(VnMedia) - Trong phần thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như khai số tiền trên là do bị cáo chiếm đoạt.
>> Ai tiếp tay cho “siêu lừa”Huyền Như phạm pháp?
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như
Tại phiên toà xét xử ngày 18/12, HĐXX thẩm vấn Huỳnh Thị Huyền Như về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (gọi tắt ACB).
Đại diện ACB và đại diện 19 nhân viên ACB gửi tiền tại VietinBank giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu VietinBank trả 718 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh.
Tại phiên tòa, Huyền Như khai rằng, thông qua Huỳnh Thị Bảo Ngọc, bị cáo huy động của ACB hơn 668 tỷ đồng đứng tên 17 nhân viên của ngân hàng này gửi tiền vào Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh. Để ACB tin tưởng chuyển tiền, Như đã đề xuất Ban lãnh đạo Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh ký 32 hợp đồng tiền gửi với 17 nhân viên ACB. Bị cáo trả tiền chênh lệch ngoài hợp đồng là hơn 10 tỷ đồng cho ACB bằng tiền mặt. Đồng thời, bị cáo yêu cầu họ ký giấy nộp luôn số tiền này vào tài khoản tiền gửi của họ mở tại VietinBank đến khi đến hạn tất toán thì nhận lại.
Sau khi Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh ký hợp đồng nhận gửi tiền của nhân viên ACB, Như giao các hợp đồng đó cho 17 nhân viên trên nhưng không giao thẻ tiết kiệm. Lợi dụng sở hở này, Như đã chiếm đoạt số tiền 668 tỷ đồng trên.
Còn 50 tỷ do hai nhân viên ACB gửi tại Chi nhánh VietinBank Nhà Bè, Huyền Như khai rằng, Như đã đánh tráo hồ sơ và giả chữ ký của 2 nhân viên ACB để mở tài khoản tại Chi nhánh VietinBank Nhà Bè. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản, Như lập giả các lệnh chi, ký giả chữ ký của 2 nhân viên ACB để chiếm đoạt 50 tỷ đồng.
"Tổng cộng số tiền tôi đã chiếm đoạt của ACB do 19 nhân viên đứng tên gửi tiền vào Vietinbank là hơn 718 tỷ đồng", bị cáo Huyền Như nói.
Trước đó, HĐXX tập trung thẩm vấn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP Nam Việt (gọi tắt là NaviBank), nay là Ngân hàng TMCP Quốc Dân.
Vì sao các ngân hàng không tự mình trực tiếp gửi tiền vào tài khoản tiền gửi định kỳ tại VietinBank mà phải thông qua các nhân viên của mình để thực hiện? Đó là câu hỏi mà HĐXX hỏi đi hỏi lại nhiều lần đối đại diện của NaviBank và ACB.
Tại phiên tòa, đại diện cho NaviBank cũng là người đại diện cho 4 nhân viên của NaviBank gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 200 tỷ đồng của NaviBank, Huyền Như khai rằng, Như đã đề xuất lãnh đạo Chi nhánh Vietinbank Tp. Hồ Chí Minh ký 18 hợp đồng tiền gửi với các nhân viên Navibank để nhận gửi 500 tỷ đồng. Như đã tất toán 12 hợp đồng số tiền 300 tỷ đồng, còn lại 200 tỷ đồng đứng tên của 4 nhân viên NaviBank, bị cáo tự trích chuyển số tiền này để trả nợ cho mình.
HĐXX, đại diện VKS và luật sư tập trung thẩm vấn đại diện NaviBank và đại diện 4 nhân viên NaviBank đứng tên tài khoản bị Huyền Như chiếm đoạt về nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng; Về các hợp đồng giữa nhân viên NaviBank với NaviBank, giữa nhân viên NaviBank với VietinBank; Việc ký hợp đồng gửi tiền này là theo chủ trương của ai? Ai đứng ra giải quyết cho nhân viên NaviBank vay? Vì sao có chuyện thực hiện quy trình ngược là hợp đồng của các nhân viên vay tiền của NaviBank lại thế chấp bằng hợp đồng gửi tiền của VietinBank? Ai là người nhận số tiền lãi suất chênh lệch vượt trần?...
Đại diện NaviBank và đại diện 4 nhân viên NaviBank phần lớn né tránh câu trả lời trực tiếp. Khi HĐXX và đại diện VKS trích lời khai trong hồ sơ thì họ mới thừa nhận về nguồn gốc số tiền 200 tỷ đồng, thực chất là của NaviBank.
Đối với bị cáo Như, HĐXX và đại diện VKS hỏi về hình thức, thủ đoạn chiếm đoạt đối với số tiền này. Như khai rằng, bị cáo giả lệnh chi để giải chi.
Ý kiến bạn đọc