Bộ trưởng Bộ Công an tiết lộ việc phá án tham nhũng

06:46, 26/06/2013
|

(VnMedia)- Trong những ngày diễn ra chất vấn đại biểu tại nghị trường Quốc hội, có lẽ ấn tượng nhất là việc tư lệnh ngành công an "kể khổ" trong việc phá án tham nhũng.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Mặc dù không có tên trong danh sách các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn trong kỳ họp này, nhưng Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã có bài phát biểu "nói cho rõ" lý do vì sao tiến độ điều tra của các vụ án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài.

Bộ trưởng Trần Đại Quang bắt đầu bài phát biểu của mình bằng việc nhắc lại khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 (cuối năm 2012- PV) tôi cũng đã báo cáo rất cụ thể những khó khăn trong việc điều tra xử lý các vụ án kinh tế, đặc biệt là vụ án tham nhũng. Đối tượng của các vụ án này là những người có chức vụ, quyền hạn, cũng có dùng thủ đoạn che giấu tội phạm, xóa dấu vết, xóa chứng cứ và các vụ án kinh tế, vụ án tham nhũng thông thường phát hiện cũng chậm, sau khi tội phạm xảy ra nhiều năm, cho nên gây khó khăn cho việc thu thập tài liệu chứng cứ.

Vấn đề thứ hai là pháp luật quy định thời hạn điều tra vụ án, nhưng không quy định thời hạn giám định, dẫn đến nhiều vụ án hết thời gian điều tra, nhưng chưa có kết quả giám định, vì thế cũng chưa thể kết thúc vụ án được. Việc giám định các tài liệu như kế toán, kiểm toán, giám định các lĩnh vực chuyên ngành như xây dựng, tài chính v.v... thường kéo dài và phải chi phí một khoản kinh phí cũng khá lớn. Một số cơ quan trưng cầu giám định cũng có biểu hiện né tránh thực hiện việc giám định của các vụ án này.

Vấn đề thứ ba là việc điều tra các vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài thì cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi vì chúng ta chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trên thế giới. Cho nên vấn đề này cũng thường kéo dài.

Liên quan đến vấn đề lập pháp, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, trong quy định của Bộ luật Hình sự, ở Chương XXI có 7 tội danh về tham nhũng, nhưng trong đó có rất nhiều vấn đề cần phải cụ thể hóa, ví dụ thế nào là ít nghiêm trọng, thế nào là nghiêm trọng, thế nào là rất nghiêm trọng, thế nào là đặc biệt nghiêm trọng thì vấn đề này cũng là khó khăn trong việc vận dụng để thống nhất đánh giá tài liệu chứng cứ và tiến hành xác định các tội danh để đưa ra truy tố, xét xử. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, có nhiều vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế, nhưng cơ quan điều tra ở Bộ Công an điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao giám sát và sau khi quyết định đưa ra truy tố theo quy định thì phải biết được vụ án và mức tù thấp thì chuyển cho Tòa án cấp dưới để xét xử quy định sau khi chuyển hồ sơ xuống Tòa án cấp dưới và Viện kiểm sát cấp dưới thì trong vòng 1 tháng phải đưa ra xét xử. Chính vì thế, kiểm sát viên của các Viện kiểm sát cấp dưới cũng như thẩm phán của các Tòa án cấp dưới trong 1 tháng tiếp cận hồ sơ vụ án và cũng chưa kỹ, nghiên cứu chưa, sâu dẫn đến khi đưa ra xét xử đối tượng là phản cung, tranh tụng, tranh luận cũng gặp người khó khăn, dẫn đến vụ án có khi phải trả lại điều tra tiếp hoặc phải để thời gian kéo dài.

Để khắc phục tình trạng này chúng tôi đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát và Tòa án tăng cường các biện pháp để làm sao thúc đẩy nhanh tiến độ điều tra đang xét xử các vụ án này.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, trong khi chờ Quốc hội sửa đổi Bộ luật Hình sự chúng tôi đã chủ động phối hợp với Viện kiểm sát, với Toà án có hướng dẫn thi hành những điều luật trong quy định Bộ luật Hình sự để xác định rõ thế nào ít nghiêm trọng, thế nào là nghiêm trọng, thế nào là đặc biệt nghiêm trọng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng để vận dụng pháp luật để điều tra xét xử.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc