Không nên luật hóa “quyền im lặng” của nghi can?

07:01, 07/10/2014
|

(VnMedia) - Chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng nên đưa “quyền im lặng” của nghi can, bị can, bị cáo khi chưa có luật sư tham gia lấy lời khai vào Bộ luật tố tụng hình sự. Đây là vấn đề mới và gây nhiều tranh cãi nên hay không nên luật hoá “quyền im lặng”?

Để hiểu rõ thêm về vấn đề này, VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng luật sư Nguyễn Anh - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) - người có nhiều năm tham gia bào chữa cho nhiều Bị can, Bi cáo trong các vụ án hình sự.

Ảnh minh họa
Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Mất tính khẩn cấp trong công tác điều tra

Luật sư Thơm cho biết, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ cho người bị tình nghi không bị bắt, giữ, giam dẫn đến bị kết tội oan, nên đã có nhiều ý kiến đề xuất đưa quyền im lặng của người bị bắt (còn được gọi là nghi can) khi chưa có luật sư tham gia lấy lời khai. Đề xuất trên theo ông Thơm nhận định là chưa chính xác, chưa xem xét toàn diện của vấn đề.

Ông Thơm phân tích nếu đưa quyền im lặng của người bị tình nghi khi chưa có luật sư tham gia lấy lời khai vào Bộ luật tố tụng hình sự, thì có thể sẽ dẫn đến nhiều hậu quả mà không thể lường trước được, bởi nếu người bị bắt chỉ phải khai báo khi có mặt tham gia của luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ, thì sẽ làm mất tính khẩn cấp trong công tác điều tra phá án nhanh.

Theo ông Thơm phải lấy lời khai ngay người bị bắt để thu giữ vật chứng cũng như để ngăn chặn hậu quả mà hành vi phạm tội của người bị bắt cùng đồng phạm đã thực hiện như việc giải cứu con tin, sơ tán người dân khỏi hiện trường vụ án, tháo gỡ bom mìn mà bọn khủng bố và đồng phạm của người bị bắt đã và đang thực hiện, ngoài ra còn nhiều hậu quả khác cần phải được ngăn chặn ngay, nếu chậm trễ sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, kinh tế của nhà nước.

Mặt khác ông Thơm cũng cho biết một thực tế cho thấy vị trí và nhiệm vụ của Điều tra viên, Kiểm sát viên với Luật sư là khác nhau một bên từ những manh mối ban đầu để thu thập chứng cứ xác định sự thật khách quan, một bên là gỡ tội.

Về trình độ nghiệp vụ chuyên sâu của những người này cũng khác nhau, nếu có việc luật sư tham gia lấy lời khai người bị tình nghi ở giai đoạn này thì có thể từ xung đột về nhận thức pháp luật, xung đột về cách nhận định đối tượng bị tình nghi có phải là người thực hiện hành vi phạm tội hay không dẫn đến có những tư vấn gây khó dễ cho hoạt động điều tra ban đầu.

Việc xung đột trên cũng dễ hiểu bởi ngoài những chứng cứ làm căn cứ bắt nghi can, thì Cơ quan điều tra còn có những tài liệu trinh sát chưa được chuyển hóa thành chứng cứ, do đó họ có cách nhận định và đánh giá toàn diện và chính xác hơn đối với nghi can, còn Luật sư chỉ bằng cảm quan và tin vào lời khai của người bị bắt để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Nếu nghi can có quyền im lặng đến khi có luật sư tham gia được đưa vào luật, thì việc xem xét tính hợp pháp để cấp thủ tục giấy chứng nhận người bào chữa cũng gây chậm trễ và mất tính khẩn cấp trong việc bắt người phạm tội nhằm ngăn chặn họ và đồng phạm tẩu tán vật chứng, ngoài ra còn có thể dẫn đến việc để lộ thông tin khai thác đối với người bị bắt dẫn đến đồng bọn của họ tẩu tán vật chứng và chuẩn bị các phương án đối phó hoặc bỏ trốn.

“Chính vì tính bảo mật thông tin điều tra ban đầu, nên Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có quy định hết sức nghiêm ngặt trong quy chế nghiệp vụ của từng ngành”, ông Thơm nói.

Cần thiết phải có giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát

Theo ông Thơm thì Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định người phạm tội chỉ có thể bị bắt trong các trường hợp: Bắt quả tang, bắt khẩn cấp, Bắt bị can, bị cáo để tạm giam, Bắt người bị truy nã hoặc người phạm tội ra tự thú, đầu thú bị tạm giữ hình sự.

Trong các trường hợp bắt trên, trừ trường hợp bắt khẩn cấp theo quy định tại Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự, thì các trường hợp bắt còn lại như nêu trên khi ra Lệnh bắt, Cơ quan tố tụng đã có đầy đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của người bị bắt, nên những trường hợp bắt đó rất ít khi xảy ra oan sai. Thực tế cho thấy thời gian vừa qua những trường hợp để xảy ra oan sai đều tập trung vào các trường hợp bị Cơ quan điều tra bắt theo trình tự bắt khẩn cấp.

Để giảm nguy cơ gây oan sai cho người bị bắt do bị tình nghi phạm tội, ông Thơm cho biết theo Điều 107 Hiến pháp 2013 quy định Viện kiểm sát có chức năng giám sát hoạt động tư pháp; Bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tức là Viện kiểm sát kiểm sát mọi hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra.

Như vậy, để khắc phục việc bắt, giữ giam, xét xử oan sai người vô tội, cần thiết phải có việc giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát trong việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp. Theo đó cần bổ sung Điều 81 Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng người bị bắt có quyền im lặng đến khi có Kiểm sát viên giám sát việc lấy lời khai.

Một số ý kiến cho rằng quyền im lặng là quyền của công dân, thì tại sao không đưa quyền của họ vào trong Bộ luật tố tụng hình sự?

Về ý kiến này, ông Thơm có quan điểm, Hiến pháp và các luật khác đã quy định quyền cơ bản của công dân nói chung và nói riêng. Tuy nhiên trong lĩnh vực hình sự, thì quyền của người bị bắt do bị tình nghi phạm tội, quyền của bị can, bị cáo đã bị hạn chế một phần do xác định họ có lỗi là vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, họ mới bị bắt, giữ giam và chịu hình phạt.

Chính vì khi hành vi của họ bị pháp luật hình sự điều chỉnh thì họ phải có trách nhiệm khai báo trước cơ quan điều tra, Viện kiểm sát về hành vi phạm tội của mình mà không còn đủ các quyền như một người bình thường khác, cùng với đó một số quyền công dân khác của họ cũng bị hạn chế theo như quyền ứng cử, quyền bầu cử, quyền đảm nhiệm chức vụ…

Cũng theo ông Thơm cho biết, việc bổ xung quyền im lặng của người bị bắt do bị tình nghi trong trường hợp bắt khẩn cấp và có thể cả ở những trường hợp bắt khác cho đến khi có Kiểm sát viên tham gia giám sát việc lấy lời khai cũng sẽ xảy ra những bất cập và khó khăn.

Bởi vì Viện kiểm sát nhân dân chỉ như đơn vị hành chính sự nghiệp, nhưng nhiệm vụ và công việc của họ phải làm là bám sát mọi hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra lại thuộc lực lượng vũ trang. Trong đó, có việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp và lấy lời khai có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nên việc này cũng cần được cân nhắc khi đưa vào Luật.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc