(VnMedia)- Để tránh tình trạng không chấp hành việc dừng xe kiểm soát, không công nhận kết quả cân, không ký biên bản, cho xe chạy nhanh làm hư hỏng cân; chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ của một số chủ xe qua trạm cân, tại Phú Thọ Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông (TTGT), và cả Cảnh sát cơ động (CSCĐ) cùng tham gia.
>> Phó Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm đối tượng chống đối, phá hoại trạm cân
>> Liên tục có tài xế phá các trạm cân lưu động
Theo thông tin từ Phòng CSGT tỉnh Phú Thọ, mỗi ca trực, ngoài hai TTGT trực tiếp vận hành trạm cân còn có ba CSGT và ba CSCĐ. Ngoài trạm cân đặt ở ngay đầu tỉnh, hàng ngày Phòng CSGT còn bố trí các tổ tuần tra lưu động dọc tuyến Quốc lộ 2 với thành phần mỗi tổ gồm hai CSCĐ và bốn CSGT để xử lý các lỗi vi phạm khác nếu có xe “né” trạm sẽ “bắt” về trạm để cân; ngay cả những khi cân hỏng, nhưng anh em vẫn trực chốt 24/24h và còn huy động cân xách tay để cân trong khi chờ sửa cân lưu động.
Với cách làm khép kín như vậy nên từ đầu năm 2014 đến nay, Phú Thọ là địa phương xử lý quyết liệt xe quá tải. Đặc biệt với việc đưa CSCĐ cùng tham gia điều hành trạm cân và tuần tra với CSGT nên trong khi ở nhiều địa phương thường có tình trạng lái xe chống đối, thậm chí cố tình phá trạm cân thì ở Phú Thọ tất cả lái xe vi phạm đều phải ký biên bản.
Cảnh sát giao thông đang lập biên bản một chủ xe chở quá tải trọng. Ảnh: Việt Hằng.
Không chỉ những xe vi phạm chở quá tải đều chấp hành việc xử lý, từ ngày 12/7, Phòng CSGT bắt đầu triển khai việc tạm giữ xe với những trường hợp lái xe không có bằng lái, xe không có giấy đăng kiểm, quá hạn biên bản nhưng không nộp phạt mà vẫn cho xe lưu hành. Chỉ sau 3 ngày, đã có tới 50 xe bị tạm giữ, xe nhiều tới mức ngoài hai bãi tạm giữ đặt ở quốc lộ 2 và quốc lộ 32, Phòng CSGT phải mượn sân của một doanh nghiệp kinh doanh ô tô ở thành phố Việt Trì để giữ xe vi phạm; dù bị giữ xe nhưng tất cả lái xe đều chấp hành.
Trao đổi với báo chí, Thiếu tá Vũ Đình Trụ, Trưởng phòng CSGT Phú Thọ khẳng định việc đưa CSCĐ cùng tham gia đã phát huy hiệu quả rất tích cực vì chống được tình trạng người vi phạm luật giao thông, vốn chỉ là vi phạm hành chính, nhưng vì cố tình chống đối mà trở thành vi phạm hình sự.
Cuối tháng 6, sau khi Tổng công ty đầu tư, phát triển đường cao tốc Việt Nam, chủ đầu tư đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai, có công văn đề nghị Công an Phú Thọ xử lý tình trạng hàng đoàn xe quá tải chạy vào đường cao tốc né trạm cân, Công an Phú Tho đã huy động lực lượng ra xử lý. Chỉ một đêm đã dừng kiểm tra 21 xe đầu kéo toàn loại siêu trường, siêu trọng và xe tải loại 4 - 6 chân mang biển kiểm soát các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang.
Ban đầu, khi CSGT yêu cầu các tài xế xuất trình GPLX, giấy tờ xe để đưa xe vào cân tải trọng thì tất cả tài xế đều không chịu xuất trình, mà đưa ra lý do chờ ý kiến chỉ đạo của chủ hàng thậm chí còn tụ tập định chống đối. Nhưng khi lực lượng CSCĐ được huy động ra tăng cường chốt chặn, tất cả đã không dám manh động. Sau hai ngày chây ỳ, và phải sống trong cảnh nhai mỳ tôm uống nước lọc thay cơm, không được tắm giặt dưới cái nắng 39- 40 độ C, cuối cùng các tài xế cũng phải thừa nhận có vi phạm vì quá trọng tải.
Cũng như Phú Thọ, tại một số tỉnh cũng đã đưa CSCĐ ra tham gia điều hành trạm cân. Theo thống kê của Bộ Công an, thực hiện kế hoạch liên bộ số 12593 giữa Bộ Công an và Bộ GT-VT “về phối hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của ô tô vận chuyển trên đường bộ”, Công an các tỉnh đã bố trí 738 đồng chí CSGT, 219 đồng chí Cảnh sát hình sự, CSCĐ, Cảnh sát trật tự tham gia vận hành 63 trạm cân.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn đề nghị Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường bộ không xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 171 của Chính phủ trong thời gian đến ngày 31/12/2014 đối với 2 trường hợp: Thứ nhất là vi phạm quy định về tải trọng trục nhưng không vi phạm trọng lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe. Thứ hai là vi phạm chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe hoặc Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường dưới 10%.
- Hiện nay, mạng lưới giao thông đường bộ toàn quốc dài khoảng 260.000km, trong đó khoảng 17.000 km quốc lộ, 42.000 km tỉnh lộ thì 63 trạm cân lưu động, 2 trạm cân cố định và cân xách tay do Công an và TTGT trang bị thêm nên mới chỉ tập trung trên các tuyến quốc lộ trọng điểm như Quóc lộ 1, 5, 14, 18, 19…vì vậy tình trạng lái xe cố tình tránh trạm cân vẫn phổ biến. Điều khiển phương tiện vào trạm cân, tài xế chạy với tốc độ cao, đến bàn cân đã phanh gấp khiến hệ thống đường dẫn cân và nhiều thiết bị hư hỏng. Thanh tra giao thông đã báo cáo sự việc với Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa và các ngành chức năng đề nghị phối hợp xử lý tình huống. |
Ý kiến bạn đọc