Tàn nhẫn thủ đoạn siết nợ kiểu "xã hội đen"

06:32, 03/06/2013
|

(VnMedia)- Để đòi được nợ, siết nợ trong các vụ "tín dụng đen" các đối tượng không từ một thủ đoạn nào từ đánh đập, bắt cóc, đe dọa, tống tiền thậm chí là giết người. Tiền chưa thấy đâu, nhưng nhiều kẻ trong số đó đã phải nhận hình phạt thích đáng của pháp luật.

Đi tù vì đánh con nợ hộc máu mồm, cưỡng đoạt tài sản của con nợ

Theo cáo trạng vụ án, vào khoảng tháng 5/2011, anh Phạm Quang Thanh (32 tuổi, ở thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), làm nghề buôn bán xe máy có vay của vợ chồng Vũ Văn Hà (37 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) 130 triệu đồng, Nguyễn Quang Vinh (24 tuổi) 70 triệu đồng, Nguyễn Văn Thắng 100 triệu đồng. Toàn bộ số tiền vay này anh Thanh chưa trả được.

 Ảnh minh họa

 Bị cáo Đào Đức Dương trước vành móng ngựa


Tối ngày 19/3/2012, anh Thanh từ nhà về Hà Nội gặp chị Phạm Thị Hưng (51 tuổi) để đòi nợ 70 triệu đồng. Sau đó, Thanh chủ động gọi cho Vinh, hẹn gặp để nói chuyện tại đường Phạm Văn Đồng. Vinh lập tức báo cho những chủ nợ khác về việc Thanh đang có mặt ở Hà Nội.

Nhóm này còn gọi cho thêm một số đối tượng khác đến để “xử lý” anh Thanh. Tại điểm hẹn, cả bọn đưa Thanh đi gặp chị Hưng để đòi tiền. Khi gặp chị Hưng, chúng đánh Thanh để ép chị Hưng bán xe máy giá 10 triệu đồng gán nợ. Sau đó, chúng ép đưa Thanh vào nhà nghỉ trên ở quận Cầu Giấy.

Để có thêm lực lượng, Nguyễn Quang Vinh điện cho đàn em là Đào Đức Dương đến hỗ trợ. Dương cùng một số tên nữa đã đánh, đấm khiến nạn nhân chảy máu mồm, ngất xỉu. Những người này bắt Thanh thuê xe ô tô tự lái đi cầm cố lấy tiền trả nhưng anh không đồng ý.

Đến tối 22/3, anh Thanh bị ép lên taxi, đưa về quê để lo tiền trả. Thấy con trai bị đánh thâm tím mặt mày, bố mẹ Thanh đã hô hoán khiến nhóm chủ nợ phải bỏ chạy.

Trong phiên xét xử ngày 31/5 tại TAND TP Hà Nội, Dương đã bị tuyên phạt 15 tháng tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Trước đó, vào ngày 10/1, TAND Hà Nội đã mở phiên xử, tuyên án với nhóm chủ nợ tham gia bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản với mức phạt từ 8 tháng đến 57 tháng tù giam. Đào Đức Dương bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã.

Ngồi tù chung thân vì... giết chủ nợ

Ngày 29/5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử Hà Cao Kỳ (sinh năm 1985, ở thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) về tội “Giết người”.

Theo cáo trạng vụ án, vào tháng 11/2011, Hà Cao Kỳ có vay của anh Nguyễn Hữu Được (sinh năm 1985, là người cùng thôn)  20 triệu đồng. Anh Được đã nhiều lần đòi nhưng Kỳ chưa trả được khoản vay này.

Tối 25/2/2013, anh Được tiếp tục gọi điện đòi tiền thì Kỳ nói không có tiền để trả. Anh Được bực tức văng bậy trong điện thoại. Đến 21h20 cùng ngày, anh Được nhắn tin hỏi Kỳ đang ở đâu thì anh này cho biết đang chơi ở sân chơi của xóm Chùa, Triều Khúc.

 Ảnh minh họa

 Hà Cao Kỳ tại phiên xử


Sau khi trả lời tin nhắn cho anh Được, lo sợ sẽ bị chủ nợ đánh nên Kỳ đã về nhà lấy một con dao giấu vào cạp quần rồi trở ra xóm Chùa ngồi đợi. 15 phút sau, Kỳ thấy anh Được đi xe máy cùng với một người bạn đến.

Tại đây, Kỳ bị anh Được túm cổ áo, lôi vào giữa sân, túm tóc, dìm đầu xuống đòi nợ. Trong lúc chống đỡ, Kỳ đã rút con dao đâm liên tiếp vào người anh Được, trong đó có nhát trúng ngực và tay nạn nhân. Anh Được bỏ chạy một đoạn thì gục xuống đường và tử vong ngay sau đó.

Gây án xong, Kỳ sợ hãi trở về nhà trốn, cất giấu con dao vừa gây án. Chỉ khoảng một giờ sau đó, hung thủ bị bắt giữ.

Tại phiên xét xử, bố của anh Được yêu cầu bị cáo bồi thường hơn 1,8 tỷ đồng cùng 20 triệu tiền vay. Trước phiên toà, gia đình bị cáo đã khắc phục được số tiền 20 triệu đồng.

Do anh Được có hai con, bé trai thứ hai gần được một tuổi nên HĐXX buộc Kỳ phải có trách nhiệm nuôi hai con của nạn nhân đến năm 18 tuổi, ngoài các khoản bồi thường khác theo luật định, mức án đưa ra đối với bị cáo là chung thân về tội “Giết người”.

Cũng liên quan đến việc chủ nợ giết chết con nợ, ngày 21/5, TAND thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Huỳnh Văn Tỵ (sinh năm 1977) 20 năm tù và Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 1997) 11 năm tù cùng về tội “giết người”.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 6/2011, anh Trần Nguyễn Anh Tài và mẹ ruột là bà Trần Thị Phương Thi có vay của Tỵ 2 triệu đồng, mỗi ngày phải trả lãi 40.000 đồng.

Ngày 13/11/2011, do không gặp được Tỵ nên anh Tài nhờ người chuyển tiền giúp. Khoảng 22h cùng ngày, Tỵ đến quán hủ tiếu của bà Thi để đòi tiền lãi. Bà Thi nói đã đưa tiền lãi nhưng Tỵ không tin. Hai bên xảy ra cự cãi, Tỵ dùng tay đập vỡ tủ kính xe hủ tiếu khiến bà Thi bị thương.

Sau đó, Tỵ rủ Nhật và một số người khác cùng tham gia đánh anh Tài để thỏa cơn giận. Khi đến nơi, Tỵ và Nhật đi vào trong dùng dao đâm anh Tài trọng thương khiến và anh chết ngay sau đó.

Giết người vì không đòi được 5,8 triệu tiền chơi họ

Để đòi nốt số tiền chơi họ, ông Lý đã bảo vợ đến nhà anh Ảnh trước, còn mình cầm dao bầu đi sau. Trong lúc tức tối vì cho rằng bị “cướp tiền”, ông đã dùng dao đâm chết bố đẻ của “chủ họ”.

Ông Lý khai  một phần động cơ gây án do phía bị hại xúc phạm trước.
Ông Lý khai một phần động cơ gây án do phía bị hại xúc phạm trước.

Ngày 16/5, TAND TP Hà Nội xét xử bị cáo Hoàng Văn Lý (sinh năm 1959, ở xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng) với tội danh “Giết người”. 

Theo cáo trạng, ông Lý có góp tiền tham gia chơi họ do anh Trần Văn Ảnh (sinh năm 1980, ở cùng xã) cầm cái. Đến tháng 4/2012, đến hạn được lấy tiền là 10,8 triệu đồng, anh Ảnh đưa cho ông Lý 4 triệu, xin 1 triệu nên số tiền còn nợ lại là 5,8 triệu. 

Ông Lý đã nhiều lần đòi số tiền này nhưng Ảnh khất chưa trả nên giữa hai người xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Tối 7/10/2012, ông Lý bảo vợ mình là bà Tân đến nhà Ảnh đòi tiền trước, còn mình cầm dao bầu đi sau.

Khi tới cổng nhà Ảnh, thấy vợ mình đang to tiếng bên trong, ông Lý bức xúc cho rằng mình bị “cướp tiền” . Thấy vậy, ông Trần Văn Mừng (sinh năm 1953, là bố anh Ảnh) đứng ngoài sân có thách thức nên ông Lý tức tối, lao vào đâm trúng ngực ông Mừng khiến nạn nhân tử vong. Ngay trong đêm, ông Lý đã ra cơ quan CA đầu thú..

Tại phiên xét xử, ông Lý khai do hoàn cảnh gia đình khó khăn. Vợ chồng ông đi gánh gạch thuê kiếm tiền nuôi 5 người con cùng một mẹ già. Khoản nợ 5,8 triệu đồng trên không hề nhỏ. Vợ chồng ông phải ráo riết đòi để chi tiêu và khám chữa bệnh. Trước phiên xét xử, phía gia đình bị hại yêu cầu bồi thường 132 triệu đồng. Gánh nặng này cũng thực sự là quá sức khi dồn lên vai bà Tân. 

Kết thúc phiên xét xử, Toà đã tuyên phạt bị cáo án tù chung thân.

======================

Tín dụng đen và các loại tội phạm liên quan đến nó đang là vấn đề nóng được lực lượng công an tập trung điều tra làm rõ. Đây cũng là loại hình tội phạm phức tạp, có khó khăn trong việc ngăn ngừa, điều tra. Bởi lẽ, các vụ vay nợ tín dụng đen đều là thỏa thuận dân sự, không có hợp đồng, cơ quan chức năng chỉ phát hiện ra khi để đòi nợ các đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là dù thỏa thuận vay mượn là dân sự nhưng khi các đối tượng có những hành vi trái pháp luật để đòi nợ, siết nợ thì tính chất của vụ việc đã khác. Khi đòi nợ, các đối tượng không từ một thủ đoạn nào từ đánh đập, bắt cóc, đe dọa, tống tiền thậm chí là giết người. Đổi lại, tiền chưa thấy đâu, nhưng nhiều kẻ trong số đó đã phải nhận hình phạt thích đáng của pháp luật...


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc