(VnMedia) - Con cái bất hiếu là nỗi đau lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng, để cho con cái trở thành những kẻ bất hiếu, thậm chí cả 7 đứa con đều bất hiếu như trường hợp vợ chồng cụ Quý, là có lỗi của cha mẹ...
>>Độc giả đòi "trảm" 7 đứa con bất hiếu
Liên quan đến trường hợp hai cụ già hơn 80 tuổi bị 7 người con đẩy ra đường, rất nhiều độc giả mặc dù thương xót cho hai cụ, căm phẫn những đứa con bạc ác, nhưng cũng đồng thời cho rằng, việc cả 7 đứa con đều bất hiếu chắc chắn có lỗi của hai đấng sinh thành.
Trên một diễn đàn, một thành viên viết: Trẻ con sinh ra như tờ giấy trắng, ít người mắc bệnh hư đốn bẩm sinh. Cách dạy dỗ của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của con. Có nhiều người sinh con ra chỉ nuôi chứ ít dạy hoặc dạy sai cách nên con mới như vậy. Mình đã nhìn tận mắt có bố mẹ yêu con quá mức, nó đòi gì đáp ứng ngay khiến đứa trẻ trở nên rất ích kỷ, coi mọi người cung phụng nó là chuyện đương nhiên. Những đứa trẻ đó chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến ai cả, không có lòng trắc ẩn, không có trách nhiệm với người khác. Khi con lớn một chút, cần phải chỉ cho nó biết để có những thứ nó cần, bố mẹ đã phải lao động rất vất vả. Mọi thứ nó có không phải là đương nhiên. Bố mẹ cần phải chỉ dạy cho con phân biệt phải trái, và làm sao cho con lớn lên với lòng nhân ái. Mình nhớ thời bao cấp không có nhiều phim ảnh như bây giờ nhưng những cuốn truyện như Không gia đình, Những tấm lòng cao cả... đã làm cho tâm hồn con người ta hướng thiện và biết sẻ chia hơn rất nhiều”.
Cũng cho rằng hai cụ có lỗi, nhưng nhiều người lại chỉ ra rằng, đó là vì hai cụ không công bằng trong cách "chia của" cho các con, trong khi đó lại không giáo dục nên chúng chỉ vì của mà sinh lòng hận với bố mẹ.
Hay: “Ông bà thật là bất hạnh, nhưng trước cái bất hạnh cũng một phần nỗi của ông bà là ông bà không biết nuôi dạy con cái. Ông bà chia tài sản không đều nên thành ra gây ra sự ghen tức của các con".
Một độc giả dẫn chứng: “Gần nhà em cũng có trường hợp ông bố chia cho ông con thứ đến cả trăm mét đất, nhưng để tự nó xây nhà, cũng chia cho ông con cả một đống đất như thế nhưng nại lý do là tao ở cùng thằng cả nên tao xây nhà cho nó... Vì vụ đó mà ông con thứ không thèm nhìn mặt bố mẹ, mặc dù cách nhau có vài bước chân.. Tết năm ngoái bà cụ còn rơm rớm nước mắt kể cho em nghe là "đấy, vì không xây nhà cho nó nên nó có thèm nhìn mặt bố mẹ nữa đâu, Tết nó cũng chả thắp được nén hương cho bàn thờ tổ tiên đấy".
Tuy nhiên, đối lập lại với những lời trách về chuyện “chia chác” trên thì một độc giả phân tích: “Đối với những kẻ tham lam này thì bố mẹ có chia thế nào, cuối cùng chúng cũng đối xử với ông bà thế này thôi, tất cả chỉ tại ông bà dại, nuông chiều con quá. Chia tài sản cho con làm gì, đây chính là cách suy nghĩ phổ biến rất có hại của người dân Việt
Quan điểm rằng, tiền chính là nguyên nhân gây nên cách cư xử bất hiếu của những người con này, một thành viên của diễn đàn Webtretho cho rằng, không nên làm lụng vất vả cả đời chỉ nhằm mục đích có tiền để lại cho con cái, vì điều này không những chẳng có lợi mà chỉ rước hoạ vào thân… cũng được nhiều người đồng tình.
Một độc giả phân tích rằng: Bi kịch đến từ nhiều lý do. Thứ nhất, Nông dân trình độ thấp không biết cách dạy dỗ con cái từ bé; thứ hai, cách nuôi dạy từ bé: Chiều chuộng mù quáng; thứ ba, quan niệm sai lầm rằng, là cha mẹ thì phải để tài sản lại cho con. Đây là quan niệm ăn sâu vào người Châu Á. Hãy xem diễn viên Thành Long sống ở nước ngoài từ nhỏ nên ảnh hưởng văn hóa Tây Phương: Không để lại tài sản cho con một xu. Ông tuyên bố con ông tự sống được bằng lao động của chính nó. Do đó, tài sản của ông khi ông chết sẽ đem cho các tổ chức từ thiện. Một số người Tây phương cũng làm thế, hoặc để phần cho con vừa đủ.
Điều đáng ngạc nhiên là, nhiều người nhân chuyện này còn thổ lộ tâm tư, cho biết họ không những chẳng thích thú gì chuyện được cha mẹ nuông chiều, bao bọc mà còn quay ra trách họ. “Không biết ở gia đình khác như thế nào, nhưng ở nhà mình, mình phải đấu tranh để có được cái quyền tự lập. Bố mẹ mình quá nuông chiều và không dạy mình bất cứ kỹ năng nào trong cuộc sống, và điều nguy hiểm là các cụ luôn tỏ ra rằng cách đối xử của mình như thế là đúng đắn. Mỗi lần bảo: "các cụ chiều con nghĩa là đang hại con" thì luôn nhận được sự không hài lòng. Mình 28 tuổi rồi nhưng tính cách thì như trẻ con. Thật không biết nên khóc hay nên cười!” - một người viết.
Tuy nhiên, cũng có người không tán đồng với cách phân tích ở trên, bởi họ cho rằng, rất nhiều cha mẹ chỉ có nuôi mà không hề dạy, nhưng con cái vẫn ngoan ngoãn, hiếu thảo: “Thời các cụ đẻ ra cái lũ con này chắc chắn chỉ suốt ngày lo bữa cơm manh áo cho 7 đứa cũng khổ rồi, nhiều người cứ trách hai cụ không biết dạy con, nhưng giờ họ đâu còn là đứa trẻ nữa nhỉ? chẳng qua là họ tham lam, ích kỷ cho chính họ, vợ, con họ thôi. Mà bố mẹ hy sinh cho con có gì là sai? Chỉ bởi ở đời có ai học được chữ ngờ. Tiếc cho các cụ giờ nhận ra thì đã muộn” - .
Đồng quan điểm này, một thành viên diễn đàn webtretho chia sẻ: “Cũng là do mấy đứa con tồi tệ này cả thôi. Nhà chồng mình 8 đứa con, ông bà cho cũng không công bằng gì (như nhà mình chả được tí nào) nhưng cũng có dám oán trách đâu?"
Ý kiến bạn đọc