Tinh vi thủ đoạn tội phạm Trung Quốc đến Việt Nam gây án

15:57, 05/11/2014
|

(VnMedia)- Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, các đối tượng này đã lắp đặt các thiết bị tinh vi tại 3 điểm thuộc TP. Hải Phòng và giả danh là lực lượng Công an, VKSND Trung Quốc, sau đó gọi điện về nước cho những người là bị hại trong một số vụ án tại Trung Quốc.

>>
Tội phạm công nghệ cao nguy hiểm chỉ sau khủng bố

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.



Thuê biệt thự để... lừa đảo

Chiều 4/11, Công an Thành phố Hải Phòng phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50 - Bộ Công an) bắt giữ 44 đối tượng người Trung Quốc và Đài Loan giả danh cảnh sát Trung Quốc và có hành vi sử dụng công nghệ cao, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Trung Quốc.

Cụ thể vụ việc, vào khoảng 13h15 ngày 4/11, C50 (Bộ Công an) phối hợp với Công an TP Hải Phòng đã đột nhập vào một căn biệt thự thuộc phường Anh Dũng (quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng). Kiểm tra có dấu hiệu hoạt động phạm tội, lực lượng chức năng đã bắt giữ 44 đối tượng đang có hành vi gọi điện thoại quốc tế qua mạng Internet gồm 41 đối tượng (gồm 27 đối tượng nam và 14 đối tượng nữ). Trong số đối tượng này có 21 đối tượng là người Trung Quốc, 20 đối tượng người Đài Loan. Ngoài ra, 3 người Việt Nam cũng đã bị bắt giữ. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tang vật gồm một số điện thoại bàn, máy vi tính, sổ sách mà nhóm đối tượng này dùng để thực hiện hành vi phạm tội.

Để thực hiện hành vi lừa đảo của mình, các đối tượng này đã lắp đặt các thiết bị tinh vi tại 3 điểm thuộc TP. Hải Phòng và giả danh là lực lượng Công an, VKSND Trung Quốc, sau đó gọi điện về nước cho những người là bị hại trong một số vụ án tại Trung Quốc. Tiếp đó các đối tượng này yêu cầu các bị hại nộp tiền vào tài khoản nói là để làm tang chứng của vụ án mà họ liên quan. Đến thời điểm bị bắt, chúng chiếm đoạt được của người dân Trung Quốc khoảng 2,2 triệu nhân dân tệ (khoảng 8 tỷ đồng Việt Nam). Với thiết bị tinh vi, khi các bị hại gọi điện đến lực lượng Công an, VKSND Trung Quốc để xác minh thì các cuộc gọi này tự động chuyển về hệ thống của các đối tượng này.

Vụ việc đang được Bộ Công an và Công an TP. Hải Phòng tiếp tục điều tra mở rộng.

Thuê nhà đánh bạc...

Trước đó, đ
ầu tháng 10, Công an Quảng Ninh và đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an đã bàn giao cho lực lượng chức năng Trung Quốc 28 đối tượng mang quốc tịch của nước này về hành vi nhập cảnh vào TP Móng Cái (Quảng Ninh) thuê phòng nghỉ, lắp đặt máy móc thiết bị để điều hành hoạt động của các website tổ chức đánh bạc trên mạng Internet.

Qua khai thác, các đối tượng thừa nhận, vào khoảng đầu năm 2014, được một đối tượng tại Triết Giang (Trung Quốc) thuê 5 phòng nghỉ tại nhà nghỉ Ngọc Anh, lắp đặt thiết bị điện tử và thuê Liu Guo He, sinh năm 1982, ở Triết Giang (Trung Quốc) quản lý, điều hành 9 người còn lại tại khách sạn Ngọc Anh. Hàng ngày, Liu Guo He và các đối tượng phân công nhau lên phòng 502, nơi đặt thiết bị truy cập mạng Internet để điều hành đánh bạc tại Trung Quốc trên các trang web và một số trò chơi trực tuyến của Trung Quốc. Mỗi tháng, Liu Guo He được trả công khoảng 3.000 nhân dân tệ (NDT), 9 trường hợp còn lại được trả khoảng 2.000 NDT/tháng.

Còn tại 5 phòng thuộc khu chung cư Vinh Cơ, phường Trần Phú, TP Móng Cái, Công an tỉnh phát hiện 3 người nước ngoài quốc tịch Trung Quốc là Liu Chen Yi, sinh năm 1987; He Ying Me, sinh năm 1992 và Jiang Qiang Qiang, sinh năm 1990, cùng trú tại Triết Giang (Trung Quốc), sử dụng 13 máy vi tính, 7 điện thoại cùng các phương tiện, thiết bị kèm theo để thực hiện hành vi tương tự như của nhóm Liu Guo He. Trong 3 đối tượng trên, Liu Chen Yi và He Ying Me bị bắt quả tang khi đang sử dụng hệ thống thiết bị đăng nhập vào các website đánh bạc.

Số đối tượng này khai tại cơ quan Công an: Qua mạng Internet đã quen một đối tượng cùng ở Triết Giang, Trung Quốc là Fu Hai, khoảng đầu tháng 8/2014, Fu Hai đặt vấn đề thuê Liu Chen Yi, He Ying Me và Jiang Qiang Qiang, xuất cảnh sang Móng Cái (Việt Nam) làm việc, trả lương 3.000 NDT/ tháng. Theo đó, hàng ngày số này sử dụng hệ thống mạng máy tính do Fu Hai lắp đặt để truy cập mạng Internet điều hành các website đánh bạc của Trung Quốc...

Ngoài số đối tượng đã phát hiện tại các cơ sở lưu trú ở phường Trần Phú, Công an tỉnh Quảng Ninh còn phát hiện tại tầng 2, tầng 3, khu B, khách sạn Hồng Vận, thuộc phường Ka Long (Móng Cái), có 15 trường hợp quốc tịch Trung Quốc sử dụng 9 máy tính, 16 điện thoại các loại, các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác để tổ chức đánh bạc qua mạng Internet. Theo các đối tượng, hoạt động phi pháp trên được thực hiện từ khoảng đầu tháng 8/2014.

Cùng thời điểm lực lượng chức năng của Bộ Công an và Công an tỉnh kiểm tra, xử lý 28 đối tượng quốc tịch Trung Quốc có hành vi tổ chức đánh bạc qua mạng Internet tại Móng Cái, phía Công an Trung Quốc cũng đồng loạt triển khai bắt giữ số đối tượng có hành vi tương tự tại 28 thành phố thuộc 14 tỉnh của Trung Quốc.

==============

Thống kê từ Interpol cho thấy trung bình, trên thế giới cứ 14 giây lại xảy ra một vụ phạm tội có sử dụng công nghệ cao. Mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này chỉ đứng sau tội phạm khủng bố. Hàng năm, tội phạm công nghệ cao đã gây thiệt hại ước tính khoảng 445 tỷ USD, cao hơn lượng tiền mà tội phạm ma túy đã thu được.

Tại Việt Nam, báo cáo về kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam có liên quan đến quốc tế nêu rõ: Từ năm 2010 đến nay, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài xác minh, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra gần 100 vụ án, vụ việc đạt kết quả tốt, chiếm gần 10% tổng số vụ án, vụ việc của đơn vị đã thụ lý.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc