(VnMedia)- Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông tại các ngã ba, ngã tư mà ở đây cụ thể là hiệu lệnh điều khiển của người Cảnh sát giao thông thì không phải ai cũng biết. Vấn đề này cần được hiểu ra sao?
Ảnh minh họa |
Hàng ngày đi lại trên đường đều phải chấp hành quy tắc giao thông đường bộ, nhất là khi đi đến ngã ba, ngã tư phải chấp hành theo sự chỉ dẫn của hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, vạch sơn… hoặc hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Ý nghĩa, tác dụng của hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, vạch sơn… rất dễ hiểu và đã được quy định cụ thể trong Luật Giao thông đường bộ và điều lệ báo hiệu đường bộ Việt Nam. Nhưng hiệu lệnh của người điều khiển giao thông tại các ngã ba, ngã tư mà ở đây cụ thể là hiệu lệnh điều khiển của người Cảnh sát giao thông thì không phải ai cũng biết.
Vậy cần hiểu ra sao?
Hiệu lệnh điều khiển giao thông của Cảnh sát giao thông được thể hiện bằng 9 động tác chỉ huy điều khiển giao thông kết hợp với âm hiệu còi. Mỗi động tác đều có hiệu lực khác nhau:
- Động tác báo hiệu cấm đường:
Tay phải cầm gậy giơ thẳng lên trước đỉnh đầu, gậy thẳng đứng tay trái buông thẳng theo đường chỉ quần, kết hợp một tiếng còi dài, mạnh. Có hiệu lực: Cấm đi đối với người tham gia giao thông ở tất cả các chiều đường; Truờng hợp người tham gia giao thông còn đang đi trong phạm vi nút giao thông thì cho phép nhanh chóng đi khỏi nút giao thông; ở những nút giao thông có quy định chỗ dừng cho người tham gia giao thông thì phải dừng lại đúng quy định.
- Động tác báo hiệu mở đường:
Hai tay giang ngang bằng vai, tay phải cầm gậy thẳng với cánh tay, kết hợp một tiếng còi ngắn. Có hiệu lực: cho người tham gia giao thông ở bên phải và bên trái của người Cảnh sát giao thông được đi. Người tham gia giao thông từ phía trước và phía sau người Cảnh sát giao thông phải dừng lại.
- Động tác báo hiệu cho bên phải đi nhanh hơn:
Hai tay giang ngang bằng vai; cánh tay phải gập đi gập lại 3 lần về phía trước ngực, kết hợp 3 tiếng còi ngắn, mắt hướng về bên phải.
- Động tác báo hiệu cho bên trái đi nhanh hơn:
Hai tay giang ngang bằng vai; cánh tay trái tay gập đi gập lại 3 lần về phía sau gáy, kết hợp 3 tiếng còi ngắn, mắt hướng về bên trái.
- Động tác báo hiệu cho bên phải đi chậm lại:
Hai tay giang ngang bằng vai; tay phải cầm gậy kéo về ngang thắt lưng, gậy buông thẳng theo đường chỉ quần, lòng bàn tay phải úp xuống, đưa lên đưa xuống 3 lần, kết hợp 2 tiếng còi ngắn, mắt hướng về bên phải.
- Động tác báo hiệu cho bên trái đi chậm lại:
Hai tay giang ngang bằng vai; tay trái kéo về ngang thắt lưng, lòng bàn tay trái úp xuống, đưa lên đưa xuống 3 lần, kết hợp 2 tiếng còi ngắn, mắt hướng về bên trái.
- Động tác báo hiệu cho bên phải dừng lại:
Hai tay giang ngang bằng vai; bàn tay phải cầm gậy theo hướng thẳng đứng, vuông góc với cánh tay, kết hợp 1 tiếng còi dài mạnh, mắt nhìn về phía bên phải.
- Động tác báo hiệu cho bên trái dừng lại:
Hai tay giang ngang bằng vai; bàn tay trái cầm gậy theo hướng thẳng đứng, vuông góc với cánh tay, kết hợp 1 tiếng còi dài mạnh, mắt nhìn về phía bên trái.
- Động tác báo hiệu cho phương tiện rẽ trái qua mặt:
Tay trái giang ngang; tay phải cầm gậy hướng về phía trước ngang vai, lòng bàn tay úp xuống. Với tư thế này, người tham gia giao thông từ phía bên phải và phía sau của người Cảnh sát giao thông phải dừng lại; phía trước, người tham gia giao thông được phép rẽ phải; phía bên trái, người tham gia giao thông được phép đi tất cả các hướng. Tay trái từ giang ngang đưa về phía trước mặt, mắt nhìn về bên trái, kết hợp một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn báo hiệu người tham gia giao thông được phép rẽ trái trước mặt người Cảnh sát giao thông.
Trúc Dân
Ý kiến bạn đọc