Chim "khủng" ở hồ sông Đà có thể là loài đặc biệt nguy cấp

14:19, 04/02/2012
|

(VnMedia) - Theo ông Lê Trọng Trải, chuyên gia về chim của tổ chức BirdLife International (tổ chức quốc tế chuyên về bảo tồn chim hoang dã) thì con chim lạ mà người dân bắt được ở vùng lòng hồ sông Đà mới đây có thể là một cá thể loài kền kền Ben-gan chưa trưởng thành - một loài đang đặc biệt nguy cấp.
 

 Ảnh minh họa

 Chim lạ một gia đình ở Sơn La bắt được bên hồ Sông Đà hôm 20/1


Theo ông Trải, Chim kền kền Ben-gan trưởng thành có bộ lông màu sẫm đen, có viền lông tơ màu trắng quanh cổ, lông sát đuôi màu trắng và mặt dưới cảnh cũng có màu trắng. Đặc biệt những con chim trưởng thành mảng lông ở phần lưng trên đuôi màu trắng. Lông cánh sơ cấp phía trên có có ánh bạc, đầu và cổ màu sẫm, mỏ to, ngắn và màu bạc.  Chim chưa trưởng thành có bộ lông màu nâu sẫm có vệt màu sang nổi bật, đặc biệt phía dưới bụng.
 
 Ảnh minh họa
Kền kền Ben-gan trưởng thành (Hình: Birdlife International)
Kền kền Ben-gan có tên tiếng Anh là White-Rumped Vulture, tên khoa học là Gyps bengalensis.  Kể từ năm 2000, loài này đã được tổ chức Birdlife International xếp vào loại cực kỳ nguy cấp/Critically Endangered (sắp bị tuyệt chủng).  Năm ngoái, loài kền kền Ben-gan vẫn ở mức cực kỳ nguy cấp trong sách Đỏ của IUCN. 
 
Trước đây, kền kền Ben-gan là loài chim phổ biến, nhất là ở Ấn Độ.  Nhưng từ cuối những năm 90, số lượng quần thể loài chim này sụt giảm rất nhanh.  Hiện nay chỉ còn khoảng từ 2500 đến 9000 cá thể chim trường thành sống rải rác ở các nước Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Miến Điện, Thái lan, Lào, Cam-pu-chia và nam Việt Nam, và có thể đã bị tuyệt chủng ở miền nam Trung Quốc và Malaysia.  Ở Việt Nam, có ghi nhận tìm thấy chim ở rừng Yok Don (tỉnh Đắc Lắc).
 
Tổ chức BirdLife Quốc tế, Chương trình Đông Dương đã thực hiện dự án giám giát các loài Kền kền ở Căm Pu Chia, trong đó có loài Kền kền Bengan. Ở Căm Pu Chia, quần thể của loài này cũng rất khả quan. Ngược lại, ở Việt Nam tất cả các loài kền kền đều rất hiếm, chỉ thấy xuất hiện ở dọc biên giới Việt Nam (Tây Nguyên) và Căm Pu Chia. Ở Lào, loài này phân bố rải rác trên toàn quốc.
 
Ông Trải cho biết, nguyên nhân loài kền kền Ben-gan và một số loài kền kền châu Á bị sụt giảm số lượng quá nhanh là diclofenac, một loại thuốc chống viêm không steroid được sử dụng để điều trị gia súc. Kền kền ăn xác những con trâu bò mới được điều trị với loại thuốc này thường bị suy thận và chết.  Sau những nghiên cứu trên diện rộng của các nhà khoa học, năm 2006, chính phủ Ấn Độ và Pakistan đã ra lệnh cấm sản xuất loại thuốc này.
 
Kền kền cung cấp dịch vụ hệ sinh thái quan trọng thông qua việc xử lý xác gia súc và sự sụt giảm số lượng kền kên đã có tác động kinh tế - xã hội rất lớn trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ.  Nếu không có chim kên kên, hàng trăm hàng ngàn xác động vật đã bị để thối rữa trong ánh mặt trời, đặt ra một nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Xác gia súc cũng là nơi nuôi dưỡng cho nhiều bệnh truyền nhiễm, bao gồm bệnh than, và khuyến khích sự gia tăng của loài vật gây hại như chuột. Điều lo ngại nữa là việc kền kền chết hàng loạt đã dẫn đến sự bùng nổ về số lượng chó hoang cắn là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh dại ở người trong khu vực.
 
Hôm 20/1, gia đình ông La Văn Liên, 62 tuổi ở bản Lọng Đán (ven hồ sông Đà) thuộc xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã bắt được một con chim lạ bay lạc từ trên núi xuống trong tình trạng đói lả. Gia đình đã cho chim ăn và giữ trong sân nhà.


Hà Thanh

Ý kiến bạn đọc