'Cần có thời gian đánh giá tác động của việc đổi giờ'

09:25, 07/02/2012
|

(VnMedia) -“Phương án đổi giờ có sự đóng góp của nhiều ngành, Hà Nội đã thực hiện bước đầu có kết quả. Tuy nhiên, để thấy được hết những tác động cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân thì cần phải có thời gian đánh giá”, Thứ trường Lê Mạnh Hùng khẳng định

>>>Nhiều phố ùn tắc trở lại ngày sinh viên tựu trường

>>>Học sinh Hà Nội mệt mỏi vì đổi giờ

Chiều 6/2, Bộ Giao thông vận tải đã họp báo thường kỳ, báo cáo kết quả hoạt động tháng 1 và kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán 2012. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp trả lời các câu hỏi của phóng viên về hiệu quả của phương án đổi giờ học, giờ làm do Hà Nội đang triển khai, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng nhận định, việc đổi giờ học, giờ làm trong tuần qua bước đầu đã có được những kết quả đáng mừng.

Theo phản ánh, giao thông buổi sáng đã thông thoáng hơn, buổi chiều vẫn xảy ra ùn ứ nhưng tắc đường kéo dài đã không xảy ra. Việc đổi giờ này đã được Hà Nội tính toán kỹ lưỡng và có ý kiến đóng góp từ nhiều bộ ngành để hướng đến lợi ích chung.

 Ảnh minh họa

Nhiều tuyến đường Hà Nội ùn tắc nghiêm trọng sau khi sinh viên trở lại trường học vào sáng 6/2. Ảnh: Ngọc Lân


Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hùng, để thấy được hết những tác động tích cực cũng như ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân cần có thời gian đánh giá. Do đó, dự kiến, thứ 6 tuần này Vụ Vận tải sẽ làm việc với Hà Nội về một số vấn đề giao thông trong đó có việc đánh giá tác động của đổi giờ học, giờ làm và sau một thời gian nữa, khi người lao động và sinh viên các trường đại học lên Hà Nội hết thì sẽ có đánh giá toàn diện hơn.

“Tất nhiên các phương án giảm ùn tắc đều gây xáo trộn, chỉ có ít hoặc nhiều. Nếu biện pháp điều chỉnh giờ làm, giờ học không có hiệu quả, Bộ GTVT sẵn sàng chịu trách nhiệm với dân”, Thứ trưởng Hùng nói. 

Ghi nhận của các phóng viên VnMedia trong tuần đầu tiên đổi giờ cho thấy, sau khi tiến hành biện pháp này, do nhiều thành phần tham gia giao thông là sinh viên, người lao động tự do… chưa trở lại Thủ đô học tập và kiếm sống nên tại nhiều tuyến đường trước đây thường xuyên ùn tắc trước đây như: Trường Chinh, Chùa Bộc, Sơn Tây, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thái Học… việc đi lại đã dễ dàng hơn các ngày trước đó.
 
Tại các tuyến đường này, mặc dù lượng phương tiện vẫn đông nhưng xe cộ vẫn có thể lưu thông với tốc độ chậm, không phải dừng lại do ùn tắc, khác hẳn những ngày trước đó, trong các giờ cao điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, thậm chí kéo dài từ 15-20 phút.
 
Tuy nhiên, đến ngày hôm qua (6/2) khi sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trở lại trường học thì tại các phố: Trường Chinh, Đê La Thành, Kim Ngưu, Thái Thịnh, Chùa Bộc, Thái Hà….lại rơi vào ùn tắc kéo dài.

Báo cáo đánh giá tình hình ùn tắc giao thông của Phòng CSGT Hà Nội cũng cho thấy, trong tuần đầu sau khi tiến hành đối giờ, nhiều tuyến đường đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, hiện đang xuất hiện một số điểm ùn tắc mới không theo quy luật.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc