(VnMedia) - Trong khi những thông tin về sự bất hiếu của nhiều người con khiến dư luận xã hội cảm thấy bất bình, lo lắng thì những câu chuyện về lòng hiếu thảo lại làm lay động lòng người. Những câu chuyện, dù ở nông thôn hay thành thị, ở Việt Nam hay bất cứ đâu trên thế giới, dù có thật hay không… nhưng sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ đều đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi…
Người mẹ, người con phi thường
Chị chỉ là một điều dưỡng viên, nhưng với tấm lòng hiếu thảo, chị đã có được nghị lực phi thường để làm một người con hiếu thảo.
Từ ngày người chồng bỏ nhà đi làm ăn xa, chị Phùng Thị Ngọc (48 tuổi, ngụ 471/24 Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình) một mình "gánh" cả hai gia đình nghèo khó.
Là điều dưỡng viên, hàng ngày chị Ngọc vừa phải hoàn thành công việc ở cơ quan, vừa chăm sóc 3 người ốm, gồm mẹ chồng (87 tuổi, bị bại liệt nằm một chỗ), mẹ ruột (85 tuổi thường xuyên đau ốm) và người chị chồng ngoài 60 bị thiểu năng trí tuệ. Thêm vào đó là trách nhiệm của người mẹ đối với 4 đứa con thơ dại, trong đó có một đứa bị bệnh tự kỷ.
Không ít lần chị Ngọc gục ngã, nhưng tình thương và sự thảo thơm đã khiến chị gạt nước mắt và đứng dậy, tận dụng tất cả quỹ thời gian của mình để chăm sóc gia đình, chăm sóc hết cả những người bên gia đình chồng.
Trên sân khấu buổi lễ vinh danh "Người con hiếu thảo" toàn thành phố HCM lần thứ 7 (năm 2010), chị Ngọc đã nghẹn ngào nói: "Là con thì phải hiếu thảo với cha mẹ. Dẫu khó khăn, cực nhọc nhưng như vậy mới thấy nhẹ lòng với cuộc đời".
Trong khi nhiều người viện cớ còn nghèo, còn khó khăn vướng bận mà bỏ rơi hay đối xử tệ bạc với cha mẹ, thì tấm gương hiếu thảo của chị Phùng Thị Ngọc khiến cho mọi người thật cảm phục và suy ngẫm.
"Thư gửi mẹ" lay động lòng người
Cái tên Nguyễn Trung Hiếu giờ đây không còn xa lạ đối với người dân trên khắp cả nước. Em đã trở nên nổi tiếng từ một bài văn - bức thư gửi mẹ. Đề bài văn yêu cầu học sinh nói về đồng tiền, nhưng với những gì chân thật nhất, Trung Hiếu đã bộc lộ những tình cảm sâu đậm nhất đối với người mẹ nghèo khó, bệnh tật của mình.
Cậu học trò nghèo hiếu thảo Nguyễn Trung Hiếu |
Trong thời buổi mà ngay cả đến trẻ em ở nông thôn cũng đã phần lớn được ăn ngon, mặc đẹp thì ngay giữa thủ đô, một cậu học trò trường chuyên lại phải nhịn ăn sáng, mang cơm nắm muối vừng ăn trưa vì nhà nghèo, mẹ ốm đau bệnh tật… đã khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt. Điều đáng nói hơn, đó là những gì mà Hiếu đang phải trải qua không làm em nhụt chí, mà em chỉ đau đáu lo cho người mẹ đáng thương của mình. Câu chuyện, tấm lòng của Nguyễn Trung Hiếu đã giúp nhiều bạn trẻ suy ngẫm lại về lối sống ích kỷ và sự đòi hỏi quá đáng đối với bố mẹ của mình.
Cõng mẹ già 81 về quê ăn tết
Những ngày giáp Tết, một câu chuyện về lòng hiếu thảo đã khiến nhiều người cảm phục. Ông Hùng Quý Tài người Quý Châu (Trung Quốc) đã cõng theo mẹ già 81 tuổi lặn lội đường sá xa xôi từ một thôn ở huyện Toàn Tiêu, An Huy (Trung Quốc) đến nhà chị gái ở tận Liêu Thành, Sơn Đông ăn Tết, khiến nhiều hành khách trên xe cảm động đến rơi lệ.
Trên hành trình đến nhà chị gái dài đến hơn 700 cây số, khi thì đi xe khách, khi thì đi bộ, nhưng phần lớn thời gian ông Tài đều cõng mẹ trên lưng. Dù rất mệt, nhưng ông Tài vẫn luôn mỉm cười thân thiện với mọi người.
Một người con cõng mẹ lên chùa Quán Sứ (Hà Nội) |
10 năm trước, em gái ông Quý Tài được gả về một thôn ở huyện Toàn Liêu, An Huy, nên ông đã đưa mẹ anh đến ở gần nhà em gái mình ở. Nhưng nhà chị gái của Tài lại ở tận tỉnh Sơn Đông, mà bà mẹ thì luôn nhắc nhỏm đến tết là dịp gia đình đoàn tụ.
Mẹ già đã ngoài 80 tuổi, đi lại thật không tiện chút nào, nhưng là người con có hiếu, để thỏa mong ước của mẹ mỗi năm cố gắng về quê đón tết với gia đình, ông Tài không chút ngần ngại cõng mẹ già tới nhà chị gái đón tết. Sự hiếu thảo hiếm có đó đã khiến nhiều người cảm động đến rơi lệ, thật đúng là hành động đầy tính nhân văn.
Chuyện người con đi xa mang di ảnh mẹ cha bên mình
Ở Viện Khoa học Việt
Anh Thép bên bàn thờ cha mẹ |
Năm 1995, nhận thấy sức khỏe của bố mẹ giảm sút, anh Thép, khi đó đã có gia đình riêng bèn “nói khó” với vợ để anh dọn đến chăm sóc bố mẹ. Thế là liên tục suốt 4 năm trời, vợ chồng anh gần như sống cảnh Ngưu Lang - Chức Nữ. Khi bố lâm bệnh nặng anh tự tay chăm sóc cha, gần như ăn ngủ luôn trong bệnh viện. Sáng, anh đến trường ĐH để làm luận án nghiên cứu sinh, chiều đi dạy thêm tới 10h đêm và sau đó lại đến thẳng viện. Không có giường, anh kê luôn mấy chiếc lót ghế xuống sàn nhà.
Sau khi cha anh qua đời, mẹ anh suy sụp và bị tai biến nặng, nằm liệt giường suốt 4 năm. Bà không nói được nên phải có người cảm nhận từng thay đổi nhỏ của bà để kịp thời gọi cấp cứu. Anh quyết định nằm ngủ chung giường với mẹ. Mẹ già cao tuổi, lại nằm liệt lâu ngày… không phải ai cũng có can đảm “đến gần”.
Nhiều người, nếu chăm sóc cha mẹ đau ốm dài ngày sẽ cảm thấy mệt mỏi và "thở phào" khi các cụ ra đi. Tuy nhiên, với anh Thép thì khác. Sau khi mẹ qua đời, anh Thép trở về với gia đình nhỏ của mình nhưng tuần nào cũng cùng vợ con về lại nhà xưa. Thương nhớ cha mẹ đã mất, mỗi khi đi công tác xa, anh thường mang theo di ảnh của cha mẹ bên mình…
***
Để thành công trong sự nghiệp thì có lẽ cần rất nhiều điều, nhưng trong lúc những tiêu chuẩn đạo đức truyền thống đang có nguy cơ bị xói mòn do lớp trẻ bị cuốn vào cơn lốc làm giàu thì sự hiếu thuận với cha mẹ và trách nhiệm đối với gia đình là những yếu tố nền tảng cho sự thành công trong sự nghiệp.
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ chỉ quan tâm tới thành tích học tập của con cái và thứ duy nhất trẻ phải làm là đạt điểm cao trong các kì thi. Nhưng đến khi về già, họ sẽ thấy rằng, có một đứa con hiếu thảo là một điều hạnh phúc lớn nhất đối với một con người.
Câu chuyện đáng suy ngẫm
Ðổng Vĩnh còn gọi là Ðổng Ảm. Ðổng Vĩnh rất hiếu thảo với cha mẹ. Hàng xóm của anh ta có một người họ Vương, gọi là Vương Kỳ. Ðổng Vĩnh là người nghèo, không có tiền, Vương Kỳ là người giàu có. Nhưng mẹ của Ðổng Vĩnh, vì nhờ có người con hiếu thảo nên được khỏe mạnh mập mạp. Mặc dù đã lớn tuổi, nhưng từ sáng đến tối bà luôn cảm thấy vui vẻ. Còn bà mẹ của Vương Kỳ mặc dù tiền bạc sung túc, ăn thì có thịt heo, thịt gà, cá, vịt, toàn thứ ngon vật lạ, nhưng lại ốm yếu bệnh hoạn. Bà ta không có một chút vui vẻ, luôn đau buồn.
Có một hôm Ðổng Vĩnh không có ở nhà, Vương Kỳ cũng không có ở nhà, bà ốm mới hỏi bà mập: "Nhà bà nghèo như thế, cũng không có gì ngon để ăn. Vậy tại sao bà mập như vậy? Bà lớn tuổi như thế, mà mập như vậy là lý do gì? Mẹ của Ðổng Vĩnh mới nói với mẹ của Vương Kỳ rằng: "Bởi vì con của tôi rất là hiếu thảo, nó không dám làm một việc gì xấu cả, lại rất thật thà đúng đắn, cần cù làm việc. Tôi không có điều chi đau buồn về nó, lại rất hài lòng. Tâm hồn thoải mái, thân thể khỏe mạnh, tôi thích như vậy, nên tôi mập được." |
Ý kiến bạn đọc