Tại sao không khởi tố bác sỹ Tường tội Giết người?

18:31, 03/11/2013
|

(VnMedia)- 3 ngày sau khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, nhiều bạn đọc vẫn thắc mắc không hiểu vì sao cơ quan điều tra không khởi tố tội giết người. Và liệu việc khởi tố này có dựa trên lời khai của Tường tại cơ quan điều tra?

Ảnh minh họa

Nguyễn Mạnh Tường tại cơ quan điều tra.

Theo quyết định khởi tố bị can đối của cơ quan công an, Nguyễn Mạnh Tường bị khởi tố về tội Vi phạm các quy định định về khám bệnh, chữa bệnh, pha chế thuốc, dịch vụ y tế theo Điều 242 Bộ Luật Hình sự và tội Xâm phạm thi thể, mồ mả theo Điều 246 Bộ Luật Hình sự.

Ngay sau khi quyết định này được công bố, dư luận đã bày tỏ sự băn khoăn, rồi đặt câu hỏi, vì sao Nguyễn Mạnh Tường đã khai tại cơ quan điều tra là nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền chết là do đến thẩm mỹ viện chui của y để nâng ngực, nhưng cơ quan điều tra không khởi tố tội giết người.

Theo độc giả Thanh Nhuận,
thanhnhuan59@gmail.com  ở Hà Nội, theo Từ điển Tiếng Việt trên Wikipedia: "Giết người là hành vi trái pháp luật cố ý hoặc vô ý làm chết người ngoài ý muốn nạn nhân".

Trong trường hợp này, Nguyễn Mạnh Tường hành nghề không phép, tức là trái pháp luật, chưa biết cố ý hay vô ý, song đã làm chết người ngoài ý muốn của nạn nhân; và việc làm chết người này được thực hiện một cách phạm pháp, trái pháp luật. Vậy nên không thể không kết tội Nguyễn Mạnh Tường vào tội "giết người". Mặt khác, hung thủ đã tự nhận tội; hành vi giết người có nhiều người làm chứng. Không thể chỉ vì chưa có vật chứng (thi thể nạn nhân Huyền- PV) mà không quyết định Nguyễn Mạnh Tường vào tội giết người.

Độc giả này cũng nhấn mạnh, nếu không, tại sao các bác sỹ hành nghề hợp pháp trong bệnh viện, trước khi mổ bao giờ cũng yêu cầu người nhà viết "cam đoan"?

"Nếu không khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về tội giết người, lòng dân sẽ hết sức bất an. Theo quy định, Nguyễn Mạnh Tường không được phép mổ ngực cho chị Huyền, nhưng y đã cố ý làm; kết quả là gây nên cái chết cho chị Huyền ngoài ý muốn của chị Huyên. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể khởi tố Tường về tội "cố ý giết người một cách có tổ chức". Đây là còn chưa kể đến tội "phi tang xác nạn nhân một cách man rợ"- đây là một tình tiết tăng nặng, bạn Nhuận nói thêm.

Nêu nghi vấn về việc chưa truy tìm được tung tích của chị Huyền nhưng bạn Nhuận cũng tự lý giải: Không thể đổ tại vì chưa tìm thấy xác mà cơ quan điều tra khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về hai tội danh nói trên. Nếu vật chứng đã bị hung thủ thủ tiêu, thì làm sao còn vật chứng?

Bạn Nguyễn Xuân Trường, địa chỉ email:
maiyeuem_091800@yahoo.com.vn  thì bày tỏ: "Khởi tố bị can Nguyễn Mạnh Tường và bị can Đỗ Quang Khánh về tội theo Điều 242, 246 BLHS dù không hiểu luật nhưng chúng tôi cũng cảm thấy là không thỏa đáng. "Khởi tố thiếu tội cũng là một kiểu để nhận hối lộ", bạn đọc này nói thêm.

Còn độc giả có địa chỉ email:
silence1506@yahoo.com, ở Đông Anh, Hà Nội thì nêu băn khoăn: Các điều khoản mà cơ quan điều tra đã áp cho tội danh của ông Tường chỉ áp dụng cho các cơ sở y tế được phép hoạt động. Còn vấn đề cố phi tang xác nạn nhân phải xử lý theo tòa án lương tâm để làm gương cho những kẻ máu lạnh khác. 
 
Bạn Phạm Hằng, từ địa chỉ email phamhang2310hp@gmail.com chia sẻ, không biết tội danh bị khởi tố của Nguyễn Mạnh Tường đúng sai thế nào nhưng theo tôi cần khởi tố thêm về hành vi giết người phi tang xác bởi Nguyễn Mạnh Tường hành nghề chui không phép gây hậu quả nghiêm trọng gây chết người rồi lại phi tang xác chết để xóa sạch tội lỗi.
 
Bạn Phạm Minh Đạt có địa chỉ email:
datpham@yaho.com  ở Ninh Thuận bày tỏ: Đề nghị nghiêm trị làm gương cho người khác muốn có hành vi vi phạm pháp luật như Nguyễn Mạnh Tường.
 
Bạn Nguyễn Thị Bình Minh có địa chỉ email: nguyenthibinhminh1964@gmail.com  chia sẻ nếu không khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về hành vi giết người, liệu có tăng nhiều bác sỹ hành nghề chui, gây chết người bởi hình phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe... 
 
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc