Cụ bà bị con đuổi ra đường: "Chúng nó lừa tôi nhiều lần rồi!"

06:04, 02/02/2012
|

(VnMedia) - “Không có chuyện tôi ngược đãi, đánh đập bố mẹ như một số báo đã đưa. Đã nhiều lần tôi mời bố mẹ về nhưng ông bà đều nhất quyết không chịu. Chuyện này đã làm tôi suy sụp và rất mệt mỏi...” Anh Nguyễn Văn Đại, con trai út của hai cụ già Quý - Chén sụt sịt thanh minh.

>>7 đứa con bất hiếu: Lỗi ở cha mẹ?
>>Độc giả đòi "trảm" 7 đứa con bất hiếu
>>Vợ chồng già bị 7 đứa con đuổi ra đường

Con trai… kể khó

Chúng tôi mới tìm đến căn nhà của anh Nguyễn Văn Đại và thật bất ngờ khi thấy đó là một căn nhà hai tầng được xây dựng khang trang và bề thế. Đồ đạc trong nhà được sắp xếp khá ngăn nắp và gọn gàng. Đang giờ giữa trưa nhưng vợ chồng anh Đại vẫn đi làm chưa về, cháu Nguyễn Văn Tiến (con trai cả anh Đại) cho biết: Bố làm thợ xây tối mịt mới về, còn mẹ thì đang đi cấy ngoài đồng.

Trong câu chuyện, Tiến tỏ ra ngoan ngoãn và lễ phép. Khi được hỏi về ông bà nội, cháu cho biết thường xuyên đến thăm ông bà và cũng luôn được bố mẹ dạy dỗ phải biết quý trọng người trên, uống nước phải nhớ nguồn (?!)

Tiến (năm nay là học sinh lớp 10) thanh minh hộ bố mẹ: “Nhà em vất vả lắm, bố mẹ luôn phải đầu tắt mặt tối để làm lụng nuôi chúng em ăn học. Bố là người nghiêm khắc nhưng rất tình cảm, luôn căn dặn chúng em sống phải có đạo lý, uống nước nhớ nguồn...”. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi được Tiến cho xem “5 điều ghi nhớ” mà theo em thì chính bố đã tự tay chép để răn dạy con cái về đạo lý làm người. Hơn thế, Tiến cũng hồ hởi khoe, gia đình em luôn được bình bầu là gia đình văn hóa của xã.

Gần xế chiều, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đại mới đi làm đồng về. Nói chuyện với phóng viên, anh Đại vừa… sụt sịt vừa cho biết, đang rất mệt mỏi và buồn phiền vì “đi đến đâu cũng bị bà con xì xào bàn tán”.

 Ảnh minh họa

 Tôi là người ít học nhưng tôi cũng hiểu lắm đạo lý ở đời...


“Tôi là người ít học nhưng tôi cũng hiểu lắm đạo lý ở đời, sống phải có trên có dưới. Tôi khẳng định không hề có chuyện tôi đuổi bố mẹ ra đường chứ chưa nói đến chuyện ghè dao vào cổ ông bà như dư luận thông tin. Thời gian này tôi đi làm ăn xa nhà, khi về thì được mọi người kể lại câu chuyện bố mẹ có xích mích với anh trai cả chứ cũng không nắm được tình hình cụ thể...”.

Anh này cũng cho biết, người anh cả Nguyễn Văn Trượng từ bé đã bị bệnh tâm thần nên tình tính khá cục cằn và thô lỗ. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn với bố mẹ.

Anh con trai út này cũng tranh thủ “kể khổ”: “Tôi tuy là con trai út trong gia đình nhưng từ bé cũng chịu nhiều ấm ức và thiệt thòi. Năm tôi học lớp 3 thì bố mẹ đi vào vùng kinh tế mới làm ăn. Cuộc sống khó khăn tôi phải ở với người anh cả là anh Nguyễn Văn Trượng. Tuy là em ruột thịt nhưng luôn bị đánh đập, hắt hủi, bữa đói, bữa no. Cực quá tôi đã bỏ nhà ra đi lang bạt khắp nơi. Có đợt bị lừa lên tận Thái Nguyên đào vàng, cả đội đào vàng người thì chết vì sốt rét, kẻ vì đói khát mà bỏ mạng. May mắn lắm tôi tìm được về quê và đi lên từ hai bàn tay trắng”.

Ngoài ra, anh Đại cũng “tâm sự” rằng, căn nhà của anh tuy được xây dựng từ tiền bán đất nhưng là tiền bán đất của... nhà vợ cho chứ không phải là do bố mẹ đẻ sang tên như thông tin một số báo cung cấp.

Không biết có phải nhà xây bằng tiền đất của nhà vợ nên anh không dám báo hiếu với bố mẹ chăng?, nhưng anh Đại cũng khẳng định rằng, mình không phải là loại con bất hiếu. “Gia đình tôi cũng không bao giờ bỏ bê các cụ. Năm 2006, mẹ tôi bị co thắt dạ dày, tôi tuy phận con trai út nhưng cũng một mình vay mượn, chăm sóc bà ở bệnh viện 103 hàng tháng trời. Nhiều lần tôi cũng xuống đón ông bà lên nhà ở với con cháu nhưng ông bà nhất quyết không chịu, thậm chí còn khóc lóc, rồi làm um lên làm tôi rất mất mặt.”

 Ảnh minh họa

 Tấm bằng Gia đình văn hoá được treo trang trọng trong căn nhà 2 tầng khang trang, trong khi bố mẹ già của chủ nhân căn nhà này đang phải tá túc nơi cửa chùa


Về thông tin “khi nào cần người trông con thì mới đón bố mẹ về nhờ vả, chính anh Đại cũng thú nhận là: “Năm 2010 vừa rồi, con tôi nằm viện Hà Đông, vợ chồng tôi xuống nói khó nhờ ông bà về trông nhà và quản các cháu nhưng các cụ cũng nhất quyết không chịu. Thời gian đó vợ chồng tôi gần như kiệt sức. Thật sự công việc thợ xây của tôi rất vất vả và thường xuyên phải đi xa nên tuy ở gần nhưng cũng không có điều kiện để thăm nuôi các cụ nhiều...!!!?”.

Chị vợ anh Đại thì than thở rằng, tuy nhà cửa khang trang nhưng… kinh tế gia đình khá khó khăn! Các con bị ảnh hưởng chất độc da cam nên thường xuyên ốm yếu, đứa cả thì mắt mờ đục hầu như không nhìn thấy gì, còn đứa út thì nhận thức khá chậm: “Mấy năm nay, gia đình cũng muốn chạy chữa các cháu nhưng cũng chưa có tiền…”

Con gái… kể khó

Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin mà anh Đại trần tình, chị Nguyễn Thị Thoa (sinh năm 1977, con gái Út của ông Quý Chén) lại cho rằng: “Từ khi lấy vợ các anh tôi thay đổi tính nết, đổi xử tệ bạc với bố mẹ. Thậm chí, có hôm tôi đến cấy hộ cho bố mẹ, anh Nguyễn Văn Đại còn đuổi đánh tôi cho rằng tôi muốn cướp hết đất của ông bà để lại cho anh. Trước đây, bố mẹ tôi chơi hội, gom góp dành dụm được mấy tạ thóc thì các anh xin lỗi rồi mời về ở, khi hết thóc lại đuổi mẹ tôi đi...”

Khi được hỏi tại sao khi chứng kiến cảnh ngược đãi như vậy mà không góp ý hoặc đón bố mẹ về ở thì chị Thoa kể lể: “Anh cả của tôi bệnh tật, một lần uống rượu còn đánh đập cả các em rể. Từ lâu các anh em trong gia đình đã không được đoàn kết. Tôi là phận gái đi lấy chồng xa, nhà chồng cũng khó khăn nên không giúp gì bố mẹ được. Thương cũng chỉ dám về thăm hỏi động viên bố mẹ thôi...”. Chị Thoa cũng cho biết, chưa bao giờ bố mẹ có hành vi hành hạ, ngược đãi con cái để đến nỗi họ phải hận ông bà.

 Ảnh minh họa

Tôi đã đi lấy chồng, lại nghèo nên... không giúp gì được


Chúng nó lừa vợ chồng tôi nhiều lần rồi

Còn cụ Nguyễn Văn Quý, khi được hỏi về 7 người con của mình chỉ buồn rầu: “Chuyện gia đình nói ra thấy xấu hổ tủi phận lắm, không nhờ được con cái thì đành nhờ làng xóm. Sau này chúng tôi chết cũng chỉ mong được bà con thương tình đưa ra ngoài đồng...”

Được biết, cụ ông Nguyễn Văn Quý và cụ bà Nguyễn Thị Chén từ bé đã mồ côi cha mẹ. Cùng cảnh ngộ mà nên duyên vợ chồng. Nhớ lại những ngày tháng vất vả nuôi con, cụ Chén rưng rưng: “Tôi nhớ sinh đứa nào cũng dễ, đến ngày sinh vẫn phải đi cắt cỏ, nhói bụng cái là đã thấy oe oe rồi. Nhà nghèo, cơm độn sắn, tôi với ông nhà tôi phải ăn sắn để nhường cơm cho các con. Hồi đấy chúng no ngoan lắm thế mà giờ đây...”. Nói đến đây, cụ Chén nghẹn ngào, đôi mắt đục nhìn xa xăm. Khi được hỏi nếu con cái xin lỗi ông bà có thay đổi suy nghĩ không, cụ Chén khẳng định chắc nịch: “Chúng nó xin lỗi nhiều lần lắm rồi, nhưng chỉ được vài bữa là chúng nó lại gây sự. Lần thì chúng nó đuổi trắng trợn, lần thì chúng nó rút ngói cho mưa hắt vào chỗ giường tôi nằm, khổ lắm. Giờ tôi có chết cũng không chuyển về đâu.”
Bà N.T.H (75 tuổi) gần đình làng Đồng Lư cho biết: “Tôi ở gần đây nên biết, ông bà Quý Chén vất vả lắm, từ lâu con cái đã không dòm ngó đến bố mẹ rồi...”

Chính quyền: Đấy là chuyện nội bộ gia đình!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đạt Thạo (trưởng thôn Đồng Lư): “Sự việc ông bà Quý - Chén chuyển ra ở đình làng từ 8 năm nay là có thật”. Nói về nguyên nhân ông Thạo nhìn nhận: “Nguyên nhân chính bắt nguồn từ  mâu thuẫn với các con khiến các cụ tự ái mà bỏ nhà đi. Tuy nhiên, cũng còn một phần do vài năm gần đây, báo chí phản ánh nên nhiều đoàn từ thiện tìm đến giúp đỡ mà các ông bà cũng không muốn về ở với con cái nữa...”.

Tuy nhiên, điều ông trưởng thôn nói rất khó chấp nhận, bởi trên thực tế, hai ông bà đã phải ra ở chùa từ 8 năm nay, trong khi đó, báo chí và dư luận cũng chỉ mới biết đến vụ việc này khoảng hơn 1 năm nay.

Xác nhận về thực hư chuyện ông bà Quý - Chén bị con cái đánh đập, ông Nguyễn Thế Ban (công an xã Đồng Quang) cho biết: “Trường hợp ông bà Quý - Chén đi ra đình làng ở thì chúng tôi có nắm được, tuy nhiên chuyện các cụ bị con cái ngược đãi hay không thì chúng tôi chưa thể xác nhận. Nếu thực sự có chuyện này, thì CA xã chỉ vào cuộc khi người bị hại hoặc chính quyền thôn báo cáo. Bởi vì đây là chuyện nội bộ gia đình nên chính quyền xã rất khó giải quyết...”.


Hà Trang - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc