Trước vụ xử Bầu Kiên, vì sao luật sư xin hoãn?

09:12, 15/04/2014
|

(VnMedia)- Theo dự kiến, từ ngày mai 16/4 đến hết ngày 29/4/2014, phiên tòa sơ thẩm “Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ bắt đầu. Trước giờ "thăng đường", luật sư của ông Trần Xuân Giá đã gửi đơn đến Tòa xin... hoãn. Vì sao?

>> Tại sao vụ "bầu" Kiên phải thay đổi cáo trạng 3 lần?

Luật sư Lưu Tiến Dũng, luật sư thuộc Công ty Luật TNHH YKVN, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Xuân Giá trong vụ án “Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cho biết, sau khi nhận được Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 130/2014/HSST-QĐ về việc đưa vụ án nêu trên ra xét xử từ ngày 16/4 đến ngày 29/4/2014, ông đã gửi đơn đến Tòa đề nghị một số việc.

Theo luật sư Lưu Tiến Dũng, trong đơn đề nghị gửi Toà ông đã đề nghị ba việc.

Thứ nhất, đề nghị hoãn phiên tòa nêu trên cho đến khi có kết quả xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như. Hiện tại, bản án sơ thẩm số 46/2014/HSST ngày 27/1/2014 của Tòa án nhân dân TP. Hồ  Chí Minh về xác định trách nhiệm hoàn trả 718,908 tỷ cho ACB đang xin kháng cáo. Như vậy, việc ACB có bị thiệt hại số tiền nêu trên hay không vẫn chưa được xác định. Do đó, chưa có cơ sở xem xét một trong những yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền 718,908 tỷ đồng mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang truy tố ông Trần Xuân Giá.

Ảnh minh họa

Ông Trần Xuân Giá.

Lý do thứ hai, Luật sư Lưu Tiến Dũng đề nghị Tòa án kiểm tra trong bộ hồ sơ có hay không có văn bản số 350/NHNN-TTGSNH.m của Ngân hàng nhà nước ngày 17/5/2012 xác nhận việc Ngân hàng ACB thực hiện nghiệp vụ ủy thác cho cá nhân, đại lý khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là sai quy định tại Điều 13 và Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Công văn 350 đã được Cơ quan cảnh sát điều tra sử dụng làm căn cứ xác định hành vi của Trường trực HĐQT Ngân hàng ACB phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong Bản kết luận điều tra số 05/C46-P10 ngày 1/8/2013.

Thứ ba, theo luật sư Lưu Tiến Dũng, trong vụ án “Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, có nhiều bị cáo bị truy tố về nhiều hành vi với nhiều tội danh khác nhau, và theo đó, chỉ có một số ngày nhất định Tòa tập trung xét xử tội danh “Cố ý làm trái” mà ông Trần Xuân Giá hiện đang bị truy tố. Do ông Trần Xuân Giá tuổi cao và đang điều trị bệnh ung thư, nên luật sư Lưu Tiến Dũng đề nghị tòa cho phép ông Trần Xuân Giá và luật sư vắng mặt tại tòa những ngày không xét xử tội danh ‘Cố ý làm trái”.

Theo dự kiến đã được thông báo trước đó, từ ngày 16/4 đến 29/4, Toà án nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên toà xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm trong vụ án “Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Đến thời điểm này chưa biết những kiến nghị của luật sư Lưu Tiến Dũng gửi đến Toà có được chấp nhận hay không, bởi vụ án "Bầu Kiên" là một vụ án lớn, đã được các cấp điều tra, xem xét cẩn thận trong một thời gian dài trước khi đưa ra thời gian xử dự kiến như nêu trên.

Theo cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, có nhiệm vụ đưa ra các chủ trương định hướng hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB theo quy định của pháp luật, là người quản trị cao nhất của Ngân hàng ACB và biết rõ các quy định của Nhà nước về kinh doanh tiền tệ, chứng khoán nhưng ông Trần Xuân Giá đã chủ trì việc thống nhất đề ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng và chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền hơn 1.406 tỷ đồng. Hành vi của ông Trần Xuân Giá đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 của Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, xét bị can Trần Xuân Giá nguyên là cán bộ cao cấp của Nhà nước đã có nhiều đóng góp trong quá trình công tác, nay tuổi cao, sức khỏe yếu nên đề nghị Tòa xem xét giảm nhẹ khi lượng hình.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

A) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

B) Có tổ chức;

C) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

D) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc