Hôm nay, có phép thử chính xác cho việc đổi giờ

06:02, 06/02/2012
|

(VnMedia) - Sáng nay (6/2), hàng chục vạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… sẽ trở lại Thủ đô để học tập. Đây có thể là phép thử cho kết quả chính xác nhất về biện pháp đổi giờ để chống ùn tắc giao thông của Thủ đô.

>> Sở Giao thông: 'Ùn tắc được cải thiện sau biện pháp đổi giờ'
>> Đường Hà Nội đỡ tắc không phải nhờ đổi giờ?

Tính đến ngày hôm qua, giải pháp đổi giờ để hạn chế ùn tắc giao thông đã được Hà Nội triển khai đúng một tuần và kết quả bước đầu theo ghi nhận của người tham gia giao thông là một số tuyến đường hay ùn tắc giao thông trước đây đã bớt ùn tắc và thông thoáng hơn.

Chính lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội khi đánh giá về tình hình giao thông của Thủ đô trong những ngày đầu đổi giờ cũng khẳng định, tình hình giao thông đi lại trên các tuyến đường của thành phố được cải thiện. Trên một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, lưu lượng tham gia giao thông vẫn đông nhưng vẫn không tắc nghẽn, mật độ giao thông trong giờ cao điểm đã giảm đáng kể như đường Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Phạm Ngọc Thạch, Đại La, Trương Định, Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy – Cầu Giấy...
 
Tuy đã đạt được những kết quả trên nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của giải pháp đổi giờ để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô vì thời gian thực hiện được cho là khá nhạy cảm. Đó là việc thành phố chọn thời điểm thực hiện việc đổi giờ ngay sau khi kỳ nghỉ Tết khi học sinh, sinh viên nhiều trường, người lao động tự do… chưa trở lại làm việc dẫn đến sự hoài nghi về hiệu quả thực sự của biện pháp đổi giờ trong việc chống ùn tắc.

 Ảnh minh họa

Nhiều tuyến phố Hà Nội thông thoáng hơn trong tuần đầu đổi giờ.
Ảnh: Xuân Tùng

Ngay cả, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc khi trao đổi với VnMedia về hiệu quả của giải pháp đổi giờ học giờ làm cũng thẳng thắn rằng, chưa thể đánh giá hiệu quả của giải pháp này do nhiều thành phần người tham gia giao thông chưa trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết.

"Những ngày sắp tới, khi lượng sinh viên đại học, cao đẳng và người lao động ở các nơi trở về Hà Nội học tập và làm ăn, chắc chắn sẽ nảy sinh những bất cập mới. Lực lượng chức năng cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá mới chính xác hiệu quả của phương án điều chỉnh giờ", ông Ngọc nói.

Đáng tiếc không chỉ ông Trưởng Phòng CSGT Hà Nội hoài nghi về hiệu quả của phương án đổi giờ mà nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao thông cũng nghi ngại về hiệu quả của phương án này.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải, một chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị hơn 30 năm cũng cho rằng, hiệu quả của giải pháp đổi giờ làm trong những ngày đầu thực hiện chưa thật sự khách quan.

Theo TS. Thủy, thời điểm này chưa thể đánh giá hết hiệu quả giảm ùn tắc của phương án đổi giờ làm. Vì hiện nay, nhiều sinh viên vẫn đang nghỉ Tết nên mới có được kết quả như vậy. Nếu sau 15 tháng Giêng, các trường đều bắt đầu học trở lại mà kết quả được như hiện nay (1/1) mới có thể đánh giá được đấy là thành công.

“Theo tôi, đến khi sinh viên đi học trở lại hết, có lẽ cũng có thay đổi nhưng rất thấp, chỉ giảm từ 2 - 5% lượng người ra đường cùng thời điểm”, TS. Thủy nói.

 Ảnh minh họa

Tuy đã có cải thiện nhưng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra trong những ngày đầu thành phố thực hiện phương án đổi giờ. Ảnh: Xuân Tùng

Ts Khuất Việt Hùng, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học mà Hà Nội thực hiện, nếu hiệu quả nhất thì cũng không thể gỡ được quá nhiều tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

“Cứ cho rằng, nếu nó rơi vào kịch bản tốt nhất thì sẽ giảm được 5% số chuyến đi trên những tuyến đường ùn tắc nhất hiện nay vào giờ cao điểm.Tuy nhiên, hiện nay trong giờ cao điểm, năng lực thông hành của Hà Nội thiếu khoảng 15 – 20% nên nếu chỉ giảm 5% thì cũng không ảnh hưởng lắm cho nên tôi nghĩ tình hình ùn tắc giao thông Hà Nội sẽ khó chuyển biến nhiều nếu chỉ thực hiện giải pháp đổi giờ”, Ts Hùng nhấn mạnh.

Theo số liệu của ngành giáo dục Hà Nội, ở 12 quận, huyện thực hiện điều chỉnh giờ học của Hà Nội có tổng cộng 124 trường đại học, cao đẳng, trung học với hơn 624.000 học sinh, sinh viên sẽ phải thay đổi giờ học.

Trong đó, có 78% sinh viên sống ngoại trú. 31,2% sinh viên của các trường sử dụng xe buýt. Các tuyến có nhiều trường đại học, cao đẳng nhất gồm: Cầu Giấy - Xuân Thủy - QL32 (17 trường), Nguyễn Trãi - QL6 (10 trường), Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng (8 trường).

Ngày mai, khi tất cả số học sinh, sinh viên này sẽ đồng loạt trở lại trường học, liệu ùn tắc ở các tuyến đường của Thủ đô có được giải quyết và liệu giải pháp đổi giờ có thật sự phát huy tác dụng hay sự thành công trong tuần đầu tiên thực hiện chỉ là do lãnh đạo thành phố đã khéo léo chọn thời điểm đổi giờ?.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, việc điều chỉnh giờ làm, giờ học sẽ bắt đầu áp dụng  tại 10 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành là Từ Liêm và Thanh Trì từ 1/2/2012. Một trong những nhóm đối tượng bị điều chỉnh là sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường trung học phổ thông. Nhóm này, sẽ bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày thay cho từ 7h30 phút và 18h30 phút so với trước kia.
 
Thành phố cũng điều chỉnh giờ học của nhóm đối tượng là các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở: Thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ lớp học chiều vào 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày…  



`                       Đổi giờ gây phiền toái cho nhà trường, học sinh

Thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh cho biết, sau khi có quy định đổi giờ học, trường vẫn giữ nguyên giờ học buổi chiều từ 13h và kết thúc vào 17h15. Tuy nhiên, để thực hiện đúng quy định của thành phố, trường sẽ đóng cổng và chỉ mở cho học sinh về lúc 19h.

Ông phân tích, việc thay đổi giờ học khiến trường phát sinh thêm rất nhiều khoản chi phí như trang bị hệ thống chiếu sáng, tiền điện, tiền xe đưa đón học sinh... Trước đây, THPT Lương Thế Vinh bố trí xe chung đưa đón cả học sinh cấp 2 và cấp 3 trên cùng tuyến đường vì có thời gian học như nhau. Theo quy định mới, giờ học lệch nhau nên sẽ có những học sinh phải tự túc đi lại và tiền thuê xe mỗi em cũng sẽ tăng lên.

Ngoài ra, học sinh THCS tan sớm (17h) nhưng phải cử giáo viên trông các cháu đến 17h30, trường cũng phải tăng thêm khoản tiền ngoài giờ cho những giáo viên này.

"Thành phố quyết định đổi giờ nhưng lại không nhắc đến kinh phí phát sinh khi thực hiện. Thế nên hiện tại chúng tôi phải vận động phụ huynh cùng giúp sức bởi trường phối hợp với thành phố thì phụ huynh cũng phải chung tay với trường", thầy Văn Như Cương nói.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc