(VnMedia)- Theo quy định của pháp luật, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì bị xử lý như thế nào?
Ảnh minh hoạ.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005 quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tiền, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước, tài nguyên thiên nhiên và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005, Điều 1 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 đã kết cấu lại và làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh về: (1) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; (2) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; (3) thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Tương ứng với phạm vi điều chỉnh, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định đối tượng áp dụng gồm 3 nhóm đối tượng là: (1) cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động trong khu vực nhà nước; (2) cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; (3) tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác (Điều 2).
Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (luật số 44/2013/QH13) được Quốc hội nước CHXNCN Việt Nam thông qua năm 2013 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại các điều 27 (gây lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước), điều 32 (gây lãng phí trong mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị làm việc và phương tiện thông tin, liên lạc), điều 45 (gây lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng), điều 53 (gây lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên) và điều 58 (gây lãng phí trong quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước); không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của Luật này để xảy ra lãng phí thì bị xử lý như sau: a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp, cơ quan cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; b) Bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo quy định của pháp luật; c) Tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, để xảy ra hành vi lãng phí của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ hoặc không xử lý hành vi lãng phí theo thẩm quyền thì bị xử lý như sau: a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; b) Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức cấp dưới và trong cơ quan, tổ chức do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách và bị xử lý như sau: a) Có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; b) Tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được xem xét giảm trách nhiệm pháp lý nếu đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi lãng phí; xử lý nghiêm minh, báo cáo kịp thời với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi lãng phí.
Ý kiến bạn đọc