Người tâm thần gây án, người thân phải chịu?

09:17, 29/07/2014
|

(VnMedia)- Liên tiếp những ngày gần đây xảy ra các vụ thảm án, chiếm đoạt tài sản của những đối tượng được cho là tâm thần. Về vụ thảm án giết mẹ, chém vợ tại Thanh Hoá, hiện cơ quan điều tra vẫn đang chờ kết quả trưng cầu giám định để xem xét khởi tố bị can. Ở góc độ pháp lý, sự việc được giải quyết như thế nào?

VnMedia đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Gây thảm án là phải bị khởi tố

Ngày 26/7, tại xã Triệu Thành (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã xảy ra vụ thảm án giết mẹ, chém chết vợ rồi giấu xác phi tang. Hung thủ trong vụ án, đối tượng Hoàng Văn Thanh từng có bệnh án tâm thần, đã khai nhận tại cơ quan điều tra do hoang tưởng nên mới gây ra vụ việc đau lòng này. Quan điểm của luật sư về vụ án này?

- Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Căn cứ Điều 104 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định quyết định khởi tố vụ án hình sự: “Khi xác định có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự”; Điều 126 Bộ Luật Tố tụng Hình sự quy định khởi tố bị can: “Khi có đủ căn cứ xác định một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”.

Trong vụ việc này, sau khi đã có đủ căn cứ xác định đối tượng Hoàng Văn Thanh gây ra thảm án thì cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can Hoàng Văn Thanh về tội Giết người theo qui định tại Điều 93 Bộ Luật Hình sự.

Trong quá trình điều tra, nếu có căn cứ xác định đối tượng Hoàng Văn Thanh đã từng bị bệnh tâm thần hoặc có dấu hiệu bất ổn về tâm lý mà cơ quan điều tra có nghi ngờ về năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì phải ra quyết định: Quyết định tạm đình chỉ điều tra theo điều 160 Bộ Luật Tố tụng Hình sự cho bị can đi giám định tâm thần; Quyết định trưng cầu giám định theo điều 155 Bộ Luật Tố tụng Hình sự để xác định năng lực trách nhiệm hình sự.

Kết luận giám định của cơ quan chuyên môn sẽ quyết định năng lực chịu trách nhiệm hình sự của bị can. Kết luận giám định sẽ xảy ra 02 trường hợp:

Thứ nhất, nếu bị can bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người. Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị can sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu bị can bị bệnh tâm thần mất khả năng nhận thức và năng lực điều khiển hành vi thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can và chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định  áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi đã được Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ vụ án.
 
Sáng 28/7, tại trụ sở công an TP. Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) đã xảy ra vụ cướp súng của một đối tượng. Trong trường hợp này, đối tượng sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định nào của pháp luật?

Hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Thành Tuấn dùng dao chém gây thương tích vào tay một đồng chí Cảnh sát và cướp súng có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích và tội Chiếm đoạt vũ khí quân dụng. Tội danh và hình phạt được qui định tại Điều 104 Bộ Luật Hình sự và Điều 230 Bộ Luật Hình sự.

Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phải làm rõ động cơ mục đích của đối tượng. Nếu có dấu hiệu tâm thần thì phải cho đối tượng đi giám định năng lực chịu trách nhiệm hình sự để làm căn cứ xử lý theo qui định của pháp luật.
 
Khó qui trách nhiệm cho gia đình và chính quyền địa phương?
 
Liên tiếp trong những ngày gần đây xảy ra những vụ việc liên quan đến những đối tượng phạm tội có dấu hiệu bị bệnh tâm thần. Theo quan điểm của Luật sư việc gia đình không cho người có bệnh tâm thần đi chữa trị hoặc quản lý chặt chẽ thì cũng không thể qui kết trách nhiệm khi xảy ra vụ việc?

- Luật sư Nguyễn Anh Thơm: Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình, nó phụ thuộc vào đều kiện hoàn cảnh kinh tế, sự e ngại không muốn cho mọi người biết có người nhà bị bệnh,..

Bên cạnh đó cũng theo qui định của Bộ Luật Dân sự, khi người bị mắc bệnh tâm thần hay một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi thì phải được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó thì cha, mẹ, vợ, chồng hoặc con của người đó sẽ trở thành người giám hộ đương nhiên. Trường hợp không có người giám hộ đương nhiên thì UBND xã, phường, thị trấn nơi người bệnh cư trú có trách nhiệm cử hoặc đề nghị người giám hộ. Như vậy kể cả trong trường hợp nếu người bị bệnh tâm thần được miễn trách nhiệm hình sự thì người giám hộ nếu không chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mắc bệnh gây ra theo Điều 606 Bộ luật dân sự.

 Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Có tổ chức;
g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
 
Điều 230. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.


Lam Nguyên - (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc