Ngày đầu đổi giờ, đường phố thông thoáng hơn

09:48, 01/02/2012
|

(VnMedia)Sáng 1/2, ngày đầu tiên Hà Nội tiến hành điều chỉnh giờ làm việc, học tập để giảm ùn tắc giao thông, việc đi lại trên nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, đây chưa phải là thời điểm lượng người tham gia giao thông đông nhất nên có thể chưa phản ánh đúng thực chất.

>>>Ngày mai đổi giờ làm, Hà Nội có ‘gỡ’ được ùn tắc?

>>>Đổi giờ làm: Kế hoạch của Hà Nội có hiệu quả?
 
Sáng nay, ngay từ đầu giờ sáng, VnMedia đã có mặt trên nhiều tuyến đường của Hà Nội để ghi lại những hình ảnh của người dân đi lại trong ngày đầu thành phố tiến hành đổi giờ để chống ùn tắc.
 
Theo ghi nhận của nhóm phóng viên vào lúc 7h30 phút, tại nhiều tuyến đường trước đây thường xuyên ùn tắc  như: Trường Chinh, Chùa Bộc, Sơn Tây, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thái Học… việc đi lại đã dễ dàng và thông thoáng hơn các ngày trước đó.

 Ảnh minh họa
 Đường Trường Chinh, con đường thường xuyên xảy ra ùn tắc sáng nay đã thông thoáng hơn nhờ đổi giờ. Ảnh: Xuân Tùng
 
Tại các tuyến đường trên, mặc dù lượng phương tiện giao thông cá nhân tham gia lưu thông vẫn đông nhưng xe cộ vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm, không phải dừng lại do ùn tắc, khác hẳn với những ngày trước đó khi vào các giờ cao điểm, cảnh ùn tắc xảy ra thường xuyên, thậm chí nhiều vụ ùn tắc kéo dài từ 15-20 phút.
 
Tại tuyến đường Giải Phóng - tuyến đường cửa ngõ đi vào thành phố, sáng nay, mật độ phương tiện giao thông cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, do lưu lượng người và phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến này đông nên tại một số nút tín hiệu giao thông tình trạng ùn ứ giao thông vẫn diễn ra.
 
Tại một số ngã ba, ngã tư, đèn tín hiệu trên tuyến đường này, hàng trăm ô tô, xe máy vẫn xếp hàng dài tới 200 mét, đứng dưới trời rét chờ thông đường.
 
Sáng nay, trao đổi với VnMedia, một thượng sỹ Đội CSGT số 3 đứng trực phân luồng giao thông tại nút Trường Chinh – Tôn Thất Tùng, điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cho biết, so với ngày hôm qua khi chưa tiến hành đổi giờ, tuyến đường Trường Chinh vào sáng nay việc đi lại thoáng hơn, không còn xảy ra ùn tức như trước kia.

 Ảnh minh họa
Tuy nhiên, tại đường Giải Phóng, nơi có mật độ phương tiện qua lại đông, ùn ứ giao thông vẫn xảy ra tại các ngã ba, tư đèn tín hiệu. Ảnh: Xuân Tùng
 
“Lúc 7h sáng lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông có đông hơn nhưng cũng chỉ xảy ra ùn ứ nhẹ do phụ huynh, học sinh đưa con đi làm, sau đó mới đến công sở nhưng nhìn chung không xảy ra ùn tắc”, thượng sỹ Đội CSGT số 3 cho biết.
 
Khảo sát của VnMedia vào lúc 7h30 phút trên tuyến Trường Chinh cũng cho thấy, việc đi lại trên tuyến đường này vào buổi sáng nay cũng đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, do lòng đường hẹp, cho nên tại một số ngã ba, ngã tư khi xe ô tô ở trong ngõ chạy ra, quay đầu, thường chắn hết lòng đường, gây ùn ứ giao thông cho các phương tiện phía sau.
 
Nhìn chung, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện đổi giờ làm, giờ học của học sinh, sinh viên, việc đi lại trên nhiều tuyến phố của Thủ đô đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, đây chưa phải là kết quả chuẩn xác vì thời điểm này học sinh, sinh viên và nhiều công nhân vẫn còn chưa trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết.
 
Theo quyết định của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, việc điều chỉnh giờ làm, giờ học sẽ bắt đầu áp dụng  tại 10 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành là Từ Liêm và Thanh Trì từ 1/2/2012. Một trong những nhóm đối tượng bị điều chỉnh là sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường trung học phổ thông. Nhóm này, sẽ bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày thay cho từ 7h30 phút và 18h30 phút so với trước kia.
 
Thành phố cũng điều chỉnh giờ học của nhóm đối tượng là các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ lớp học chiều vào 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hàng
ngày…
 
Tuy nhiên, trước ngày Hà Nội thực hiện quyết định này, trao đổi với VnMedia, một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giao thông cho rằng, dù là giải pháp mạnh thì Hà Nội cũng không thể giảm được quá nhiều ùn tắc từ biện pháp đổi giờ này.

Ts Khuất Việt Hùng, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học mà Hà Nội sẽ thực hiện, nếu hiệu quả nhất thì cũng chỉ làm thay đổi 70% lưu lượng tham gia giao thông trong giờ cao điểm.

”Hiện nay trong giờ cao điểm năng lực thông hành của Hà Nội thiếu khoảng 15 – 20% nên nếu chỉ giảm 5% thì cũng không ảnh hưởng lắm cho nên tôi nghĩ tình hình ùn tắc giao thông Hà Nội sẽ khó chuyển biến nhiều nếu chỉ thực hiện giải pháp đổi giờ”, Ts Hùng nhấn mạnh.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc