Biến tướng hành vi chống người thi hành công vụ

07:02, 10/02/2013
|

(VnMedia)- Dù lực lượng cảnh sát làm việc nghiêm túc tối đa, đứng tại chỗ sáng để tác nghiệp nhưng các đối tượng hung hãn vẫn có những hành vi chống đối. Đáng nói, hành vi này đang ngày càng biến tướng...

Đâm, chém công an

Hồi 0 giờ 10 ngày 2/2/2013, tại quán ăn đêm của bà Chu Thị Phương ở khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn sau khi uống rượu xảy ra mâu thuẫn và đánh nhau giữa hai nhóm thanh niên.
Thượng úy Nông Khắc Mẫn là cán bộ phòng PA61 Công an tỉnh đang làm nhiệm vụ tại khu vực đã vào can ngăn thì bất ngờ bị một tên trong nhóm dùng dao chém hai nhát làm anh mẫn Mẫn hy sinh tại chỗ.

Ngày 13/12/2012, Công an thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đã bắt giam Trần Thanh Huy (ngụ tỉnh Phú Yên) và 9 nghi can để điều tra hành vi Chống người thi hành công vụ.

Trước đó, rạng sáng 7/12, 6 cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an Bình Định tuần tra đến ngã tư Lê Lợi - Hai Bà Trưng (TP Quy Nhơn) phát hiện Huy và nhóm bạn đi trên 4 xe máy đang đọ tay lái, nẹt pô gây náo loạn cả góc phố.

 Ảnh minh họa

 Bị cáo Bùi Quang Chung tại phiên tòa. Ảnh: Internet.


Bị ngăn chặn, Huy tông xe vào một cảnh sát. Anh này tránh kịp khiến Huy mất đà ngã xuống đường và bị tạm giữ. Nhóm bạn của Huy kéo nhau quay lại nẹt pô xe khiêu khích, dùng đá tấn công lực lượng chức năng để giải cứu đồng bọn khiến một cảnh sát bị thương nặng, 2 người bị trầy xước.

Trước đó, ngày 7/12, TAND TP HCM xử phúc thẩm đã giữ nguyên mức hình phạt 3 năm tù đối với Bùi Quang Chung (31 tuổi, quê Thái Nguyên) về các tội Cố ý gây thương tích và Chống người thi hành công vụ.

Bản án sơ thẩm xác định, khoảng tháng 4/2011, Chung làm phụ hồ tại một cao ốc trên đường Lê Đại Thành (quận 11) thì bị nhóm thanh niên làm cùng đánh gây thương tích. Quá trình điều tra vụ việc, Công an quận không xác định được hung thủ nên vụ án được tạm đình chỉ.

Cho rằng công an bao che nhóm thanh niên gây thương tích cho mình, Chung nảy sinh ý định trả thù. Đầu tháng 12/2011, thanh niên này mang theo 2 con dao đi tìm cán bộ công an phường 15, quận 11 (nơi thụ lý vụ việc) để chém.

Đến một quán cà phê trên đường Lý Thường Kiệt, Chung thấy ông Phúc (cảnh sát quận Tân Bình) mặc sắc phục, nghĩ ông này là cán bộ công an phường nên lao vào chém, gây thương tật 14%. Sau đó, Chung rút dao cố thủ tại chỗ.

Khi công an phường đến vận động ra đầu hàng, Chung tiếp tục lao vào chém và làm một cán bộ bị thương.

Khoảng 23h ngày 3/11/2012, sau khi uống 3 két bia, Mai Văn Thành (21 tuổi, trú tỉnh Quảng Bình) và Lê Quốc Khánh (26 tuổi, trú phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) cùng 4 thanh niên trong bàn nhậu đến quán karaoke tại tổ 22, phường An Hải Tây. Bị chủ quán từ chối phục vụ do quá giờ hoạt động theo quy định. Khánh chửi bới thô tục rồi chạy lên tầng 2 đuổi hết khách ra ngoài. Chưa dừng lại, thanh niên này xuống tầng trệt đập phá đồ đạc, tát chủ quán.

Lực lượng tuần tra phường xuống làm việc, Khánh chửi bới, giật công cụ hỗ trợ (gậy) của dân phòng Nguyễn Văn Cơ (46 tuổi), tát ông này. Khi ông Cơ ngã xuống đất và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cả nhóm bỏ chạy.

Ngay sau đó, Thành nhờ người bạn tên Phong chở xe máy quay lại quán. Thấy Phong bị thiếu úy Nguyễn Hữu Hùng (công an phường An Hải Tây) khống chế, Thành hô to "đánh lại công an luôn", rồi lao vào hành hung. Thành bị bắt luôn trong đêm.

Sáng 5/11, công an phường mời Khánh lên trụ sở làm việc nhưng thanh niên này không hợp tác. Khi công an đến quán cà phê nơi Khánh đang ngồi, anh ta xô cán bộ làm nhiệm vụ, giật bảng tên của thiếu úy Trần Phước Đông. Tổ công tác phải rượt đuổi mới áp giải người này về trụ sở.

Chống người thi hành công vụ: Một trong những loại tội phạm diễn biến phức tạp

Trên đây chỉ là một trong rất ít vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian gần đây. Trong bài viết mới nhất về phòng ngừa, chủ động tấn công tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong năm 2012, lực lượng Công an nhân dân đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống tội phạm; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh phòng, chống tội phạm; mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, qua đó đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm cướp, cướp giật, tội phạm ma túy... góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ở nước ta hiện nay vẫn diễn biến phức tạp. Cơ cấu thành phần tội phạm có những thay đổi, đối tượng phạm tội là người lao động, nhất là số không có việc làm, số người phạm tội là người chưa thành niên chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Hoạt động của tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê, trộm cướp, có sử dụng “vũ khí nóng”; tội phạm sử dụng công nghệ cao, trộm cắp tiền trong tài khoản, sử dụng thẻ tín dụng giả; trộm cắp cước viễn thông, đánh bạc, cá độ qua Internet; tội phạm chống người thi hành công vụ, chủ yếu chống lại lực lượng Cảnh sát đang thi hành công vụ; tội phạm giết người do mẫu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tranh chấp tài sản, đất đai, mâu thuẫn trong sinh hoạt, do nợ nần kinh tế gia tăng...

Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh, để chủ động phòng ngừa tội phạm, phải quán triệt tư tưởng tích cực tấn công, tấn công liên tục tội phạm. Tấn công và tấn công liên tục tội phạm là yêu cầu khách quan của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và phải được thể hiện trong các chủ trương, biện pháp công tác công an, trong việc phát động mạnh mẽ khí thế trấn áp tội phạm của nhân dân, phát huy hiệu lực của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm; tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia; tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các băng, nhóm lưu manh, côn đồ hoạt động bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, đâm thuê, chém mướn; tội phạm là người nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, chống người thi hành công vụ, tội phạm sử dụng “vũ khí nóng”, vật liệu nổ gây án, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản. Tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, vốn, tài sản của Nhà nước. Phối hợp với các cơ quan tư pháp đưa ra xét xử công khai một số vụ lớn để răn đe chung. Phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc