Bạn đọc ủng hộ thu phí kiểu "lăn bánh trả tiền"

07:12, 13/01/2012
|

(VnMedia) - Không đồng tình với phương án thu phí theo đầu xe, nhất trí với cách thu theo điểm đến và lăn bánh; lo lắng các ngành khác học ngành giao thông đòi thu các loại phí để giảm tải... là những ý kiến của độc giả gửi đến báo điện tử VnMedia...

 

Liên quan đến đề xuất thu phí lưu thông nhưng tính theo đầu xe của Bộ GTVT, nhiều độc giả đã gửi phản hồi đến VnMedia để bày tỏ ý kiến của mình.

 

Theo đó, đa phần độc giả cho rằng, việc thu phí cần phải được Bộ GTVT tính toán, làm rõ trên cơ sở khoa học trước khi thực hiện.

 

Cần Khoa học – công bằng – minh bạch

 

Một trong những điều khiến người dân băn khoăn, chưa đồng tình với Bộ GTVT về phương án thu phí, đó là do mọi người cho rằng, có quá nhiều loại phí đang được tính theo đầu phương tiện, trong khi không hề biết số tiền này được sử dụng như thế nào.

 

Bạn Lê Hải (Thanh Hóa,email: ...hai21c1@gmail.com) viết: Bộ GTVT cần cho người dân biết để sở hữu một phương tiện giao thông cá nhân người dân sẽ phải đóng tất cả các loại thuế và phí gì? Ý nghĩa, mục đích từng loại và thực tế đã sử dụng số tiền trên ra sao (tất nhiên là ngoài số tiền thuế của dân do Nhà Nước cấp hàng năm)?

 

Bạn đọc Lê Hải cũng cho rằng, để so sánh với các cường quốc (về giao thông vận tải) như Mỹ, Anh, Sing... cần phải dựa trên tất cả các tiêu chí như mức sống, giá mua phương tiện, hệ thống GTVT đáp ứng được lựa chọn, hệ thống thu phí tự động thông minh thu theo hướng ai đi nhiều trả phí nhiều, việc tuân thủ Luật giao thông của người dân dưới sự giám sát nghiêm khắc và liêm khiết của CSGT… chứ không chỉ đưa ra so sánh về số tiền người ta đóng.

 

Bạn đọc này cho rằng, sử dụng chiếc xe máy hay đi xe công cộng đi làm thiết nghĩ là nhu cầu quyền lợi tối thiểu của người dân phải được đáp ứng, sở hữu một chiếc xe hơi giá rẻ cũng không nên bị coi là xa xỉ viển vông... phương án nào của Bộ GTVT nếu dựa trên cơ sở minh bạch, công bằng và vì dân thì sẽ được ủng hộ.

 
Trong khi đó, bạn Phạm Chính, Hà Nội, email: ...inhatm@gmail.com) phân tích: Hiện nay có 3 loại thuế và lệ phí chồng lên nhau. Loại thứ nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt (50%), do Quốc hội ban hành. Loại thứ hai là lệ phí trước bạ (20%). Loại thứ ba là phí cấp biển số. Cả 3 loại trên đều có lồng mục đích hạn chế người dân sử dụng. Nếu loại phí lưu hành do Bộ GTVT đề xuất được thực hiện thì sẽ có 4 loại thuế và lệ phí chồng lên nhau, với cùng một mục đích là hạn chế người dân sử dụng ô tô, xe máy.

 

Bạn Tiến Dũng (Ba Vì - Hà Nội,email: ...an.tiendung@yahoo.com) thì đòi hỏi sự công bằng cho những người có phương tiện nhưng hầu như không bao giờ đi vào những khu vực tắc đường mà vẫn có nguy cơ phải đóng tiền: “Tôi là người Hà Nội, nhưng ở huyện Ba Vì, mà huyện tôi có tắc đường bao giờ đâu? Phương án mà Bộ Giao thông đưa ra tôi thấy không hơp lý vì chúng tôi cả năm chưa chắc đã đi vào nội thành í chứ. Đề nghị Bộ tìm phương án chống ùn tắc hơp lý công bằng khả thi hơn”.

 

Bạn Lê Hải cũng nhận định rằng, “những tồn tại yếu kém của Hệ thống giao thông cộng do “lịch sử để lại”, cộng với sai lầm trong công tác dự báo, qui hoạch (dành tỷ lệ đất quá ít cho làm đường, xây dựng dồn nén quá mức vào lõi các đô thị lớn) không phải là lỗi của người dân mà là của các Nhà quản lý. Vì vậy,để khắc phục chúng ta cần có thời gian, lộ trình cụ thể. Điều này sẽ tránh được cách suy diễn là Bộ GTVT xin tiền Quốc hội không được nên "bổ" vào đầu dân”.


 Ảnh minh họa

 Nếu ngành nào cũng thu phí của người thành phố vừa để giảm tải, vừa để bù cho vùng khác thì người Thành phố sống làm sao?

 

Lo các ngành khác… học ngành giao thông

 

Ngay khi Bộ GTVT đưa ra đề xuất thu phí theo đầu phương tiện để nhằm mục đích giảm tải, tránh ùn tắc và đặc biệt, trong đó có lý do tăng nguồn thu cho các công trình giao thông, nhiều độc giả đã tỏ ý lo ngại về chuyện, các ngành khác cũng sẽ tăng phí hoặc nghĩ ra các loại phí khác để giải quyết khó khăn về tài chính.

 

Bạn đọc Phạm Triệu Linh (Yên hòa, Cầu giấy, Hà Nội, email: ...nhpt13@gmail.com) viết:Nếu thiếu tiền đầu tư cho các công trình, Bộ Giao thông thu phí lưu hành để có 15 nghìn tỉ làm đường, thì để giải quyết ùn tắc ở bệnh viện, Bộ Y tế tăng viện phí. Để giảm lỗ do quản lý yếu kém của Điện lực thì tăng giá điện. Xăng dầu quản lý kém chi hoa hồng đại lý cao cũng đòi tăng giá… Nếu các ngành nào cũng đổ tại thiếu tiền và giải pháp là đổ hết cho dân trong khi giá cả lại tăng vọt mà lương của chúng tôi làm sao đủ để chi trả?

 

Bạn đọc Hoàng Hải (khu tập thể Bộ Thủy sản - phố Nguyễn công Hoan, email: …haihung98@yahoo.com) thì viết: Đúng là người dân ở các tỉnh, các địa phương nghèo hơn, hay những người ở hải đảo biên giới cần được ưu tiên, nhưng chính sách Nhà nước đã rất quan tâm, chi rất nhiều tiền để mở đường mới, sửa đường cũ. Chỉ có điều, nhiều năm qua công tác sử dụng vốn còn chưa thực sự hiệu quả. Còn bây giờ, nếu muốn người thành phố chung tay với người miền núi thì phải trên cơ sở tự nguyện như mọi người vẫn làm theo tinh thần tương thân tương ái, chứ không phải là bắt buộc theo kiểu thu phí của người thành phố để đi làm đường cho người vùng cao. Cái này phải là trách nhiệm của nhà nước, không thể “bổ đầu xe” thành phố.

 

“Nếu Bộ Y tế thu viện phí của người thành phố cao lên để lấy tìền xây bệnh viện, chữa bệnh cho người miền núi thì sao? Nếu Ngành điện tăng giá điện để lấy chênh lệch làm đường điện cho người miền núi thì sao? Nếu ngành Giáo dục cũng thu học phí người thành phố cao để lấy tiền xây trường, mua sách vở cho học sinh miền núi thì sao?... Cho nên, tôi thấy phương án này chưa khả thi” - bạn Hoàng Hải viết.


 Ảnh minh họa

Thu phí tự động theo địa điểm và giờ tại Singapore là cách được  nhiều người ủng hộ

 

Đồng tình với phương án thu phí lưu hành theo địa điểm

 

Rất nhiều độc giả trong khi không đồng tình với việc thu phí theo đầu xe, nhưng lại ủng hộ phương án thu phí lưu hành theo hướng “lăn bánh là trả tiền”.

 

Theo đó, việc thu phí theo giá xăng đang được nhiều người tỏ ý kiến đồng tình. Theo bạn Thanh Minh, đã có rất nhiều ý kiến phân tích so sánh các ưu điểm nổi bật của giải pháp thu phí lưu hành qua xăng so với giải pháp mà Bộ GTVT đã đề xuất.

 

"Ô tô tiêu nhiều xăng hơn xe máy (1 ôtô loại nhỏ tiêu tốn ít nhất là hơn 5 lần 1 xe máy thông thường cho 100 km vận hành), xe phân khối lớn tiêu thụ xăng nhiều hơn phân khối nhỏ, xe chạy nhiều tiêu nhiều xăng hơn xe chạy ít, xe cũ tốn xăng hơn xe mới ...Vì thế tất cả các tiêu chí thu phí lưu hành đều đã thể hiện công bằng trong lượng xăng tiêu thụ", bạn Minh khẳng định.

 

Từ phân tích trên, bạn đọc Thanh Minh cho rằng, các nhà quản lý hãy trích nguồn kinh phí thu về từ thuế xăng dầu (nhập khẩu từ ngoài về hoặc từ các nhà máy sản xuất trong nước đưa ra) cho quỹ bảo trì đường bộ hoặc các quỹ liên quan để nâng cao năng lực hạ tầng giao thông.

 

Ngoài ra, phương án thu phí theo địa điểm mà Bộ GTVT đề xuất cũng được nhiều người đồng tình. Bạn Thanh Hà (Trung Hòa – Nhân Chính, email …thanhhoang@gmail.com) chia sẻ: Phương án lập các trạm tự động thu phí ra vào nội thành, tại các điểm cần hạn chế là một phương án có rất nhiều ưu điểm. Như vậy, ai đi nhiều nơi sẽ phải đóng nhiều tiền. Ở Singapore , tôi thấy xe ô tô cá nhân lăn bánh trên đường rất ít. Theo tôi nghĩ, họ không ít ô tô hơn ở Việt Nam . Cái chính là đến bất cứ địa điểm nào, họ cũng phải “quẹt thẻ” trừ tiền rồi mới được vào, như vậy rất tốn tiền. Mục tiêu của chúng ta là giảm lưu lượng phương tiện tham gia giao thông chứ không phải giảm đầu xe. Nếu ít xe mà đi nhiều thì còn tai hại hơn là nhiều xe mà đi ít”.

Với những băn khoăn và đề xuất nêu trên, độc giả VnMedia mong Bộ GTVT lắng nghe,  có những đề xuất phù hợp với tình hình thực tế và khi đó, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ, bởi đó chắc chắn là những hành động quyết liệt vì lợi ích của chính người dân.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc