(VnMedia) - Ngày đầu tiên Hà Nội tiến hành thay đổi giờ làm, học tập để giảm ùn tắc nhìn chung đường phố Thủ đô khá thông thoáng, mặc dù vẫn còn một số điểm ùn tắc nhưng đây cũng được xem là một kết quả khả quan. Tuy nhiên, liệu biện pháp này thành công hay do Hà Nội khéo chọn thời điểm?.
>>>Ngày đầu đổi giờ, đường phố thông thoáng hơn
>>>Ngày mai đổi giờ làm, Hà Nội có ‘gỡ’ được ùn tắc?
Sáng 1/2, ngày đầu tiên Hà Nội tiến hành biện pháp thay đổi giờ làm, giờ học để giảm ùn tắc giao thông, tại nhiều tuyến đường trước đây thường xuyên ùn tắc: Trường Chinh, Chùa Bộc, Sơn Tây, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thái Học… mặc dù lượng phương tiện khá đông nhưng xe cộ vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm. Hình ảnh này, khác hẳn những ngày trước đó, khi thường vào các khung giờ cao điểm, cảnh ùn tắc giao thông thường xảy ra liên miên, thậm chí kéo dài từ 15-20 phút.
Mặc dù vậy, trong ngày đầu tiên thực hiện giải pháp đổi giờ làm, tại một số tuyến đường có lòng đường hẹp, nhỏ, cảnh ùn tắc giao thông vẫn xảy ra. Tuy nhiên, liệu đây có phải giải pháp thành phố đưa ra để chống ùn tắc giao thông thực chất phát huy tác dụng hay do Hà Nội đã khéo chọn thời điểm thực hiện?.
Còn nhớ trước đây, giải pháp bịt ngã ba, ngã tư không giống ai của Hà Nội cũng đã rất thành công trong việc giảm ùn tắc trong thời gian đầu mới thực hiện. Thời gian đó, khi thành phố mới triển khai biện pháp này, việc ùn tắc trên nhiều tuyến đường đã giảm hẳn nhưng sau đó giải pháp này đã bị đả kích nặng nề vì không hiệu quả.
Nhiều tuyến đường Thủ đô khá thông thoáng trong ngày đầu đổi giờ. Ảnh: Xuân Tùng |
Thời gian đó, mặc cho có những ý kiến trái chiều, những bất tiện do việc bịt ngã ba, ngã tư gây ra như: xe cộ phải đi vòng, tốn xăng, mất mỹ quan đô thị... thậm chí nhiều người còn cho rằng không nước nào trên thế giới có cách tổ chức giao thông lạ đời như trên nhưng do thấy hiệu quả, Hà Nội vẫn quyết tâm nhân rộng.
Chỉ còn điều, thời gian đó, Hà Nội tiến hành tổ chức lại giao thông vào đúng dịp học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và THPT… bước vào kỳ nghỉ hè nên lưu lượng người tham gia giao thông giảm, dẫn đến hiệu quả tốt. Tuy nhiên, giải pháp này sau đó vài tháng, vào giữa tháng 9 đầu tháng 10 khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tập thì bắt đầu bọc lộ những hạn chế.
Nhiều điểm bịt ngã tư khi mới tổ chức lại giao thông, bắt phương tiện giao thông đi vòng xa từ 100-200 mét để giảm xung đột thì nay bỗng dưng ùn tắc trở lại và xuất hiện thêm nhiều điểm ùn tắc mới. Bức xúc với giải pháp tổ chức của ngành giao thông, nhiều đại biểu HĐND thành phố cũng đã chất vấn về biện pháp này. Sau đó, Hà Nội tiến hành điều chỉnh những nút bịt ngã ba, ngã tư bằng việc cho dỡ bỏ những điểm bịt lại bất hợp lý.
Từ hàng chục ngã ba, ngã tư bị bịt, sau đó thành phố đã dỡ bỏ gần hết và đến thời điểm này chỉ còn một số ngã tư thật sự phát huy tác dụng: Ngã Tư Sở, Lê Văn Lương – Láng… được giữ lại.
Như vậy có thể thấy thời điểm đó, sở dĩ Hà Nội tổ chức giao thông bằng biện pháp bịt ngã ba, ngã tư để chống ùn tắc giao thông đạt kết quả tốt là nhờ khéo chọn thời điểm nên thành công. Còn hiện nay, với giải pháp đổi giờ, cũng có thể nói sở dĩ ngày đầu thành công là do lãnh đạo thành phố cũng đã khéo chọn thời điểm. Bởi hiện nay, sinh viên, người lao động tự do còn chưa trở lại Thủ đô để học tập, kiếm sống.
Trao đổi với VnMedia chiều 1/2, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, chưa thể đánh giá kết quả giải pháp đổi giờ do nhiều đối tượng tham gia giao thông chưa trở lại Thủ đô.
Theo Đại tá Ngọc, hiện có 3 thành phần là: sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; người lao động tự do ngoại tỉnh, các cơ quan các tỉnh chưa về Hà Nội làm việc, công tác...nên không thể kết luận giải pháp đổi giờ hiệu quả như thế nào.
Mặc dù vậy, ùn tắc vẫn xảy ra trên một số ít những tuyến đường vào đầu giờ sáng. Ảnh: Xuân Tùng |
Tuy nhiên, vì là ngày đầu thành phố tiến hành giải pháp chống ùn tắc giao thông mới nên ngay từ 6h sáng, Phòng CSGT Hà Nội đã tăng cường quân số ra đường túc trực cùng các lực lượng khác để đảm bảo an toàn giao thông.
Điều đáng nói là trước ngày Hà Nội thực hiện giải pháp này, trao đổi với VnMedia, một số chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giao thông cho rằng, dù được coi là giải pháp mạnh thì Hà Nội cũng không thể giảm được quá nhiều ùn tắc.
TS Khuất Việt Hùng, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng, giải pháp thay đổi giờ làm, giờ học mà Hà Nội sẽ thực hiện, nếu hiệu quả nhất thì cũng chỉ làm thay đổi 70% lưu lượng tham gia giao thông trong giờ cao điểm.
Theo TS. Hùng, một số thành phố nước ngoài đã áp dụng điều này nhưng khi người ta triển khai, họ nghiên cứu rất kỹ chuỗi chuyến đi, hoạt động trong ngày của các nhóm dân cư, sau đó đưa chuỗi chuyến đi lên mô hình giao thông để xem hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra trên tuyến đường nào, giờ nào, từ đâu đến đâu, sau đó mới tính toán điều chỉnh giờ làm, giờ học của nhóm đó.
Tất cả những việc này, sẽ được tính toán trên mô hình giao thông, từ đó sẽ quyết định nên áp dụng hay không, còn ở nước ta thì cứ đưa ra làm thử trước. Cứ cho rằng, nếu nó rơi vào kịch bản tốt nhất thì sẽ giảm được 5% số chuyến đi trên những tuyến đường ùn tắc nhất hiện nay.
”Hiện nay trong giờ cao điểm năng lực thông hành của Hà Nội thiếu khoảng 15 – 20% nên nếu chỉ giảm 5% thì cũng không ảnh hưởng lắm cho nên tôi nghĩ tình hình ùn tắc giao thông Hà Nội sẽ khó chuyển biến nhiều nếu chỉ thực hiện giải pháp đổi giờ”, TS Hùng nói.
Theo quyết định của Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, việc điều chỉnh giờ làm, giờ học sẽ bắt đầu áp dụng tại 10 quận nội thành và 2 huyện ngoại thành là Từ Liêm và Thanh Trì từ 1/2/2012. Một trong những nhóm đối tượng bị điều chỉnh là sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường trung học phổ thông. Nhóm này, sẽ bắt đầu học buổi sáng từ trước 7h hàng ngày; kết thúc giờ học buổi chiều sau 19h hàng ngày thay cho từ 7h30 phút và 18h30 phút so với trước kia.
Thành phố cũng điều chỉnh giờ học của nhóm đối tượng là các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Thời gian bắt đầu lớp học buổi sáng từ 8h và kết thúc giờ lớp học chiều vào 17h. Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở bố trí giáo viên, cán bộ, công nhân viên để tiếp nhận học sinh từ 7h30 sáng và quản lý học sinh đến 17h30 hàng ngày....
Ý kiến bạn đọc