Chuyên án chưa kết thúc của Tướng Phạm Quý Ngọ

15:33, 19/02/2014
|

(VnMedia)- Trước khi qua đời vào 21h05 phút ngày 18/2 tại Bệnh viện 108 Hà Nội, chuyên án Thượng tướng Phạm Quý Ngọ hoàn thành là vụ điều tra sai phạm ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines)... Đây được coi là một trong những vụ án điểm, phức tạp và để lại một dấu lặng buồn trong cuộc đời làm án của ông.

>> Nghi thức tang lễ cho cán bộ thuộc BCT quản lý
>> Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Quý Ngọ qua đời

Ảnh minh họa

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ sinh ngày 24/12/1954 tại xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Ông theo học tại trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Ngày 19/04/1980, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiện tại, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Công an. Ông Ngọ là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam).

Trong quá trình hoạt động của mình, ông Ngọ đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Trước khi về công tác tại Bộ Công an, ông từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, hàm đại tá.

Trước khi về công tác tại Bộ Công an, ông Ngọ từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, với cấp hàm đại tá. Năm 2006, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, với quân hàm thiếu tướng. Đến tháng 7 năm 2006, ông được bổ nhiệm kiêm chức Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an.

Tướng Phạm Quý Ngọ từng được Bộ trưởng Bộ Công an giao theo dõi, xử lý vụ án ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

Một trong những chuyên án quan trọng tướng Ngọ là Trưởng ban nhưng nó cũng gây ra điều tiếng với ông cho đến cuối đời đó là vụ điều tra sai phạm ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Trong vụ án này có 10 bị cáo bị đưa ra xét xử trước vành móng ngựa. Trong đó Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines và Mai Văn Phúc - nguyên Tổng GĐ Vinalines bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên án tử hình về 2 tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng.

Với tư cách là nhân chứng trong vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm về tội Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, sáng ngày 7/1/2014, Dương Chí Dũng đã khai rằng chính Tướng Phạm Quý Ngọ là người điện thoại nói cho ông ta biết về việc quyết định khởi tố, bắt tạm giam mình đã được phê chuẩn, bảo ông ta tránh đi một thời gian.

Ngay sau đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí, Tướng Ngọ đã phủ nhận sự liên quan của mình với việc Dương Chí Dũng bỏ trốn. Ngoài ra, trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Trung tướng Hoàng Kông Tư khẳng định lời khai của Dương Chí Dũng là không có cơ sở. “Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra báo cáo với cấp có thẩm quyền và khẩn trương điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.

Kết quả điều tra, xác minh đến nay xác định không có cuộc gọi trao đổi trong các list (danh sách) điện thoại như Dương Chí Dũng khai báo và bản thân Dương Chí Dũng cũng đã nhiều lần thay đổi lời khai trước Cơ quan An ninh điều tra, nên chưa đủ căn cứ kết luận” - Trung tướng Hoàng Kông Tư khẳng định.

Trong phần tuyên án, chủ tọa Trương Việt Toàn đã công bố quyết định khởi tố vụ án Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước. Căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX yêu cầu VKS điều tra làm rõ hành vi nhận 510.000 USD để chạy tội cho Dương Chí Dũng trong vụ án Vinalines…

Đến thời điểm này, khi cơ quan điều tra vẫn đang tiến hành xác minh, làm rõ về lời khai của Dương Chí Dũng thì Thượng tướng Phạm Quý Ngọ đã qua đời vào 21 giờ 05 phút tối qua (18/2) tại Bệnh viện Quân đội 108 sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Như vậy, những nghi vấn về vụ án đang tạm thời phải khép lại. Nhưng, đây cũng có thể được coi là dấu lặng buồn trong cuộc đời làm án của Thượng tướng Phạm Quý Ngọ...


Ba Tư

Ý kiến bạn đọc