(VnMedia)- Bị chính bạn thân giết, đồng nghiệp, anh em hại nhau... trong khi trước đó đều có mối quan hệ khăng khít thân tình, thậm chí chưa hề có mâu thuẫn. Sự việc xảy ra là do đối tượng mất kiểm soát về hành vi hay còn có bí ẩn nào khác?
>> Bàng hoàng những trọng án của người trẻ
Di ảnh của nạn nhân Lưu Vĩnh Đạt bị bạn thân giết, vứt xác xuống sông.
Bàng hoàng khi biết bộ mặt hung thủ
Ngày 14/3, tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Ngọc Quân (SN 1997) trú tại khối 3, phường Long Sơn, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An về tội “giết người” và “cướp tài sản”. Nạn nhân của Quân là bà Tô Thị Loan (SN 1957), bác dâu của Quân.
Theo cáo trạng, ngày 15/10/2013 Quân đến nhà ông Trần Ngọc Dung là anh trai của bố Quân để mượn xe đạp. Lúc này ông Dung đi vắng chỉ có vợ là bà Loan ở nhà. Nhìn thấy bác dâu đeo đôi hoa tai bằng vàng nên Quân nổi lòng tham. Nhân lúc bà Loan không để ý Quân dùng cán dao đánh mạnh vào gáy bà Loan khiến bà gục ngay tại chỗ. Khi Quân đang tháo đôi hoa tai thì bà Loan tỉnh lại.
Sợ bị lộ, Quân tiếp tục lôi nạn nhân ra phía sau giếng và dùng viên đá mài đánh liên tục vào mặt và dùng dao chém nhiều nhát vào đầu làm bà Loan bất tỉnh. Sau đó Quân lấy đôi hoa tai và bỏ đi. May mắn bà Loan được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch. Khi lấy được đôi hoa tai trị giá 3,3 triệu đồng. Quân lập tức mang bán để lấy tiền chuộc lại máy tính cá nhân đã cầm đồ trước đó. Xét thấy hành vi của Quân mang tính chất nguy hiểm nên trong phiên xét xử sáng qua, HĐXX đã tuyên phạt Trần Ngọc Quân 8 năm tù về tội giết người và 2 năm tù về tội cướp tài sản.
Trước đó mấy hôm, dư luận đã được phen bàng hoàng khi phát hiện ra hung thủ giết nam sinh lớp 11 Lưu Vĩnh Đạt (SN 1996, ngụ quận Bình Tân) chính là bạn thân của Đạt tên Nguyễn Kim An (SN 1995, trú tỉnh Bình Thuận, tạm trú quận Tân Bình, TP.HCM).
Vào tối ngày 11/2, gia đình ông Khúc Duy Hanh (81 tuổi, tại thôn Phú Mễ (xã Tứ Cường, Thanh Miện, Hải Dương). nấu cơm tối như mọi ngày, nhưng không hiểu vì lý do nào đó mà khi gia đình ông Hanh bắt đầu ăn cơm thì phát hiện cơm chưa chín. Lúc này, ông Hanh đổ lỗi cho anh Khúc Duy K. (46 tuổi, con đẻ của ông Hanh) rút phích điện nồi cơm, còn anh K. cãi lại là đã cắm cơm rồi.
Hai cha con cứ lời qua tiếng lại dẫn đến to tiếng cãi vã. Tức giận, ông Hanh vớ được con dao chém một nhát vào cổ con mình. Bị cha chém, ông K. ôm cổ chạy ra ngoài nhưng chỉ được một đoạn thì gục xuống tắt thở.
Ngày 25/2, tại phiên xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Lực (sinh năm 1977, trú tại thôn 9, xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) 10 năm tù về tội “giết người”.
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, sáng 15/10/2013, Lực đi chơi về thấy bố mình là ông Lê Văn Bảng (sinh năm 1951) đang ngồi băm rau. Lúc này, ông Bảng có lớn tiếng chửi Lực “mày là đồ ăn hại”. Sau đó, giữa ông Bảng và Lực có xảy ra đôi co, to tiếng.
Bực tức, Lực xông vào bếp lấy một đoạn tre dài khoảng 1,5m lao về phía ông Bảng, vật ông ra giữa sân, dùng gậy tre đập nhiều phát vào đầu, người ông Bảng cho đến khi ông nằm bất động. Sau đó, Lực bỏ chạy, nhưng bị người dân, công an xã truy đuổi theo bắt giữ. Còn ông Bảng được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong.
Cùng ngày 25/2, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử và tuyên giảm án từ 10 xuống còn 8 năm đối với bị cáo Bùi Ngọc Tiếng (SN 1958, quê Vĩnh Long).
Theo bản án sơ thẩm, Bùi Ngọc Tiếng là cậu ruột của chị Biện Thanh Mai, cùng sống tại phường 3, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Khi cha mẹ mất có để lại cho Tiếng một mảnh đất có diện tích 1600m2, Tiếng nhờ chị ruột là bà Bùi Thị Tức (mẹ của chị Mai) đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó,bà Tức đã sang tên cho chị Mai.
Cho rằng mình bị cướp đất nên ông Tiếng đặt bẫy điện với ý định giết chết cả gia đính cháu. Tuy nhiên, khi vừa đặt xuống thì chiếc bẫy trúng vào lưng khiến anh Phương (chồng chị Mai) bị điện giật. Anh này bật dậy giằng lấy bẫy điện rồi gọi điện báo công an phường 3, TP.Vĩnh Long.
Vì sao lại giết người?
Sau những vụ án giết người, đặc biệt là những vụ án mà hung thủ lại là người thân quen của nạn nhân, điều khiến dư luận băn khoăn là vì tại sao các đối tượng đó lại chọn chính những người thân, quen của mình để ra tay tàn ác?
Đối với những vụ án giết người mà hung thủ là người quen biết như trên, trong lý luận phân tích tâm lý tội phạm học gọi là thuyết gần gũi. Nghĩa là hung thủ lợi dụng vào sự thân thiết tình cảm, để nạn nhân không đề phòng mà ra tay tàn độc khi bị dồn, khi mâu thuẫn hoặc thậm chí là bị đói...
Như trong trường hợp Nguyễn Kim An tự tay giết chết bạn thân của mình là Lưu Vĩnh Đạt nói trên. Theo PGS- TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân, trong vụ này không có thủ đoạn gì là tinh vi xảo quyệt cả. Những tội phạm mang tính chuyên nghiệp không bao giờ làm như thế này cả, chúng không dại gì đi ăn cướp để dính án dựa cột cả.
"Đối với tội phạm chuyên nghiệp, trước khi gây án bao giờ đối tượng cũng tính toán rất cụ thể, nó phải khắc chế được con tin, cho người nhà nói chuyện với con tin thậm chí còn phải tính đến trường hợp gia đình báo công an… để còn thực hiện hành vi phạm tội của mình. Trong trường hợp của hung thủ Nguyễn Kim An, đối tượng lại đi vứt xác, giết người sau đó mới thực hiện hành vi tống tiền. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội một cách ngô nghê, nghĩ thế nào làm như thế chứ không phải là kẻ chuyên nghiệp. Tất nhiên, với việc chuẩn bị mọi thứ để phạm tội như Nguyễn Kim An cũng cho thấy hung thủ một kẻ máu lạnh, cũng không phải là người ngoan hiền. Thực tế cũng cho thấy, đối tượng là thanh niên lêu lổng chứ không phải đối tượng ngoan ngoãn", TS Nguyễn Minh Đức nói.
Tội phạm là một vấn đề của xã hội. Chỉ có thể phòng, chống tội phạm hữu hiệu bằng cách tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh. "Trong đó, thành trì gia đình là quan trọng nhất, muốn gì thì gì bố mẹ cũng phải quan tâm đến con cái, dù bận rộn đến đâu cũng phải quan tâm đến con cái, thì mới có thể phát hiện được những biểu hiện bất thường của con em mình, bởi xã hội bây giờ có nhiều cám dỗ như thế và truyền thông lại đưa thông tin ra rả hàng ngày như thế. Nó đã có những hệ lụy nhất định", TS Nguyễn Minh Đức khẳng định.
Ý kiến bạn đọc