SEA Games 28: Việt Nam thắng lớn ở môn Olympic!

19:49, 17/06/2015
|

(VnMedia) - Kết thúc SEA Games 28, thể thao Việt Nam thắng lớn những bộ môn thi đấu chính Olympic. Đó là cú hích quan trọng để Việt Nam hướng sân chơi lớn hơn tầm châu lục và thế giới.

Sau 11 ngày tranh tài chính thức trên đất Singapore, đoàn Việt Nam mang về 73 HC Vàng và tiếp tục có mặt trong top 3 đoàn mạnh nhất thể thao khu vực từ năm 2003 đến nay. Các VĐV Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu đề ra trước ngày lên đường tham dự SEA Games 28 và thể hiện bước ngoặt quan trọng để thay đổi tư duy đầu tư thể thao mũi nhọn của lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam.

Thay vì chạy theo thành tích, đua theo các môn thi đấu lạ mắt của các nước chủ nhà, Việt Nam tập trung đầu tư các môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu chính thức Olympic và Asiad. Kết quả cho sự đầu tư trọng điểm thể hiện rõ ràng tại Đại hội năm nay. Con số thống kê cho thấy, hơn 88% trong tổng số 73 HC Vàng mà đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 28, thuộc về các môn Olympic.

Ảnh minh họa

Tài năng trẻ 19 tuổi Ánh Viên mang về 8 HC vàng bơi lội và chứng kiến sự thắng thế
các môn thể thao Olympic Việt Nam tại đấu trường SEA Games 2015 ở Singapore

Đây là con số vượt trội hoàn toàn so với tỉ lệ đạt gần 65% ở SEA Games 27 và cho thấy sự phát triển ổn định ở các môn thể thao đỉnh cao ở tầm khu vực và châu lục. Để có được con số ấn tượng này, tất cả các môn thuộc hệ thống Olympic của thể thao Việt Nam đều đã thi đấu rất thành công, nhiều môn vượt chỉ tiêu, điển hình như môn đấu kiếm, đua thuyền.

Ba môn trọng điểm của Đại hội là điền kinh (11 HC Vàng), bơi lội (10 HC Vàng), thể dục dụng cụ (9 HC Vàng) ghi dấu ấn đậm nét nhất. Các môn còn lại như đua thuyền (9 HC Vàng), đấu kiếm (8 HC Vàng), taekwondo (5 HC Vàng), bắn súng (4 HC Vàng) cũng thành công rực rỡ, đóng góp vào thành tích chung của thể thao nước nhà.

Như vậy, thể thao Việt Nam vựơt khi chỉ tiêu đặt trước khi tham dự đại hội là 50 đến 60 HC Vàng, qua đó lọt vào Top 3 đoàn có thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, sự thành công của thể thao Việt Nam ở SEA Games lần này không chỉ ở việc đạt chỉ tiêu HC, mà hơn hết là sự tiến bộ trong các môn thể thao cơ bản, thay vì dàn trải, thiếu tập trung như trước. Điều này ảnh hưởng đến chính thể thao Việt Nam khi chúng ta thi đấu không thành công tại Olympic London 2012, Asiad 2014 dù mang đi lượng VĐV thi đấu đông đảo nhất từ trước đến nay.

Đó là chưa kể những môn thế mạnh của Việt Nam, cũng nằm trong chương trình thi đấu Olympic, như cử tạ hay vật đều không được đưa vào thi đấu ở Singapore năm nay. Thể thao Việt Nam phá rất nhiều kỷ lục tại Singapore năm nay. Nổi trội trong đó là 10 kỷ lục SEA Games mới được thiết lập trên đường đua xanh. Tám trong số đó thuộc về "kình ngư" Ánh Viên, còn lại là Lâm Quang Nhật ở cự ly 1.500 mét nam và Hoàng Quý Phước ở cự ly 200 mét tự do nam.

Ảnh minh họa

"Kỷ lục gia" 19 tuổi Đinh Phương Thành đạt 3 HC vàng cá nhân, 1 HC vàng đồng
đội tại SEA Games 28 ở môn thể dục dụng cụ dù mới lần đầu dự giải khu vực

Điền kinh phá vỡ ba kỷ lục tồn tại hơn 20 năm, ở các nội dung 400 mét rào nữ, 5000 mét nam và 4x400 mét tiếp sức nữ. Đặc biệt kỷ lục đường chạy 5.000 mét nam của Nguyễn Văn Lai phá sâu kỷ lục tồn tại 22 năm của VĐV Indonesia đến 4 giây, trong khi VĐV Nguyễn Thị Huyền đạt chuẩn B Olympic cự ly 400 mét rào và 400 mét tự do nữ để đoạt 2 suất thi đấu chính thức tại Olympic Rio 2016.

Niềm vui lớn hơn cho người hâm mộ nước nhà, khi thể thao Việt Nam sở hữu một dàn VĐV trẻ trung xuất sắc đạt thành tích cao tại SEA Games 2015. Đó là kình ngư 19 tuổi Ánh Viên phá 8 kỷ lục SEA Games cùng 8 HC vàng cá nhân được tờ The New Paper (Singapore) bầu chọn là VĐV nước ngoài xuất sắc nhất của SEA Games năm nay. Thậm chí Ánh Viên là người duy nhất so sánh được với kình ngư chủ nhà Joseph Schooling, khi đạt 10 kỷ lục và 9 HC vàng tại Đại hội. Tuy nhiên, Schooling có đến 3 kỷ lục, 3 HC vàng ở nội dung đồng đội nam - nên không thể so sánh với màn trình diễn ấn tượng của Ánh Viên.

Ở môn thể dục dụng cụ, tài năng trẻ 19 tuổi Đinh Phương Thành khiến báo chí khu vực và CĐV Singapore phải nể phục khi giành đến 3 tấm HC vàng toàn năng nam, xà đơn, xà kép cùng tấm HC vàng đồng đội nam. Lần đầu tiên tham dự SEA Games, Phương Thành vượt qua cả đàn anh Phước Hưng để trở thành ngôi sao sáng của làng TDDC Việt Nam bởi tinh thần thép và kỹ thuật hoàn hảo. Với những gì thể hiện, Phương Thành tiếp tục thống trị TDDC khu vực và vươn ra tầm thế giới như Nguyễn Thị Hà Thanh, Nguyễn Hà Thanh, Phạm Phước Hưng từng làm được.

Ảnh minh họa

Mới 16 tuổi, tay chèo Nguyễn Thị Phương đoạt HC vàng canoeing Đông Nam Á.

Hay tài năng trẻ Lê Trọng Hình trở thành nam VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên giành HC Vàng cự ly 200 mét nam. Trước đó 2 năm, Trọng Hinh mới chỉ giành HC đồng nhưng sự nỗ lực giúp Trọng Hinh thống trị cự ly ngắn ở Đại hội này. Chưa kể Phạm Thị Thảo và Dương Văn Thái giúp tổ cự ly trung bình của HLV Hồ Thị Từ Tâm thống trị đường chạy 800 mét và 1.500 mét nam, nữ ở SEA Games lần này.

Những tài năng chưa đầy 20 tuổi khác nhưng đã giành Vàng SEA Games khác còn có thể kể đến Trương Thị Kim Tuyến, Nguyễn Văn Duy, Nguyễn Văn Minh (taekwondo), Nguyễn Thị Phương (canoeing)... giúp thể thao Việt Nam có cái nhìn tự tin, hy vọng hơn thành công tiếp theo ở Olympic 2016 và SEA Games 2017 tới đây. Thể thao Việt Nam không còn theo đuổi những môn thể thao dàn trải mà tập trung mũi nhọn hướng đến vị trí cao hơn giải đấu châu lục và thế giới. Như phát biểu của trưởng đoàn thể thao Việt Nam Dương Đức Phấn, đoàn Việt Nam có nhiều Ánh Viên ở các môn khác chứ không chỉ bơi lội. Đó là tín hiệu đáng mừng để Việt Nam có vị trí cao hơn trong làng thể thao châu lục.


Đức Thọ

Ý kiến bạn đọc