Huyền Như "nẫng" 50 tỷ đồng của ACB nhanh chóng

15:25, 22/12/2014
|

(VnMedia) - Huyền Như đã dùng chữ ký giả của khách hàng mở tài khoản, sau đó dùng lệnh chi giả chuyển tiền và chiếm đoạt của khách hàng 50 tỷ đồng...

>> Bí ẩn người nhận 10 tỷ "lại quả" của Huyền Như
>> H
uyền Như nhận chiếm đoạt 718 tỷ đồng của ACB
>> Ai tiếp tay cho “siêu lừa”Huyền Như phạm pháp? 

Ảnh minh họa

Huỳnh Thị Huyền Như trong phiên xử ngày 22/12

Ngày 22/12, phiên xử phúc thẩm Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm trong vụ án lừa đảo 4.000 tỷ đồng bước sang ngày thứ 6.

Hôm nay, HĐXX tiếp tục thẩm vấn xem xét kháng cáo của các bị cáo Lương Thị Việt Yên, Hồ Hải Sỹ, Lê Thị Ngọc Lợi (cán bộ, nhân viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần, VietinBank Chi nhánh Nhà Bè) bị truy tố đưa ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ba bị cáo bị án sơ thẩm tuyên từ bốn đến bảy năm tù.

Các bị cáo này hầu toà vì việc mở tài khoản cho khách hàng mà không có mặt của khách hàng để ký chữ ký mẫu. Hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm này đã để cho bị cáo Huyền Như dùng chữ ký giả của khách hàng mở tài khoản, sau đó dùng lệnh chi giả chuyển tiền và chiếm đoạt của khách hàng 50 tỷ đồng gây nên hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi phạm tội của các bị cáo liên quan đến hai tài khoản của tên Nguyệt và Năm – nhân viên của Ngân hàng ACB bị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 50 tỷ đồng.

Theo hồ sơ, thông qua Huỳnh Thị Ngọc Ánh, Phó Phòng kế toán Ngân hàng ACB, lấy danh nghĩa huy động tiền cho VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, Như làm giả hợp đồng tiền gửi, ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, Phó Giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè để huy động của Ngân hàng ACB 50 tỷ đồng đứng tên hai nhân viên là Dương Thị Nguyệt và Nguyễn Thị Bé Năm.

Để chiếm đoạt được số tiền này, trước khi làm giả hợp đồng Như đã yêu cầu Nguyệt và Năm mở tài khoản tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Nguyệt và Năm đã đưa bản photo CMND, ký giấy đề nghị mở tài khoản và ký xác nhận mẫu chữ ký cho Võ Anh Tuấn để mở tài khoản.

Tuy nhiên, Tuấn không đem hồ sơ mở tài khoản có chữ ký thật của Nguyệt và Năm cho Bộ phận làm thủ tục mở tài khoản của Phòng giao dịch Võ Văn Tần thuộc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, mà giao 2 bộ hồ sơ này cho Trần Thị Tố Quyên (nhân viên của Công ty Hoàng Khải, công ty riêng của Như) đem về giao cho Như. Do có ý định chiếm đoạt số tiền này nên Như đã ký giả chữ ký của Nguyệt và Năm trên 2 bộ hồ sơ mở tài khoản khác, rồi giao cho Quyên đến Phòng giao dịch Võ Văn Tần để mở tài khoản cho Nguyệt và Năm.

Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của Năm và Nguyệt mở tại Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, trong các ngày 27 và 28/6/2011, Như lập giả các lệnh chi, ký giả chữ ký của Nguyệt và Năm để chuyển 50 tỷ đồng từ tài khoản của Nguyệt và Năm tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè vào tài khoản của Quyên tại VietinBank Chi nhánh Nhà Bè, rồi Như chỉ đạo Quyên làm lệnh chi và chuyển toàn bộ số tiền này cho các cá nhân và công ty để chiếm đoạt giúp sức cho Như chiếm đoạt 50 tỷ đồng.

Bị cáo Yên (Nguyên trưởng phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần) xin tòa xem xét vai trò, hành vi phạm tội để xin giảm nhẹ hình phạt. Tương tự, hai bị cáo Sỹ (nguyên Phó phòng Phòng giao dịch Võ Văn Tần), Lợi (nguyên giao dịch viên Phòng giao dịch Võ Văn Tần) cũng xin giảm án.

Tại toà, Sỹ khai bị cáo nhận được chỉ đạo qua điện thoại của trưởng phòng Việt Yên, rồi sau đó chỉ đạo cho Ngọc Lợi mở tài khoản. Còn bị cáo Lợi thừa nhận sau khi mở tài khoản thì bị cáo Quyên (nhân viên công ty ngoài của Như mới mang hồ sơ đến để bổ sung. Và đặc biệt, bộ hồ sơ này đã điền sẵn thông tin.

Đối chất bị cáo Quyên (bị án sơ thẩm tuyên phạt 14 năm về tội lừa đảo, vai trò giúp sức cho Huyền Như) cho biết không biết ai đề nghị mở tài khoản. Bộ hồ sơ mở tài khoản, Quyên nhận từ Huyền Như.

Ngược lại, bị cáo Việt Yên lòng vòng không thừa nhận lời khai của cấp dưới. VKS trong phần xét hỏi đã nói : “Bị cáo không thừa nhận việc chỉ đạo phó phòng mở tài khoản. Chúng tôi sẽ căn cứ vào hồ sơ và lời khai của các bị cáo tại tòa để xem xét, đánh giá”.

Bị cáo xin được giảm án

Trong sáng nay, Toà chuyển qua thẩm với với các bị cáo kháng cáo bị truy tố, xét xử về tội cho vay lãi nặng.

Hai bị cáo kháng cáo gồm: Đào Thị Tuyết Dung - Cựu Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân và bị cáo Nguyễn Thiên Lý. Cả hai đã cho bị cáo Huyền Như vay một số tiền lớn để thu lãi cao và thu bất chính hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Khai tại toà, thông qua một người bạn giới thiệu cho Lý biết và gặp Như. Lý cho hay, thông tin Lý ghi nhận được từ người bạn này về Như là: “Huyền Như là một người làm ăn lớn”, Lý khai.

Lý nói rằng, quan hệ giữa hai người ban đầu là hợp tác làm ăn, sau đó mới chuyển sang cho vay lãi nặng. Trả lời thẩm phán, Lý cho biết, giao dịch giữa hai người vừa giao trực tiếp cho Như, cho nhân viên của Như, vừa chuyển khoản. Và việc chuyển tiền thông qua những công ty của Huyền Như.

Lý cho hay: “Nếu đúng bản chất vụ việc thì bị cáo cũng chỉ là một nạn nhân thôi ạ”. Tại tòa, Nguyễn Thiên Lý xin tòa xem xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Mức án 2 năm tù tòa sơ thẩm tuyên phạt tội Cho vay lãi nặng, Lý cho rằng là quá nặng và xin tòa phúc thẩm xem xét.

Trước đó, trong phần thẩm vấn đối với Đào Thị Tuyết Dung, bị cáo khai, việc cho Huyền Như mượn tiền bằng “niềm tin”. Số tiền Dung cho Huyền Như vay hàng trăm tỷ bị cáo hoàn toàn không ghi vào sổ sách, tài sản thế chấp cũng không có chứng thực của cơ quan chức năng.

Theo bị cáo Dung, tại tòa cấp sơ thẩm, tòa quy kết, bị cáo thu lãi hơn 174 tỷ đồng là không đúng. Tuy nhiên, Dung không đưa ra được cơ sở để bảo vệ lập luận của mình.

Trả lời thẩm vấn, Dung cho rằng, cơ sở kháng cáo là tổng số tiền 150 tỷ đồng cho Huyền Như vay mà chưa lấy được lại, nên mong tòa dựa trên cơ sở này để xem xét giảm nhẹ.

Liên quan đến Đào Thị Tuyết Dung, VKS thẩm vấn Huyền Như về đường đi của dòng tiền Huyền Như chiếm đoạt của 3 công ty: Hưng Yên, Phúc Vĩnh, Thịnh Phát.

Theo Huyền Như, bị cáo đã “nhờ” tài khoản của Dung mở tại ngân hàng Eximbank. Một phần Huyền Như trả cho Dung, một phần Như lấy để trả nợ.


(theo PL TPHCM, VOV)

Ý kiến bạn đọc