Lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức

13:42, 07/12/2013
|

(VnMedia)-  Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình tội phạm có tổ chức, do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ triển khai kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức trong tình hình mới.

Quyết định này được công bố hôm qua, 6/12, tại Hội nghị Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức do Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an tổ chức.


Ảnh minh họa

Một băng nhóm tội phạm bị bắt giữ. Ảnh minh họa internet.

Báo cáo kết quả sau 03 năm thực hiện Kế hoạch số 143/KH-BCA-C41 ngày 17/8/2010 của Bộ Công an về đấu tranh với tội phạm có tổ chức gây án nghiêm trọng, tội phạm có yếu tố nước ngoài tại 18 địa phương trọng điểm, cho thấy: Tại một số địa phương, tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức, hoạt động theo kiểu “xã hội đen” dưới các hành vi đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, đâm thuê, chém mướn, cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, tổ chức đánh bạc, bảo kê...Đối tượng cầm đầu các băng nhóm tội phạm có tổ chức thường là bọn lưu manh, côn đồ, có nhiều tiền án, tiền sự, chủ yếu hoạt động núp dưới danh nghĩa chủ các doanh nghiệp. Hoạt động của tội phạm có sự liên kết giữa tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý, các hành vi phạm tội đan xen lẫn nhau, tập trung ở các địa bàn trọng điểm.

Tội phạm có yếu tố nước ngoài tuy không có đột biến lớn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, hoạt động xuyên quốc gia, có sự câu kết trong - ngoài để thực hiện hành vi lừa đảo, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản; tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em gái; tổ chức đưa người khác ra nước ngoài trái phép; lôi kéo người Việt Nam đánh bạc xuyên quốc gia; bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản người Việt Nam đi xuất khẩu lao động; thuê sát thủ về Việt Nam giết người để giải quyết mâu thuẫn cá nhân...
 
Qua 3 năm thực hiện Kế hoạch 143, lực lượng Công an các cấp đã triệt phá 12.579 ổ nhóm, 41.670 đối tượng; trong đó, tại 18 địa bàn trọng điểm thực hiện Kế hoạch 143 đã triệt phá 7.849 ổ nhóm, bắt giữ, xử lý 23.710 đối tượng. Các ổ nhóm bị triệt phá chiếm tỷ lệ cao là trộm cắp chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn. Ngoài ra, lực lượng Công an toàn quốc còn triệt phá 18.756 sới bạc và cá độ bóng đá, xử lý 77.226 đối tượng, thu giữ hơn 142,5 tỷ đồng; bắt 2.199 vụ mại dâm, xử lý 8.454 đối tượng….
 
Tại Hội nghị Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đã biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và thành tích đạt được của lực lượng Cảnh sát hình sự Công an các địa phương, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, mang lại cuộc sống yên bình cho người dân. Đồng thời, Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng yêu cầu, Công an các địa phương cần triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương kiên quyết đấu tranh với tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức, tội phạm có yếu tố nước ngoài.
 
Lực lượng CAND tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, rà soát thống kê danh sách các băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhất là các băng nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” để có giải pháp phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm, nhất là với các nước trong khu vực, đối tác truyền thống và đối tác chiến lược. Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn nhằm thống nhất nhận thức, đánh giá đúng thực trạng về tội phạm có tổ chức và xu hướng phát triển trong thời gian tới; Đề ra các giải pháp, biện pháp công tác, đề xuất xây dựng, bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật, xây dựng lực lượng, trang bị phương tiện nghiệp vụ…đảm bảo công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm có tổ chức có hiệu quả.

Về vấn đề tội phạm tín dụng đen, trước đó, trả lời chất vấn đại biểu quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, ông Trương Hoà Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao cho rằng, hoạt động tín dụng đen là hiện tượng xã hội và nếu là tội phạm thì đây cũng là một thủ đoạn của tội phạm lợi dụng nhu cầu tín dụng của nhân dân để tiến hành các hoạt động tín dụng đen, hoạt động này cũng có thể chưa đến mức vi phạm pháp luật, nhưng cũng có thể đến mức vi phạm pháp luật phải bị xử lý thì việc quản lý hoạt động tín dụng đen này làm sao để thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng hoạt động tín dụng đen mà đưa hoạt động này vào khuôn khổ quản lý của nhà nước thì đó là trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Việc phát hiện có vi phạm pháp luật cũng là trách nhiệm của các ngành chức năng.

"Nếu như có vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý, thường loại hoạt động tín dụng đen này sẽ vi phạm vào các điều luật là: cho vay nặng lãi, theo quy định của pháp luật là trên 10% ép buộc để con nợ phải trả nợ một mức lãi rất cao hoặc tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, tùy mức độ đây có thể là hoạt động bình thường trong nhân dân như một hiện tượng kinh tế - xã hội. Có thể là hoạt động tội phạm đơn lẻ mà cũng có thể là hoạt động tội phạm có tổ chức cho nên vấn đề đặt ra là chính quyền các cấp ngành công an phải có các biện pháp, giải pháp để quản lý, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và nếu có vi phạm thì khởi tố điều tra, truy tố xét xử. Đối với những vụ án trọng điểm ngành tòa án sẽ đưa ra xét xử lưu động để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung", ông Trương Hòa Bình nói.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc