Vụ sắt rơi chết người: Phải xử lý hình sự

07:50, 08/11/2014
|

(VnMedia) - Liên quan đến vụ hai thanh sắt rơi trong lúc thi công tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, khiến một người chết, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho hay, có dấu hiệu tội phạm trong vụ việc và cần thiết phải xử lý hình sự...

>> V
ụ sắt rơi chết người: Đề nghị kỷ luật Chủ tịch Cienco 1
>> N guyên nhân rơi sắt khiến một người chết  
>>
"Liều mạng" qua các con đường "tử thần" ở Thủ đô
>> Công an vào cuộc điều tra vụ rơi sắt làm chết người
>> Vụ sắt rơi chết người: Dừng thi công, kiểm tra an toàn
>> Sắt thi công đường sắt trên cao rơi, một người chết      

Ảnh minh họa
Hiện trường vụ sắt rơi làm 1 người tử vong

Như tin đã đưa, vào hồi 9h30 ngày 6/11, tại đoạn thi công nhà ga S7 thuộc dự án đường sắt cao tốc trên cao Cát Linh – Hà Đông (Đối diện Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam) đã xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng khiến nhiều người tham gia giao thông bị thương nặng và một người chết ngay tại chỗ.
 
Theo thông tin ban đầu của phóng viên ghi nhận tại hiện trường, trong lúc thực hiện cẩu các thanh sắt phi 24 phía bên trong công trình thi công nhà ga của dự án đường sắt cao tốc trên cao bỗng nhiên dây cáp của chiếc máy cẩu đột ngột bị đứt khiến những thanh sắt rơi xuống  phi thẳng ra đường nơi nhiều người dân đang tham gia giao thông. Hậu quả đã khiến một người chết ngay tại chỗ và nhiều người khác bị thương.

Về vụ việc trên, dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Nguyên nhân xảy ra tai nạn là do trong quá trình thi công, người điều khiển cẩu khi đưa các thanh sắt lên công trình đã đưa cẩu sang phần đường phần đường giao thông và bị đứt cáp buộc rơi xuống đường gây tử vong cho 1 người và bị thương nhiều người đang đi dưới đường.

Về trách nhiệm gây tai nạn là do người lái cẩu và người hướng dẫn chỉ đạo điều khiển cẩu (hoa tiêu) đã không tuân thủ các qui định về an toàn lao động trong xây dựng khi cẩu vật liệu mà bên dưới có người đang tham gia giao thông, để khi cẩu bị đứt cáp đã rơi trúng nhiều người đang tham gia giao thông làm 1 người chết và nhiều người bị thương.

Hành vi của người lái cẩu đã không thực hiện đúng qui định về an toàn lao động trong thi công công trình để cẩu vật liệu đi qua đường giao thông trong khi người dân đang tham gia giao thông bên dưới đường.

Hành vi của người hướng dẫn chỉ đạo điều khiển máy cẩu (hoa tiêu) đã không thực hiện đúng các qui định về an toàn lao động trong thi công công trình như không hướng dẫn cho người điều khiển cẩu vật liệu không đi qua phần đường giao thông và không có biện pháp ngăn chặn người và phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm khi đang cẩu vật liệu phía trên đường đi,..

Hậu quả máy cẩu bị đứt dây cáp buộc làm vật liệu rơi xuống gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người đi đường thì các đối tượng trực tiếp điều khiển cẩu và hướng dẫn chỉ đạo cẩu vật liệu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người”. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 227 BLHS.

Ngoài ra cần phải xem xét trách nhiệm của những người có trách nhiệm trực tiếp giám sát thi công công trình và người đứng đầu đơn vị thi công gói thầu.

Người giám sát đã lơ là không giám sát an toàn lao động trong lúc thi công để công nhân làm cẩu thả gây tai nạn cho người khác.

Người đứng đầu đơn vị thi công gói thầu đã không đôn đốc đơn vị mình chấp hành an toàn lao động trong thi công công trình dẫn tới hậu quả đã xảy ra.

Hành vi của những đối tượng này có dấu hiệu phạm tội “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tội phạm và hình phạt  được qui định tại Điều 285 BLHS.

Điều 227. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc