Cách giải quyết xung đột cá nhân

07:58, 28/03/2013
|

(VnMedia)- Xung đột cá nhân là một phần trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người. Nó có thể khiến chúng ta bị stress, làm tổn thương tình cảm bạn bè, sứt mẻ tình cảm gia đình, thậm chí có thể dẫn đến những hành vi mất kiểm soát, nguy hiểm cho tính mạng của chính mình và cộng đồng. Chúng ta không luôn tránh được những xung đột này nhưng chúng ta có thể học cách chế ngự, kiểm soát nó mà không cần đến bạo lực.

Ảnh minh họa

Ảnh: Internet


Ghen quá mất khôn

Ngày 26/3, Công an quận Ba Đình, Hà Nội tạm giữ Lương Văn Khoái (35 tuổi) để điều tra hành vi đâm trọng thương vợ tại cổng chợ Long Biên. Con dao gây án bị thu giữ.

Hiện, nạn nhân là chị Phạm Thị Hiền (31 tuổi) đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ điều trị tại bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội cho biết bệnh nhân bị đâm hơn 10 nhát dao, nặng nhất là những vết thương ở vùng bụng.

Nằm trên giường bệnh, chị Hiền cho biết chiều 24/3 đang kéo hàng thuê thì bị chồng tấn công từ phía sau. Chị bỏ chạy nhưng vấp ngã nên bị đâm nhiều nhát, bất tỉnh.

Chị Hiền cho biết, 10 năm trước vào tỉnh Gia Lai làm ăn kinh tế mới, rồi kết hôn. Khi con gái được 3 tuổi, hai vợ chồng ra Bắc làm ăn. Năm 2008, sau khi sinh thêm bé trai, vợ chồng chị ra chợ Long Biên kiếm việc.

Năm 2010, Khoái ốm, mất sức lao động, mọi lo toan kinh tế dồn vào chị. Gần 3 năm qua, chị đều đặn gửi tiền cho chồng nuôi con ở quê. Gần đây, người đàn bà lam lũ này hay tin chồng thường dùng tiền sinh hoạt của gia đình để đánh cờ bạc.

Dịp Tết 2013, cho rằng chị có người đàn ông khác, Khoái lên Hà Nội, đuổi hết những người ở cùng phòng trọ với vợ. Khoảng một tuần trước khi xảy ra vụ án, trong cơn ghen, Khoái đánh vợ thâm tím khắp người. Chị Hiền hoảng sợ phải sang ở nhờ một phụ nữ cùng làm nghề bốc vác. Từ hôm đó, Khoái luôn cầm dao, kéo khi theo dõi vợ.

Một ngày trước khi gây án, Khoái đòi vợ đưa mấy triệu đồng để trả nợ tiền lô đề. Gã dọa, không lo được tiền, sẽ "cắm" hai đứa con. Sợ chồng làm liều, rạng sáng 24/3 chị về Thái Bình đón hai con đưa đến nhà ngoại ở Vĩnh Phúc gửi. Chiều cùng ngày, trọng án xảy ra.

Khi bị bắt, Khoái cũng thừa nhận đâm vợ vì ghen.

Đáng nói những vụ giải quyết xung đột bằng dao, kéo nói trên không hề hiếm trong thời gian gần đây. Loại tội phạm này được Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an xếp vào dạng đối tượng giết người do mâu thuẫn thù tức. Đây là những mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt, cuộc sống trong nội bộ nhân dân, trong gia đình, giữa các băng nhóm tội phạm có tổ chức hoặc lưu manh côn đồ... Theo nhận định, đó có thể là những mâu thuẫn âm ỉ, kéo dài hoặc bột phát nhất thời.

Vậy những kỹ năng nào bạn cần để chế ngự xung đột cá nhân?

Theo kinh nghiệm về phòng chống tội phạm của các cán bộ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, trước hết phải hiểu được cảm xúc của chính mình về cuộc xung đột. Có nghĩa là nhận biết điều gì có thể là “ngòi nổ” mà bạn gây ra cho những phản ứng tiếp theo của “phía bên kia” như nét mặt, lời nói, cử chỉ của bạn chẳng hạn. Như vậy bạn sẽ kiểm soát mình tốt hơn trong cuộc xung đột.

Hãy biết lắng nghe và cố gắng hiểu “phía bên kia” nói gì. Hãy nghe thật kỹ càng, thay vì chỉ tập trung nghĩ về điều mình sắp nói với “phía bên kia”. Hãy chứng tỏ với “phía bên kia” rằng bạn đang rất tập trung lắng nghe họ.

Có nhiều người nghĩ rằng chỉ có hai cách giải quyết xung đột cá nhân là đánh nhau hoặc lẩn tránh. Thực ra không phải thế. Hãy đối mặt trực diện với vấn đề bằng niềm tin có thể giải quyết được trong “hòa bình”, nhanh chóng đánh giá được điểm lợi, bất lợi và hậu quả nếu xung đột vượt quá tầm kiểm soát.

Hãy chấm dứt xung đột theo hướng thỏa hiệp và phải làm chủ được lời nói của mình, bằng không sai lầm sẽ nối tiếp sai lầm theo kiểu “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”.

Tuyên bố rõ ràng điều bạn muốn và chỉ rõ ra vấn đề xung khắc là ở đâu. Hãy tuyệt đối tránh dung từ lăng mạ, kích bác hoặc chọc tức “đối phương”. Đừng đề cao mình hoặc địa vị của mình trong cuộc tranh luận.

Cùng nhau thảo luận bằng nhiều cách khác nhau để giải quyết vấn đề. Hãy mềm dẻo, cầu thị và vị tha.

Hãy cùng nhau quyết định người nào đưa ra những bước đi tiếp theo sau khi đạt được thỏa thuận. Sau đó: Chọn thời điểm thích hợp; Lên kế hoạch trước; Nói chuyện trực tiếp, thẳng vào vấn đề; Cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực; Lắng nghe; Chứng tỏ với “phía bên kia” rằng bạn đang chăm chú lắng nghe; Nói thẳng thắn; Tuân theo giải pháp định sẵn; Luôn kìm chế trong khi tranh luận.

Nếu các nỗ lực của bạn đều không giải quyết được vấn đề thì hãy tìm đến trung gian hòa giải. Tòa, trường học, công sở sẽ là những nơi giúp bạn giải quyết vấn đề. Những người hòa giải không quyết định thay bạn. Họ chỉ giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt nhất.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc