Giả đặt 'bom' để quảng cáo sản phẩm: Không thể coi là tội khủng bố?

09:19, 24/03/2016
|

(VnMedia) - Theo luật sư, nếu hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, đe dọa xâm phạm tính mạng không nhằm chống chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội khủng bố và có thể bị xử lý về những tội phạm khác tương ứng.

Ngày 23/3, TAND TP. HCM tuyên phạt Hoàng Hải Trai (28 tuôi, quê Bắc Ninh) mức án một năm tù về tội khủng bố. 

Nhằm gây sự chú ý của dư luận để mọi người biết đến sản phẩm, Trai đã chỉ đạo cho các nhân viên Công ty mua thùng carton, đồng hồ hẹn giờ và dán những hình ảnh mà anh ta thiết kế sẵn ra bên ngoài đem đặt ở những nơi như sân vận động Mỹ Đình, Times City, Hồ Hoàn Kiếm... Tối 18/5/2015, Lê rủ thêm người bạn mang chiếc thùng đến khu vực sân Mỹ Đình để đặt nhưng thấy vắng người nên đặt tại Nhà văn hóa Mai Dịch - nơi đang diễn ra sự kiện kỷ niệm ngày sinh nhật Bác. 

1
Bị cáo Trai bị áp giải tại tòa. Ảnh: Tri Thức Trẻ

Lãnh đạo phường và dân phòng có mặt tại đây đã phát hiện "vật thể lạ" và báo công an. Nhiều lực lượng sau đó được huy động đến hiện trường để xử lý. 

Cũng đêm đó tại TP. HCM, Trai kêu 2 nhân viên mang thùng catton bên ngoài có dán ảnh máy bay đâm vào tòa nhà (giống vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ) bên trong có đồng hồ hẹn giờ đến trước nhà sách trên đường Nguyễn Huệ đặt. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các nhân viên còn chụp ảnh báo cáo cho Trai biết. Một lúc sau, một cán bộ công an Đội CSĐT Công an quận 1 đi tuần tra ngang qua phát hiện nghi vấn có chất nổ nên báo đơn vị huy động lực lượng đến xử lý. 

Tối hôm sau, Trai trực tiếp mang chiếc thùng đặt tại công viên 30/4 rồi chỉ đạo cho cấp dưới đến theo dõi. Nữ chủ quán cà phê Bệt gần đó phát hiện chiếc thùng có tiếng đồng hồ kêu tích tắc cùng dòng chữ với nội dung kỳ quặc đã báo cơ quan chức năng. 

Tại tòa, Trai khai nhận ý tưởng của anh ta chỉ nhằm mục đích gây sự chú ý của dư luận để mọi người biết đến sản phẩm của mình.

Câu hỏi đặt ra trong vụ án này là liệu TAND TP.HCM đã xử đúng người đúng tội? Để hiểu rõ hơn, VnMedia đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Theo quan điểm của luật sư Thơm: Đây là hành vi rất thiếu hiểu biết về pháp luật của Hoàng Hải Trai. Chỉ vì mong muốn quảng cáo sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng mà đã thực hiện hành vi trái pháp luật, xâm hại đến trật tự an toàn công cộng, gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân nơi công cộng và khiến nhiều người dân hoang mang lo sợ.

Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh theo đúng các qui định của pháp luật. Tuy nhiên khi xem xét đến hành vi phạm tội cũng cần phải đánh giá và xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý theo các tội danh tương ứng được qui định tại Bộ luật hình sự.

Trước hết, tội khủng bố là loại tội phạm có tính chất chính trị, xâm phạm đến an ninh quốc gia và là những hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm cao cho xã hội thuộc lĩnh vực an ninh quốc qia: đó là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tồn tại và vững mạnh của chính quyền nhân dân.

Để xử lý về tội khủng bố theo Điều 84 Bộ luật hình sự cần phải thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản:

+ Về mặt khách thể của tội phạm: xâm hại đến sự vững mạnh của chính quyền nhân dân, an ninh đối nội, đối ngoại, tinh smạng, sức khỏe, tự do thân thể con người

+ Về mặt khách quan tội phạm: thể hiện ở như những hành vi như: Xâm phạm tính mạng cán bộ nhà nước, người đại diện cho chính quyền, tổ chức xã hội; Xâm phạm tự do thân thể, sức khỏe; Đe dọa xâm phạm tính mạng là trường hợp có hành vi có thể bằng lời nói, cử chỉ, thái độ nào đó làm cho người bị đe dọa có căn cứ hiểu rằng nếu họ thực hiện công vụ hay nghĩa vụ nào của công dân thì tính mạng họ sẽ bị đe dọa; Giết, gây thương tích, bắt giữ công dân nước ngoài nhằm cản trở cho quan hệ quốc tế của Việt Nam..

+ Về mặt chủ thể: bất kể người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

+ Về mặt chủ quan của tội phạm: Tội khủng bố được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Nếu hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể, đe dọa xâm phạm tính mạng không nhằm chống chính quyền nhân dân thì không cấu thành tội Khủng bố và có thể bị xử lý về những tội phạm khác tương ứng.

Cũng theo quan điểm của luật sư Thơm, hành vi phạm tội của Hoàng Hải Trai chưa thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm của tội khủng bố, bởi lẽ:

+ Về hành vi khách quan: Trai đã dùng thùng carton bên ngoài hộp ghi tiếng A Rập, bên trong mỗi hộp đựng đồng hồ hẹn giờ (có thể là giả làm quả bom giả) và đem đặt ở những nơi như sân vận động Mỹ Đình, Times City, Hồ Hoàn Kiếm,… hành vi này của Trai trên thực tế không gây nguy hiểm đe dọa đến tính mạng người dân. Nếu đó là vật liệu nổ thì sẽ có căn cứ về xác định đó hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hay đe dọa xâm hại đến tính của người dân.

+ Về mặt ý thức chủ quan: Trai khai nhận mục đích phạm tội chỉ là gây sự chú ý của dư luận để mọi người biết đến sản phẩm của mình. Như vậy động cơ mục đích không phải nhằm chống chính quyền nhà nước. Đây là dấu hiệu bắt buộc của nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia buộc phải có ở Tội khủng bố.

Trên cơ sở đánh giá hành vi khách quan cũng như ý thức chủ quan của Hoàng Hải Trai khi thực hiện hành vi phạm tội thì thấy rằng không thỏa mãn dấu hiệu phạm tội khủng bố theo điều 84 Bộ luật hình sự.

Hành vi phạm tội của Hoàng Hải Trai đã có dấu hiệu phạm tội gây rối trật tự công cộng. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điều 245 Bộ luật hình sự là có căn cứ và đúng với bản chất hành vi phạm tội đã gây ra.

Điều 84. Tội khủng bố 

1. Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc công dân, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

2. Phạm tội trong trường hợp xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

3. Phạm tội trong trường hợp đe doạ xâm phạm tính mạng hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

4. Khủng bố người nước ngoài nhằm gây khó khăn cho quan hệ quốc tế của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì cũng bị xử phạt theo Điều này.

Điều 245. Tội gây rối trật tự công cộng 

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có dùng vũ khí hoặc có hành vi phá phách;

b) Có tổ chức;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.


Ý kiến bạn đọc