Người tố cáo phải viết đơn ghi rõ tên tuổi

07:17, 15/03/2014
|

(VnMedia)- Bộ Công an vừa ban hành thông tư Quy định việc xử lý, giải quyết tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Theo quy định tại Thông tư, người tố cáo phải viết đơn ghi rõ họ, tên, địa chỉ, ngày, tháng, năm, nội dung tố cáo, ký tên hoặc điểm chỉ trực tiếp. Nếu người tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn hoặc ghi lại nội dung tố cáo thành văn bản để người tố cáo ký hoặc điểm chỉ. Trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng qua điện thoại hoặc qua mạng thông tin điện tử thì xử lý theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 55 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.  

Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 91/2013/NĐ-CP và các quy định khác của Bộ Công an. 

Ảnh minh họa

Chị Hoàng Thị Nguyệt- người viết đơn tố cáo trong vụ việc nhân bản kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức gây chấn động dư luận thời gian qua.

Người giải quyết tố cáo có trách nhiệm áp dụng kịp thời các biện pháp bảo vệ người tố cáo, ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra và xử lý người vi phạm theo quy định của pháp luật.

Việc xác minh, kết luận, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Quyết định xử lý tố cáo chỉ ban hành khi người bị tố cáo có vi phạm, cần phải áp dụng hình thức kỷ luật hoặc các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Người giải quyết tố cáo phải thông báo kết quả giải quyết tố cáo bằng văn bản cho người tố cáo (nếu họ yêu cầu), người bị tố cáo và cơ quan, cá nhân có trách nhiệm. Kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo (nếu có) phải được công khai theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 91/2013/NĐ-CP.

Trường hợp người tố cáo rút tố cáo thì xử lý theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30 tháng 9 năm 2013 quy định quy trình giải quyết tố cáo của Thanh tra Chính phủ. 

Tiếp nhận thông tin tố cáo

Cơ quan, đơn vị Công an các cấp khi tiếp nhận thông tin tố cáo phải vào sổ hoặc nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý, theo dõi; đóng dấu “Đến” và ghi rõ ngày, tháng, năm nhận thông tin tố cáo. Cán bộ xử lý hoặc người có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm bảo quản, không để hư hỏng, thất lạc, không làm thay đổi hình thức và nội dung đơn tố cáo hoặc văn bản ghi thông tin tố cáo.

Về việc xử lý thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của  Công an nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, Thông tư quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải tổ chức kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và các nội dung khác để quyết định việc thụ lý hoặc không thụ lý giải quyết tố cáo; thông báo bằng văn bản cho người tố cáo biết lý do không thụ lý (nếu họ không có yêu cầu giữ bí mật); trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn kiểm tra, xác minh có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày làm việc;

Đối với tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, nhưng thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhân dân, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được, cơ quan, đơn vị tiếp nhận tố cáo phải chuyển đến Thủ trưởng cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 91/2013/NĐ-CP để xem xét, giải quyết; đồng thời thông báo bằng văn bản cho người tố cáo (nếu họ không yêu cầu giữ bí mật) và cơ quan Thanh tra Công an cùng cấp với cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo biết;

Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết thì chuyển đến Thủ trưởng cơ quan Công an cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo để xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 27 Luật tố cáo;

Trong lĩnh vực an ninh trật tự, Thông tư quy định nội dung tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh trật tự thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị Công an cấp nào thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an cấp đó có trách nhiệm xem xét, giải quyết;

Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị mình thì chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
 
Trong trường hợp tố cáo Phó Thủ trưởng, Điều tra viên Cơ quan điều tra mà hành vi bị tố cáo không liên quan đến biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cùng cấp của người bị tố cáo. Trường hợp người bị tố cáo là Thủ trưởng Cơ quan điều tra hoặc tố cáo Phó Thủ trưởng, Điều tra viên Cơ quan điều tra đã được Thủ trưởng Cơ quan điều tra giải quyết nhưng người tố cáo không đồng ý mà có bằng chứng mới thì chuyển đến Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết theo quy định tại Điều 337 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

Tố cáo liên quan đến hành vi bắt, tạm giữ, tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng và Điều tra viên Cơ quan điều tra thì chuyển ngay đến Viện kiểm sát cùng cấp xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 3 Điều 337 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;

Tố cáo hành vi tố tụng hình sự của cán bộ, chiến sĩ Công an có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra thì chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố đối với người phạm tội mà người bị tố cáo đã tiến hành một số hoạt động điều tra để xem xét, giải quyết theo quy định tại Khoản 1 Điều 337 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.
 
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2014.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc