Tân Mão 2011: Năm “Thủy thần” nổi cơn cuồng nộ

07:11, 21/01/2012
|

(VnMedia) - Vào đúng ngày rằm tháng Giêng xuân Tân Mão, một vụ chìm tàu khủng khiếp đã xảy ra trên vịnh Hạ Long làm 12 người chết. Đây cũng là vụ tai nạn hàng hải khởi đầu cho hàng loạt vụ tai nạn kinh hoàng trong năm 2011. Dường như, Thủy thần đã nổi giận...

 

Không biết có phải do “Thủy thần” nổi giận hay không mà năm 2011 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đường thủy đến vậy, mỗi vụ đều cướp đi sinh mạng của nhiều người. Từ những thủy thủ dạn dày kinh nghiệm cho đến những em bé ngây thơ vô tội, từ những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ cho đến những khách du lịch... họ đều là những người vô tội bỗng chốc bị thủy thần, hà bá cướp đi mạng sống...


 Ảnh minh họa

Năm 2011 chứng kiến nhiều vụ tai nạn đường thủy thương tâm

 

Thủy thần nổi giận

 

Ngay đầu xuân Tân Mão, vào ngày 17/2, tàu du lịch chở 21 du khách quốc tế đang hoạt động ở khu vực đảo Ti Tốp (vịnh Hạ Long, Quảng Ninh) đã bị chìm. Lực lượng chức năng sau đó đã cứu sống được 9 người, số còn lại (12 người) đã tử nạn, trong đó có 10 người nước ngòai.

 

Kinh hoàng nhất có lẽ chính là vụ chìm tàu Dìn Ký tại Bình Dương, khi buổi mừng sinh nhật con trai 3 tuổi của giám đốc Tài đã thành đêm định mệnh. Chiếc nhà hàng nổi 2 tầng đã bị lật tối 20/5 khiến 16 người gồm rất nhiều trẻ nhỏ đã tử vong. Riêng gia đình anh Tài đã mất đi 9 người thân, trong đó có cả cháu bé chủ nhân của bữa tiệc.

 

Những ngày cuối năm, vụ chìm tàu Vinalines Queen đã khiến dư luận trong nước bàng hoàng và cả thế giới phải quan tâm. Con tàu chìm xuống dưới đáy biển mang theo 22 thủy thủ và những bí mật chưa có lời giải đáp. Chính Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Việt thừa nhận, đây là một trong những vụ chìm tàu bí ẩn nhất mà ngay các chuyên gia và thuyền trưởng lão luyện của Vinalines cũng chưa thể giải thích được.

 

Ngày 13/12, lại một vụ chìm tàu gây chấn động dư luận với việc cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Chiếc tàu In Sung 1 (Hàn Quốc) bị đắm tại vùng biển Nam Cực-New Zealand, trên tàu có 42 thủy thủ, trong đó có 11 người Việt Nam. 7 người Việt sau đó đã được cứu sống, nhưng 4 thủy thủ đã bị thủy thần cướp đi.

 

Cũng trong tháng cuối năm này, vào ngày 18/12, tàu Hướng Điền 09 (chủ tàu ở Nam Định) cùng chín người trên tàu đã bị chìm trên vùng biển thuộc huyện đảo Cô Tô khiến 3 người chết và 6 người mất tích.

 

Cuối tháng 12, vào hôm 25/12, một vụ chìm tàu nghiêm trọng cách bờ biển Cửa Đại (TP Hội An, Quảng Nam ) 300 m, khiến 35 người đi trên tàu bị chìm dưới biển. Trong số hành khách đi trên tàu có 6 người dân và 28 cán bộ chiến sĩ thuộc tiểu đoàn 70 đang làm nhiệm vụ tại đảo Cù Lao Chàm trở về đất liền. Hậu quả, vụ chìm tàu đã cướp đi sinh mạng của 7 người, trong đó có 2 phụ nữ và 5 chiến sĩ.

 

Hà bá tham lam

 

Không quá ồn ào, chấn động như những vụ chìm tàu khủng khiếp kể trên, nhưng nhiều cái chết bởi miệng “Hà bá” trong năm qua cũng âm thầm gieo nỗi đau đớn vào nhiều gia đình, bởi nó cướp đi sinh mạng của rất nhiều em nhỏ, thậm chí trong đó có cả những cặp anh, chị em.

 

Điển hình và gây sự quan tâm đặc biệt của dư luận là trường hợp bốn em nhỏ đã chết đuối tại công trường công trình "Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc" chiều tối ngày 14/8. Đau đớn hơn, đó là cả bốn em đều ở xóm 2 Phú Đô - Mễ Trì - Từ Liêm - Hà Nội và là anh em trai của hai gia đình.

 

Cũng liên quan đến hố công trường, hôm 2/10, ba cháu nhỏ tại thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã bị chết đuối tại hố trong khu vực công trường xây dựng cầu đường hầm thuộc tuyến quốc lộ 2 (đoạn qua thôn Thạch Lỗi).

 

Kinh hoàng, đau đớn tột cùng phải kể đến trường hợp một gia đình mất đi 3 đứa con nhỏ cùng một lúc cũng chỉ vì hà bá. Người mẹ đau khổ này là chị Lê Thị Thịnh ở xã Nghi Thiết (Nghi Lộc, Nghệ An).

 

6 nữ sinh đều mới 12 tuổi đã bị hà bá cướp đi vào đúng ngày 2/9. Hôm đó, 11 học sinh một lớp 6 trường THCS Tráng Việt (Mê Linh – Hà Nội), đã tổ chức ăn liên hoan. Sau khi kết thúc, 7 em nữ đã rủ nhau ra bến sông Hồng để bơi thuyền. Do người đông nên con thuyền nhỏ bị lật, dẫn đến vụ tai nạn thương tâm. 6 học sinh bị tử vong đều ở tuổi 12.

 

Đầu tháng 11, tại hồ nước thôn 14, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm, làm 4 nữ sinh lớp 9A trường Trung học cơ sở Cư Kuin thiệt mạng.

 

Cùng tháng 11, vào ngày 21, hai anh em sinh đôi Lê Văn Thành và Lê Văn Trung (11 tuổi) ở KV6, P.Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn (Bình Định) ra cầu Thồ Lồ (P.Nhơn Phú) chơi cùng các bạn rồi trượt chân rơi xuống nước. Đến khi có người phát hiện đến cứu thì cả hai đã bị chết đuối.

 

Đầu tháng 12, vào chiều ngày mùng 5, trên đường đi học về, chị em ruột Nguyễn Thị Hồng (16 tuổi) và Nguyễn Thị Hà (14 tuổi) đã bị rơi xuống sông và chết đuối. Sự việc xảy ra trên cây cầu Long Giang thuộc xóm Vĩnh Phú, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Trên đường đi học về nhà, hai chị em Hồng và Hà chở nhau bằng xe đạp qua cầu. Khi gặp xe máy từ phía ngược chiều, hai chị em luống cuống và bị rơi xuống sông. Cây cầu Long Giang nơi xảy ra tai nạn được xây dựng cách đây hàng chục năm, đã xuống cấp trầm trọng, không có lan can và từng nhiều lần xảy ra tai nạn.

 

Sau đó chỉ 3 ngày, hôm 8/12, ba chiến sỹ công an gồm 1 Phó Công an xã Đức Liên và 2 chiến sỹ Công an huyện Vũ Quang đi thuyền qua sông Ngàn Sâu, đoạn qua xã Đức Liên huyện Vũ Quang để làm nhiệm vụ, bất ngờ thuyền bị lật cuốn trôi cả 3 người.


 Ảnh minh họa

 Không chỉ những người dân thường hay những em bé, ngay cả những người chiến sĩ đang đi làm nhiệm vụ cũng bị thủy thần lấy mạng

 

Tại “Thủy thần”, “Hà bá” hay tại con người?

 

Có lẽ ít có năm nào mà những vụ tai nạn đường thủy, những vụ chết đuối tập thể thương tâm lại xảy ra nhiều như năm 2011 vừa qua.


Nhìn lại những sự cố đau lòng này, có thể thấy phần lớn trong số đó, yếu tố con người là quan trọng nhất: Lái tàu Dìn ký là nhân viên tạp vụ; hố công trình không được bảo vệ chu đáo; Tàu chở quặng được cho là đã bỏ qua những cảnh báo nguy hiểm; những cây cầu quá cũ kỹ và không có lan can; những người cha, mẹ mải làm ăn đã để con nhỏ không người trông nom…

 

Trách nhiệm là những gì mà người ta nói đến sau mỗi vụ việc đáng tiếc. Những người có lỗi có thể đã hoặc sẽ bị xử lý. Nhưng điều người ta nói đến nhiều sau đó có lẽ chính là lương tâm của những người liên quan. Trong nhiều vụ việc, sự tham lam, hám lợi đến mờ mắt đã khiến nhiều người không còn quan tâm đến sự sống chết, an nguy của người khác và chính bản thân mình, thế nên, thủy thần và hà bá mới có cơ hội cướp đi mạng sống của nhiều người đến vậy.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc