Một số người cho rằng, gây nuôi động vật hoang dã sẽ góp phần bảo vệ lâu dài nguồn tài nguyên động vật hoang dã, đồng thời đem lại lợi nhuận kinh tế cho người dân. Trái lại, một số khác lại cho rằng gây nuôi động vật hoang dã có thể sẽ khiến một số loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên.
Theo báo cáo của Cục Kiểm lâm, đến nay đã có khoảng 10.000 cơ sở nuôi động vật hoang dã đăng ký với cơ quan chức năng ở cả 63 tỉnh, thành phố với khoảng 3 triệu con thuộc 70 loài đang được nuôi, trong đó có 4 loài chính là trăn, cá sấu, khỉ đuôi dài và rắn các loại. Đồng bằng Sông Cửu Long và Đông Nam Bộ là hai khu vực nuôi động vật hoang dã lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 70%; tiếp theo là đồng bằng Sông Hồng chiếm 20%. Nhìn vào con số trên, nhiều chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã lo ngại, cho rằng Nhà nước không nên cho phép gây nuôi động vật hoang dã nhiều như vậy bởi nếu “mở cửa” cho các hoạt động này thì chắc chắn số lượng các loài động vật hoang dã sẽ dần bị suy giảm trong tự nhiên hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Gs.Ts Lê Vũ Khôi cho biết, việc cấp phép hay khuyến khích nuôi bất cứ một loài hoang dã nào đều có thể làm tăng lượng săn bắt loài đó từ tự nhiên để làm giống. Theo báo cáo của Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS), hiện nay có 4 loài thú đã tuyệt chủng và 12 loài đang nằm trong tình trạng nguy cấp như voi, gấu, hổ, kỳ đà hoa, cầy hương...
Theo Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên Vũ Thị Quyên cho biết, vấn đề săn bắn, buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam đã trở nên nhức nhối trong hơn thập kỷ qua. Mỗi ngày có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cá thể động vật quý hiếm bị săn bắn và buôn bán trái phép, khiến các loài động vật hoang dã đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Thực tế, nếu xem xét các loài đang bị buôn bán hiện nay, chúng ta thấy rằng số lượng các loài động vật hoang dã có thể gây nuôi thành công là rất ít. Ví dụ tê tê khó có thể sống trong điều kiện nuôi nhốt hoặc việc gây nuôi các loài rùa mai cứng, chi phí cao hơn nhiều so với giá trị thực tế của chúng trên thị trường.
Tuy nhiên, một số người ủng hộ các hoạt động gây nuôi lại tin rằng việc gây nuôi sinh sản động vật hoang dã là một trong những biện pháp nhằm bảo tồn nguồn gen, đồng thời giảm áp lực lên việc khai thác, săn bắn động vật hoang dã ngoài tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đại diện chủ nuôi động vật hoang dã tỉnh Quảng Ninh cho biết các loài động vật được ưu tiên gây nuôi là các loài có thể sinh sản và sống sót tốt trong điều kiện nuôi nhốt, có thời gian tăng trưởng hợp lý và có giá trị kinh tế cao. Đơn cử như cá sấu, ba ba trơn, trăn, rắn... có thể được gây nuôi sinh sản với số lượng lớn và thu được lợi nhuận khá cao.
Đại diện WCS cũng cho rằng, về mặt lý thuyết, động vật gây nuôi có thể thay thế cho động vật hoang dã nhưng đòi hòi phải có sự kiểm soát chặt chẽ và nâng cao hiểu biết về những tác động của thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Thực tế cho thấy nhiều trang trại gây nuôi do chạy theo lợi nhuận đã không ngần ngại bổ sung thêm các cá thể động vật hoang dã từ tự nhiên vào số lượng động vật gây nuôi. Hơn nữa, nếu việc gây nuôi thu lãi sẽ khuyến khích những người khác làm theo. Tại đây sẽ hình thành ngành công nghiệp gây nuôi động vật hoang dã và kết quả là số lượng quần thể động vật hoang dã trong tự nhiên càng bị gây áp lực lớn.
Kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, chăn nuôi động vật hoang dã đã trở thành ngành sản xuất hàng hóa thật sự, mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, việc nhân nuôi các loài động vật hoang dã tại nước ta đến nay còn mang tính tự phát, chưa thực hiện đúng hướng dẫn, hình thức nuôi nhốt chưa phù hợp và không đáp ứng yêu cầu an toàn dịch bệnh, chuồng trại. Vì vậy, các cơ quan quản lý nên hướng dẫn quy trình cụ thể, quy định các danh mục được phép gây nuôi, kinh doanh và góp phần vào mục tiêu bảo tồn.
Nhiề ý kiến cũng đồng tình rằng, việc gây nuôi động vật hoang dã chỉ có thể phát triển một cách hợp lý và bền vững nếu có những biện pháp điều hành chặt chẽ và ngăn chặn người dân tham gia vào các hoạt động trái với pháp luật. Những biện pháp này cần bao gồm quy định buộc người chủ trang trại phải đưa ra bằng chứng xác đáng chứng tỏ con vật của họ là hợp pháp, cũng như quy định cho phép các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, bao gồm cả phạt hành chính hay khởi tố hình sự khi có vi phạm.
Ý kiến bạn đọc