(VnMedia) - Trước những vấn đề nảy sinh trong công tác chống buôn lậu, đặc biệt là tại Nội Bài, cơ quan Hải quan Hà Nội đang tập trung nâng cao hơn nữa ý thức của cán bộ hải quan trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, kỷ luật của ngành, đơn vị…
>> "Áo giáp rách" chống buôn lậu tại Thủ đô
Kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu Nội Bài. Ảnh minh họa |
Phát hiện và triệt xóa gần 1.000 vụ buôn lậu
Trong thời gian qua, các đối tượng buôn lậu với trăm ngàn thủ đoạn tinh vi, biến hóa khôn lường. Theo đó, các lực lượng chức năng cũng đã triển khai thực hiện hàng loạt những phương án, biện pháp cứng rắn nhằm đón lõng, trấn áp, xử lý hoạt động buôn lậu.
Gần đây nhất, vào ngày 24 và 25/12/2015, một lô hàng hiệu có giá trị lớn đã được Chi cục Hải quan Gia Thụy phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. Số hàng trên nếu không bị các lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Trước đó, Hải quan Hà Nội phối hợp với Công an thành phố xác lập chuyên án bắt 11 vụ vận chuyển trái phép chất ma tuý, thu giữ 11,477 kg cocain; 1,45 kg heroin; 2,7 kg tiền chất, trong đó có 7 vụ là vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh. Trên tuyến đường hàng không, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ hơn 100 kg sừng tê giác và ngà voi.
Theo lãnh đạo Cục Hải quan Hà Nội, để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu vào Thủ đô, song song với phối hợp với các lực lượng thực thi trong Ban 389 thành phố Hà Nội về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Cục Hải quan Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp với Công an thành phố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy, sự phối hợp, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong thời gian qua đã giúp phát hiện, khám phá được nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu.
Ba lực lượng là Hải quan Hà Nội, Công an và Quản lý thị trường tăng cường phối hợp nắm tình hình, trao đổi thông tin diễn biến thị trường, nhất là về hàng giả, hàng hóa không đúng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Riêng tuyến đường hàng không được xác định là “điểm nóng” buôn lậu, vì vậy, 4 chi cục thường xuyên làm thủ tục cho hàng hóa vận chuyển đường hàng không gồm: Nội Bài, Chuyển phát nhanh, Gia Thụy, Bắc Hà Nội đã, đang đặc biệt chú trọng công tác chống buôn lậu.
Theo thống kê, có gần 1.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị Cục Hải quan Hà Nội phát hiện và bắt giữ trong năm 2015. Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm mang lại cho Nhà nước gần 6,4 tỉ đồng tiền thuế.
Cán bộ hải quan phải chấp hành pháp luật
Theo Cục Hải quan Hà Nội, trước những vấn đề nảy sinh trong công tác chống buôn lậu, đặc biệt là tại Nội Bài, song song với việc bố trí nhân sự làm công tác kiểm soát hải quan một cách hợp lý, cơ quan Hải quan Hà Nội đang tập trung nâng cao hơn nữa ý thức của cán bộ hải quan trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, kỷ luật của ngành, đơn vị. Đồng thời yêu cầu đề cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống buôn lậu trong quá trình làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, chống thất thu ngân sách; quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm soát và phòng chống ma túy.
Cùng với nỗ lực làm sạch chiếc “áo giáp”, Cục Hải quan Hà Nội đang khẩn trương tháo gỡ, kiến nghị cấp trên xử lý những khó khăn, vướng mắc từ hệ thống văn bản pháp lý trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực này.
Cụ thể, Nghị định 127/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định về các hành vi vi phạm các quy định chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ có một khung hình phạt là chưa phù hợp. Trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, nhiều trường hợp không thể thu được tiền phạt đối với hàng khách xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng cấm, hàng phải có giấy phép nhập khẩu. Nguyên nhân được xác định do địa chỉ đối tượng vi phạm cung cấp không rõ ràng, không đúng, không có số tài khoản, không biết rõ nhân thân nên việc chấp hành quyết định xử phạt cũng như việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế không hiệu quả.
Bên cạnh đó, luật hiện có quy định về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, song chưa có quy định về việc tạm giữ đối tượng, áp giải đối tượng vi phạm trong trường hợp xác định có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới...
Ý kiến bạn đọc