(VnMedia)- Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), dự thảo thông tư cho phép đóng phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông hiện đã được gỡ bỏ để chỉnh sửa, bổ sung cho người dân hiểu rõ.
>> Không bắt buộc nộp phạt trực tiếp cho CSGT
>> Nộp phạt trực tiếp làm tăng tiêu cực của cảnh sát giao thông?
Trao đổi với VnMedia, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67)- Bộ Công an, cho biết dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 171/2013 về xử phạt giao thông hiện đã được hạ xuống khỏi website của Cục để chỉnh sửa, bổ sung.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, sau khi nhận ý kiến đóng góp của các địa phương, C67 nhận thấy còn một số nội dung trong dự thảo chưa được làm rõ gây khó hiểu cho dư luận và quần chúng nhân dân, trong đó có nội dung cho phép cảnh sát giao thông được thu tiền phạt trực tiếp khi bắt được lỗi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên đường.
Ảnh minh họa
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, về việc nộp phạt trực tiếp, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013) đã quy định người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông có thể nộp tiền phạt dưới 3 hình thức: nộp phạt thông qua kho bạc nhà nước, nộp qua tài khoản ngân hàng và nộp tiền trực tiếp cho lực lượng ra quyết định xử phạt với những lỗi vi phạm có mức tiền phạt dưới 250 nghìn đồng với cá nhân và 500 nghìn đồng đối với tổ chức. Theo Nghị định 171, các lỗi vi phạm có mức phạt tiền nằm trong khung có thể nộp phạt trực tiếp là: điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh; dừng đỗ trái quy định; đi vào đường cấm; điều khiển phương tiện không đội mũ bảo hiểm (hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng cài quai không đúng quy cách; chở người đằng sau không đội mũ bảo hiểm); chở quá số người quy định…
Ông Tuấn khẳng định thông tư trên chỉ nhằm hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc khi thực hiện xử phạt theo Nghị định 171 của Chính phủ. Bởi, hiện lực lượng cảnh sát giao thông trên cả nước vẫn đang tiến hành xử phạt tại chỗ theo đúng quy định tại Nghị định 171. "Chỉ có địa phương nào có vướng mắc thì chúng tôi mới hướng dẫn mà thôi”- Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Trước đó, VnMedia đã có phản ánh về nội dung dự thảo lần 1 thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 171, trong đó ở Điều 4 “thủ tục xử phạt” quy định: Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III phần thứ II Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó cần lưu ý:
Trường hợp hành vi vi phạm có mức phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, trên 500.000 đồng đối với tổ chức (mức tối đa của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó), xảy ra ở trên tàu khi đoàn tàu đã rời ga; ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc xảy ra ngoài giờ hành chính thì sau khi yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm chấm dứt ngay hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính; nếu hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh, thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì được ra ngay quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Tổ chức, cá nhân bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt.
Việc quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt thực hiện theo quy định tại Chương III Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ vào nội dung này cho thấy, quy định cảnh sát giao thông được thu tiền phạt tại chỗ chỉ áp dụng đối với các lỗi, hành vi đơn giản mà CSGT trong thẩm quyền xử phạt của mình được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Còn các trường hợp khác thì vẫn phải ra kho bạc nộp phạt như trước đây. Bên cạnh đó, người vi phạm nếu không mang theo tiền thì vẫn có thể lựa chọn việc nộp phạt qua kho bạc.
Ý kiến bạn đọc