(VnMedia) - Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Đoàn Hà Nội), ông không đồng tình với quy định của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) về việc miễn án tử hình đối với tội tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Đoàn Hà Nội)
Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Bộ luật hình sự (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu đồng ý với việc sửa đổi Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh bộ Luật này.
Truy tố kể cả khi phạm tội chưa đạt
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (Đoàn Hà Nội) – Giám đốc Công an TP Hà Nội Nội cho biết qua thực tiễn đấu tranh chống tội phạm, Bộ luật Hình sự thay đổi là cần thiết. Tuy nhiên, việc trong dự thảo bổ sung bổ sung quy định mới về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân và thiết kế mới một chương riêng đó là Chương XI là không phù hợp.
“Tôi không đồng tình việc đưa vào luật hình sự thành một chương để truy tố pháp nhân, bởi vì bây giờ truy tố pháp nhân ví dụ một công ty thì chúng ta đã có ở trong Luật doanh nghiệp, Luật hành chính để xử phạt rồi, chứ không thể nào đi truy tố một pháp nhân được, đại diện cho một pháp nhân bao giờ ở trong Luật doanh nghiệp đã có quy định đại diện cho pháp nhân đó, chúng ta khó có thể mà truy tố. Qua tìm hiểu thì tôi chưa thấy có nước nào quy định truy tố pháp nhân ra luật hình sự cả cho nên tôi đề nghị các đồng chí trong này chúng ta không nên”, ông Chung nói.
Ông Chung dẫn chứng: trong các luật khác như Luật hành chính, Luật doanh nghiệp thì có các hình phạt như tước giấy phép…, vì vậy trong Luật hình sự không nên đưa liên quan trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Về vấn đề phạm tội chưa đạt, dự thảo quy định người chưa thành niên phạm tội chưa đạt thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội chưa đạt.
Theo đại biểu Chung, quy định như trên thì sẽ dẫn đến xử lý không nghiêm: “Tôi ví dụ như giết người mà chưa đạt, tức là người bị hại chưa chết thì chưa phải chịu trách nhiệm hình sự thì thật là vô lý, cho nên tôi nghĩ không nên bỏ quy định này”
Thực tế, có những đối tượng đã chuẩn bị công cụ phương tiện, như thuốc nổ hoặc các công cụ rất là tinh vi, nhưng cơ quan chức năng đã ngăn chặn nên chưa dẫn đến giết người mà chúng ta lại không truy tố thì là không được.
“Chúng ta cần phải truy tố hành vi phạm tội chưa đạt chúng ta nên đưa vào để xử lý thì mới răn đe được tội phạm”, ông Chung kiến nghị.
E ngại gia tăng tội phạm trẻ em
Về vấn đề áp dụng thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Tại Mục 2, Chương XII và từ Điều 87 đến Điều 90 dự thảo có quy định khi xử lý người chưa thành niên phạm tội thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ưu tiên xem xét áp dụng một trong ba biện pháp mới thay thế xử lý hình sự sau đây: khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.
Theo Đại biểu Chung, xu hướng 10 năm trở lại đây tỷ lệ người thành niên phạm tội rất nhiều, đang tăng lên, đây là một con số thực sự và người vị thành niên phạm tội, những vụ phạm tội dã man, ví dụ như ở Bắc Giang giết mấy người các đồng chí nghe rồi, Hà Nội có rồi, xung quanh tất cả các tỉnh, thành đều có.
"Chúng ta quy định từ 14 - 16 phải chịu trách nhiệm với những tội đặc biệt nghiêm trọng. Tôi không hiểu sau này trình tự để xét xử, không biết sau nghiên cứu tôi gắn ở trong Luật tố tụng thì không thấy nêu trình tự xét xử đối với hình tự với loại tội này như thế nào. Tức là bây giờ xét xử theo hình khiển trách thì khiển trách gì, cơ quan điều tra vẫn làm hồ sơ, vẫn sang tòa, vẫn sang cáo trạng, sang viện, vẫn mở phiên tòa, sang khiển trách và giao lại cho cộng đồng", ông Chung nói.
Ông Chung lấy ví dụ như xử 3 năm giao cộng đồng thì cộng đồng tổ dân phố là ông tổ trưởng dân phố, ông bí thư chi bộ hay chủ tịch xã hay ông chủ tịch phường hay ai là người chịu trách nhiệm việc này thì rất khó. Thực tế hiện nay không khả thi, không thể nào thực hiện...
"Qua tổng hợp, Cảnh sát Anh cung cấp cho chúng ta, hiện nay có 3.000 thiếu niên của Việt Nam, bình quân một tháng có 30 thiếu niên của Việt Nam được đưa sang Anh để trồng cần sa. Hiện nay đang lợi dụng trẻ em để đem ma túy là một thủ đoạn. Ngay ở Việt Nam cũng phát hiện rất nhiều trẻ em đi bán ma túy. Chúng ta cũng phát hiện ra các nhóm sử dụng trẻ em đi bán báo nhân tiện bán ma túy đã có rồi", đại biểu Chung cho biết.
Từ những phân tích ở trên, đại biểu Chung khẳng định: "Với những hình phạt như thế này sẽ làm gia tăng tôi phạm trẻ em. Tôi đề nghị không nên quy định ba điều này vào trong luật, đó là suy nghĩ của tôi, thực tế cũng sẽ không có hiệu quả".
Bỏ án tử hình tội tham nhũng là không công bằng
Liên quan đến xung quanh án tử hình, cụ thể là đề xuất bỏ án tử hình đội với tội tham nhũng được quy định trong dự thảo Luật Hình sự (sửa đổi). Khoản 3, Điều 38 của dự thảo quy định không thi hành án tử hình với các loại tội danh tham ô và tham nhũng, nếu người bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra…, đại biểu Chung có ý kiến: "Thực tế thì tôi đã thấy án từ tử hình xuống 20 năm, xong từ 20 năm xuống 18 năm và cứ đi 15 năm là về. Là trường hợp tôi đã chứng kiến có thật. Cho nên tôi đề nghị trong tội phạm tham nhũng nên vẫn cứ phải để hình phạt tử hình để có tính răn đe”.
Người đứng đầu công an Hà Nội cũng phân tích thêm: “Người nghèo người ta không có điều kiện gì dân sinh, người ta buộc phải đi buôn ma túy để kiếm tiền, sinh sống thì buôn ma túy chúng ta vẫn tử hình. Trong khi đó một người am hiểu pháp luật được giữ những chức vụ nhưng lại đi tham ô, tham nhũng một lượng tiền lớn thì lại không bị áp dụng tử hình. Tôi lấy 2 ví dụ điển hình đó để thấy những cái bất cập, những cái gì đó không công bằng ngay trong 1 bộ luật. Cho nên tôi kiến nghị đề nghị vẫn giữ nguyên mức án tử hình đối với những loại tội phạm tham nhũng”.
Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng không thể bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng.
"Tôi nghĩ không có gì có thể thay thế được chuyện này, tiền nong hay đền lại hoặc nộp lại tôi cũng không đồng ý. Việc nộp lại nó khác và chuyện anh đã gây ra án như thế và gây ra thiệt hại rất lớn cho nhà nước, chưa kể thiệt hại liên quan đến cả bộ máy, tất cả các thứ, cho nên tôi không đồng ý chuyện thể hiện sự đồng tình, không đồng ý thay thế tiền hay nộp, hay khắc phục bằng chuyện tiền rồi bỏ án tử hình với tội danh này", đại biểu An nói.
Ý kiến bạn đọc