà không cho quyền lựa chọn. Phương thức này gây tốn kém chi phí mà vẫn không làm vừa lòng người bị thiệt hại. Cơ chế này chưa được đa dạng hóa với nhiều phương thức khác nhau như kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra.
Thứ bảy, việc phân cấp hoàn toàn quản lý đất đai cho địa phương đang gây nên 2 luồng ý kiến trái chiều nhau, một bên cho là phân cấp quá mạnh làm cho quản lý thiếu hiệu lực và hiệu quả, cần phải thu bớt quyền về Trung ương, một bên cho rằng cần tiếp tục duy trì phân cấp nhưng phải tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đối với địa phương.
Thứ tám, những đổi mới về cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai chưa làm giảm số lượng khiếu nại, nhất là những khiếu nại có liên quan tới cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Cơ chế giải quyết khiếu nại về đất đai (chiếm trên 70% tổng số khiếu nại của dân) được thực hiện theo pháp luật về đất đai với nguyên tắc không cho khiếu nại lên Trung ương, trong khi cơ chế giải quyết khiếu nại không về đất đai (chiếm dưới 30%) mới được giải quyết theo pháp luật chung về khiếu nại. Việc giải quyết khiếu nại của dân tại tòa án hành chính cũng đang rất bất cập, thiếu hiệu quả do thiếu nhân lực đủ trình độ.
Thứ chín, vấn đề sở hữu đất đai đang đặt ra với mức độ bức xúc khá cao trên dư luận hiện nay với nhiều lập luận trái chiều nhau. Đây là một vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng từ khía cạnh lý thuyết cũng như thực tế để tạo tính chân thực trong pháp luật đất đai. Trong hệ thống pháp luật hiện hành, cơ chế Nhà nước thu hồi đất có nguồn gốc từ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Cơ chế này không được quy định trong Hiến pháp, đang được vận hành không phù hợp với Hiến pháp.
Với những vấn đề hiện tại của Luật Đất đai 2003, rõ ràng đã đến thời điểm cần nhìn nhận và sửa đổi Luật để phù hợp với thực tế hơn.
GS- TSKH Đặng Hùng Võ cho biết, việc xây dựng Luật Đất đai mới đã được Quốc hội quyết định trong Chương trình xây dựng pháp luật, Chính phủ đang tích cực chuẩn bị dự thảo Luật này. Dự thảo Luật hiện nay còn phụ thuộc vào kết quả đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (kỳ họp thứ 7, khóa IX) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và quyết định về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Khu đô thị Linh Đàm |
"Mặt khác, lộ trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định rõ mục đích đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào khoảng năm 2020. Việt Nam hiện nay đã đạt được những thành tựu lớn trong hội nhập quốc tế với vai trò tích cực trong Liên Hợp Quốc, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), quan hệ đa phương với nhiều nền kinh tế lớn và còn khoảng 7 năm nữa để chuẩn bị thực hiện đúng các cam kết trên "sân chơi" kinh tế của Tổ chức Thương mại Thế giới", GS Võ nói.
Được biết, việc xây dựng Luật Đất đai mới của Việt Nam được khá nhiều tổ chức phát triển quốc tế quan tâm đầu tư nghiên cứu để có những kiến nghị hữu ích cho Chính phủ và Quốc hội Việt Nam. Ngoài những nghiên cứu dài hơi của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, còn phải kể tới chương trình nghiên cứu do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) giao cho Viện Chính sách, Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn hợp tác với Đại học Harvert của Hoa Kỳ thực hiện; các dự án nghiên cứu về minh bạch hóa quản lý đất đai do UN-Habitat phối hợp với Trường Đại học ITC của Hà Lan trợ giúp các trường đại học của một số nước Châu Á thực hiện (trong đó có Việt Nam, Nepal, Indonesia); các dự án nghiên cứu chính sách, pháp luật đất đai do các tổ chức phát triển Sida, DANIDA, AusAid, NZ-Aid, v.v. trợ giúp trực tiếp Tổng cục Quản lý đất đai của Việt Nam thực hiện.
Việc xây dựng Luật Đất đai mới hiện nay cũng thu hút được sự quan tâm của rất nhiều Bộ, ngành của Chính phủ Việt Nam như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, v.v. Ủy ban nhân dân các cấp rất quan tâm tới việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hội nghị nghe ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp về các quy định của hệ thống pháp luật đất đai hiện hành và yêu cầu tiếp tục đổi mới.
"Trong vài tháng vừa qua, Tổng cục Quản lý đất đai cũng đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các hội thảo chuyên đề về từng chính sách đất đai cụ thể như đăng ký đất đai, quy hoạch sử dụng đất, cơ chế Nhà nước thu hồi đất, tài chính đất đai... Kết quả của những hội thảo như vậy đã giúp ích khá nhiều cho việc tạo luận cứ hình thành các quy định mới của Luật Đất đai. Những ý tưởng đổi mới vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai mới", GS Võ nói.
Ý kiến bạn đọc