Hàng xóm viết đơn đề nghị đền bù hộ ông Nguyễn Thanh Chấn

12:52, 15/03/2014
|

(VnMedia) - Gần hai tháng sau khi nhận được quyết định đình chỉ vụ án, ông Nguyễn Thanh Chấn, nạn nhân của vụ án oan 10 năm tại Bắc Giang vẫn chưa được biết mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền đền bù cho những ngày tháng bị oan sai. Vì quá sốt ruột, một người hàng xóm của ông đã làm đơn hộ...

Chưa biết được bồi thường bao nhiêu

Gần đây, dư luận rộ lên chuyên ông Nguyễn Thanh Chấn viết đơn đề nghị yêu cầu bồi thường cho những ngày tháng bị oan sai là 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm hiểu, mới phát hiện ra lá đơn đề nghị bồi thường không phải của khổ chủ mà 
do ông Hoạt (Thân Ngọc Hoạt - anh em đồng hao với ông Chấn, người đã góp sức giúp ông Chấn giải án oan).

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thanh Chấn không kìm được xúc động ngày nhận quyết định đình chỉ điều tra vụ án.

Nhưng cũng chính nhờ lá đơn kêu oan hộ này, một lần nữa dư luận được chứng kiến sự thảm khốc của án oan mà ông Nguyễn Thanh Chấn phải nhận đã tác động như thế nào đến gia đình ông. Như trong đơn đề nghị bồi thường được gửi đi, trong thời gian ông Chấn đi tù, gia đình ông Chấn vay ngân hàng, cắm 3 sổ đỏ, hiện đang nợ ông Hoạt 130 triệu đồng và lãi suất hàng năm.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã xác nhận những khoản nợ trên để có tiền chi trong đi kêu oan cho chồng. Nhưng về việc làm đơn yêu cầu bồi thường, tính toán thiệt hại, bà Chiến khẳng định lại bà và chồng chưa làm gì, chưa ủy quyền cho ai để đi thực hiện việc này.

Liên quan đến việc bồi thường, mới đây luật sư Vũ Thị Nga - Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp lý, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cũng là luật sư của ông Nguyễn Thanh Chấn cho rằng, theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì hồ sơ yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 34 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm quyết định được minh oan, đơn yêu cầu bồi thường thường ghi rõ nội dung, địa chỉ đầy đủ, lý do yêu cầu bồi thường, thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường.

Trách nhiệm thụ lý xác minh, thương lượng ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định thì việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng tại tòa án được quy định tại Điều 22 và Điều 23 tại Luật này.

Theo đó, khi nhận được bản án, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định thuộc trường hợp được bồi thường quy định tại Điều 26, người bị oan sai gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường kèm theo bản án, quyết định và các tài liệu chứng cứ liên quan. Sau đó, cơ quan có trách nhiệm sẽ tiến hành thụ lý, xác minh, thương lượng và ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định hoặc không thương lượng được thì người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu ra Tòa án để giải quyết.

Trả lời về số tiền ông Nguyễn Thanh Chấn có thể được nhận, luật sư Vũ Thị Nga cho biết, pháp luật đã có quy định. Cụ thể cả một chương 7 trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Theo đó, người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Căn cứ xác định mức hoàn trả còn phải phụ thuộc vào mức độ lỗi, mức độ thiệt hại và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ.

Tại sao vụ ông Nguyễn Thanh Chấn lại xét xử tái thẩm?

Đến thời điểm này, dù vụ ông Nguyễn Thanh Chấn đã được đình chỉ điều tra, ông Nguyễn Thanh Chấn chính thức trở thành người vô tội, nhiều người vẫn mang thắc mắc tại sao vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn chỉ được đưa ra xét xử “tái thẩm” chứ không phải là “giám đốc thẩm”?

Về vấn đề này, theo luật sư Vũ Thị Nga, theo quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự về thủ tục tái thẩm và Giám đốc thẩm thì: Tính chất của Giám đốc thẩm theo Điều 272 của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc Quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án. Và căn cứ để kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm (Điều 273) thì bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, khi có 1 trong những căn cứ: Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố, xét xử. Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật hình sự.

Tính chất của tái thẩm là thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Theo quy định, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm: Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật; Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã có kiết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai; Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.

Như vậy thì thủ tục giám đốc thẩm là thủ tục sẽ được xem xét toàn bộ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ để xem xét vụ án. Còn tái thẩm trong quá trình đã xét xử xuất hiện một tình tiết mới, có thể đảo ngược, thay đổi hoàn toàn bản chất vụ án, tình tiết mới đó phải thay thế toàn bộ nội dung vụ án.

"Vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn thì được đưa ra theo thủ tục tái thẩm bởi lẽ có 1 tình tiết mới là bà Chiến đã làm đơn tố cáo hung thủ Lý Nguyễn Chung, sau đó Lý Nguyễn Chung ra tự thú và đã được các cơ quan chức năng xem xét là tình tiết mới. Tình tiết này đã làm đảo ngược, thay đổi toàn bộ bản chất vụ án, thay đổi toàn bộ nội dung vụ án. Chính vì vậy, vụ án này được đưa ra xem xét theo thủ tục tái thẩm", luật sư Nga nói.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc