(VnMedia)- Ngày 18/12/2014, Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, thuộc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Tổng kết dự án và chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ pháp lý về vấn đề tùy thân cho trẻ em/thanh thiếu niên đường phố”.
Hội thảo nhằm mục đích tổng kết các hoạt động của 12 tháng dự án, chia sẻ các thách thức khó khăn trong việc hỗ trợ pháp lý về vấn đề giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh và truyền tải thông điệp vận động chính sách để hỗ trợ giải quyết vấn đề giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố, đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho các em.
Hội thảo có sự tham gia đông đảo của đại diện của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở tư pháp, thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Bộ Công an, đại diện các tổ chức xã hội, truyền thông và các thân chủ - phụ huynh và trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố đã được hỗ trợ làm giấy tờ tuỳ thân trong dự án và đang có nhu cầu cần làm giấy tờ tuỳ thân.
Kỷ lục về thời gian xác định nhân thân cho trẻ lang thang
Theo báo cáo tại hội thảo, hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 1,8 triệu trẻ em, trong đó có gần 400,000 trẻ em nhập cư từ các tỉnh thành khác, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khoảng 70,000 em, số lượng trẻ em lang thang trên địa bàn thành phố là khoảng 1450 em. Cho dù số lượng là bao nhiêu hay hoàn cảnh sinh sống như thế nào thì trẻ em nhập cư, đặc biệt là trẻ em lang thang, đều ở trong tình trạng dễ bị tổn thương và khó có cơ hội tiếp cận đầy đủ các nhóm dịch vụ xã hội và phúc lợi xã hội dành cho trẻ em. Đặc biệt, trẻ em lang thang được coi là đối tượng yếu thế nhất, gặp nhiều khó khăn nhất trong cả về vấn đề mưu sinh, cũng như trong việc đảm bảo các quyền cơ bản như quyền có giấy tờ tùy thân. Việc không có giấy tờ tuỳ thân càng khiến các em gặp thiệt thòi trong việc không tiếp cận được các dịch vụ công và các hỗ trợ dành cho các em như học việc, tạo việc làm, có nơi cư trú, v.v… để có thể hoà nhập xã hội và phát triển.
Để hỗ trợ cho đối tượng đặc biệt thiệt thòi này, phục vụ sứ mệnh của tổ chức, Trung tâm Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện dự án “Hỗ trợ pháp lý cho trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố về vấn đề tuỳ thân” tại thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 1 – 12/2014. Dự án do Quỹ hỗ trợ sáng kiến tư pháp (JIFF) tài trợ.
Tổng kết dự án, dự án đã xây dựng năng lực cho các cán bộ xã hội trong việc hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em, thanh thiếu niên đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước hỗ trợ 10 trường hợp làm giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em, thanh thiếu niên đường phố tại thành phố Hồ Chí Minh. Từ các trường hợp hỗ trợ thực tế này, dự án đã xây dựng các cẩm nang, sách trường hợp điển hình hỗ trợ năng lực cho các tổ chức xã hội; đồng thời các tổ chức xã hội cũng đưa ra được một bản kiến nghị đóng góp cho việc cải thiện khung pháp lý hỗ trợ giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em.
Phát biểu tại hội thảo, thạc sỹ Nguyễn Phương Linh, giám đốc MSD phát biểu “Nhìn lại một năm thực hiện dự án, chúng tôi thấy đã nỗ lực rất nhiều, một ca làm giấy tờ tuỳ thân cho các em (trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố) có khi mất tời 6 tháng – 1 năm để có thể xác định được nguồn gốc, nhân thân và làm giấy tờ tuỳ thân cho các em, với sự tham gia của rất nhiều các bên liên quan.
Thạc sỹ Nguyễn Phương Linh cũng cho rằng, sau một năm, dự án đạt được một số kết quả nhất định, nhưng số việc còn cần làm phía trước còn nhiều hơn. Đó là việc làm sao có thể vận dụng các bài học kinh nghiệm từ dự án áp dụng vào thực tiễn, làm sao để các tổ chức xã hội sẽ phối hợp tốt hơn với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng liên quan khác hỗ trợ tốt hơn cho việc thực hiện quyền có giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em, đồng thời vận động các giải pháp chính sách để cải thiện môi trường pháp lý phù hợp hơn hỗ trợ cho trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố có được giấy tờ tuỳ thân”.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh cũng phát biểu “Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Trung tâm trợ giúp pháp lý sẽ tiếp tục phối hợp hiệu quả với các tổ chức xã hội, hỗ trợ tích cực cho trẻ em/ thanh thiếu niên nói chung và trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố nói riêng thực hiện quyền có giấy tờ tuỳ thân, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của nhà nước đối với lĩnh vực trợ giúp pháp lý, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý, đặc biệt là người yếu thế trong xã hội”. Tại hội thảo, ông Huỳnh Tấn Đạt đã trao chứng nhận giấy khai sinh cho hai trường hợp làm giấy khai sinh cho gia đình hai bé Nguyễn Ngọc P. và bé Tăng Thanh T. – là một trong những ca rất khó làm giấy tờ tuỳ thân đã được dự án, các tổ chức xã hội và Trung tâm hỗ trợ pháp lý hỗ trợ làm giấy tờ tuỳ thân thành công.
Xây dựng bản kiến nghị cải thiện khung pháp lý
Ngoài ra, hội thảo cũng đã xây dựng bản kiến nghị của các tổ chức xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh để vận động cải thiện khung pháp lý phù hợp để hỗ trợ tốt hơn việc thực hiện quyền có giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em nói chung và trẻ em/ thanh thiếu niên đường phố nói riêng.
Được biết, Quyền có giấy tờ tuỳ thân đã được quy định rõ trong hệ thống pháp luật Việt Nam thông qua Hiến pháp 2013, Bộ Luật Dân sự năm 2005, Luật Bảo vệ và chăm sóc giáo dục trẻ em năm 2004, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, v..v – đây là quyền của công dân nói chung và của trẻ em nói riêng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng có những chính sách, nghị định, thông tư hướng dẫn, v..v quy định việc thực hiện, thi hành nhằm đảm bảo tốt hơn việc làm giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em, thanh thiếu niên.
Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ thực tế cho đối tượng đặc biệt thiệt thòi như trẻ em đường phố, các tổ chức xã hội phát hiện những khó khăn trong việc hỗ trợ các em làm giấy tờ tuỳ thân (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu). Cụ thể, một số vấn đề phát hiện và kiến nghị về hành lang pháp lý hỗ trợ như sau:
Thứ nhất, quyền trẻ em có giấy tờ tuỳ thân (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, hộ khẩu) cần được đưa vào Luật. Trong Luật bảo vệ và giáo dục trẻ em năm 2004 và Luật trẻ em đang sửa đổi quy định Quyền được khai sinh và có quốc tịch (Điều 11) cho trẻ em; tuy nhiên, quyền về chứng minh thư nhân dân chưa được nhắc đến. Đề nghị sửa đổi thành Quyền có giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em.
Thứ hai, đề nghị thay đổi quy trình, có giấy khai sinh thì làm được cấp chứng minh nhân dân mà không cần hộ khẩu; có chứng minh thư nhân dân có thể làm được hộ khẩu mà không yêu cầu phải có nhà;
Thứ ba, hiện tại, tại các bệnh viện, để tránh trường hợp có những bệnh nhân sau khi sinh, trốn viện và không đóng viện phí, các bệnh viện thường giữ lại giấy chứng sinh của trẻ. Thêm vào đó, theo quy định các cơ sở y tế được huỷ hồ sơ bệnh án trong thời hạn 10 năm để giải quyết vấn đề quá tải về lưu trữ khiến cho các trường hợp trẻ em xin nhận lại giấy chứng sinh sau 10 năm khó thực hiện được. Đề nghị các hồ sơ của bệnh viện cần được mã hoá, tin học hoá dữ liệu tạo điều kiện cho người dân trích lục sau 10 năm. Ngoài ra đề nghị mở rộng quyền yêu cầu trích lục giấy chứng sinh, cho các nhân viên xã hội và người giám hộ thay vì chỉ cho phép người thân.
Thứ tư, để tạo điều kiện cho việc hỗ trợ quyền tư pháp về giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đề nghị các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân được quyền xác nhận nhân thân của trẻ, giám hộ trẻ.”
Được biết, bản kiến nghị sẽ được hoàn thiện và gửi tới các cơ quan chức năng liên quan để vận động môi trường pháp lý phù hợp cho việc thực hiện quyền về giấy tờ tuỳ thân cho trẻ em/ thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và tại Việt Nam nói chung.
Ý kiến bạn đọc