5 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam

09:09, 12/07/2016
|

(VnMedia)- Mới đây, Tổng Cục Du lịch Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công bố 5 điểm tham quan du lịch hàng đầu tại Việt Nam. Điều đặc biệt là, các điểm được du khách ghé thăm đông đảo đều là các bảo tàng. Duy nhất trong số 5 điểm thăm quan này là một công viên.

Có gì đặc biệt tại những điểm tham quan này?

1. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, thành phố Hà Nội

Nằm ở trung tâm thủ đô Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ khoảng hơn 500m, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam toạ lạc trên phố Lý Thuờng Kiệt, đây là con phố đẹp, cổ kính bậc nhất Hà Nội, nơi có nhiều toà nhà kiến trúc kiểu Pháp cổ, những đại sứ quán, nhiều cơ quan, khách sạn lớn.

ư
Hình ảnh bà Nguyễn Thị Định vá áo cho chiến sỹ được trưng bày tại bảo tàng.


Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được thành lập năm 1987, trực thuộc Hội LHPN Việt Nam. Là một bảo tàng Giới với chức năng nghiên cứu, lưu giữ bảo quản, trưng bày những di sản vật thể, phi vật thể về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam; đồng thời là trung tâm giao lưu văn hóa của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế vì mục tiêu Bình đẳng, Phát triển và Hoà Bình.

Bức ảnh Ngày hội ngộ tại Bảo tàng.
Bức ảnh Ngày hội ngộ tại Bảo tàng.


Từ khi khánh thành năm 1995, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã trưng bày thành công rất nhiều triển lãm phục vụ hàng trăm nghìn khách trong nước và quốc tế mỗi năm. Bảo tàng cũng đã phát triển một bộ sưu tập hơn 25.000 tài liệu hiện vật liên quan đến phụ nữ Việt Nam.

Màn cưới
Màn cưới của người Thái Đen, Sơn La, một hiện vật được trưng bày tại bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Năm 2012, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vinh dự được nhận bằng chứng nhận “Một trong những điểm du lịch đáng đến nhất Hà Nội năm 2012” do khách hàng TripAdvisor - website du lịch uy tín và lớn nhất thế giới bầu chọn. Năm 2013, TripAdvisor tiếp tục bầu chọn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vào top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Với thông điệp “Chuyến tham quan đáng giá - những câu chuyện xúc động” là những gì mà TripAdvisor muốn chuyển đến độc giả khi miêu tả về Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

 
Tới Hà Nội, nếu bạn muốn chọn phương tiện công cộng để ghé thăm điểm tham quan hàng đầu này, bạn có thể cho các tuyến xe buýt để di chuyển.
 
Cụ thể:
 
Xe buýt số 08: Long Biên (Khoang 1) - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Nguyễn Hữu Huân - Ngô Quyền - Lý Thường Kiệt - Bà Triệu - Lê Đại Hành - Cao Đạt - Bạch Mai - Đại La - Giải Phóng - Giáp Bát - Quốc lộ I - Ngũ Hiệp - Đông Mỹ.
 
Xe buýt số 31: Bách Khoa - Trần Đại Nghĩa - Lê Thanh Nghị -Tạ Quang Bửu - Đại Cồ Việt - Phố Huế - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Trần Nguyên Hãn - Hàng Vôi - Hàng Tre - Hàng Muối - Trần Nhật Duật - Long Biên - Yên Phụ - Nghi Tàm - Âu Cơ - Nhật Tân - Phú Thượng - Chèm (Đại Học Mỏ).
 
Xe buýt số 36: Long Biên (Khoang 3) - Hàng Than - Hàng Cót - Hàng Lược - Chả Cá - Hàng Cân - Lương Văn Can - Lê Thái Tổ -Bà Triệu - Hai Bà Trưng - Lê Thánh Tông - Tăng Bạt Hổ - Yecxanh - Lò Đúc - Kim Ngưu - Minh Khai - Trương Định - Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Duy Trinh - KĐT Linh Đàm.

Xe buýt số 49: Trần Khánh Dư - Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông - Lý Thường Kiệt - Lê Duẩn - Khâm Thiên - La Thành - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ - KĐT Mỹ Đình.

2. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, thành phố Hà Nội

Vé vào cửa là 40.000 đồng/người/lượt. Tuy nhiên, bảo tàng có chính sách giảm giá vé cho một số đối tượng. Cụ thể: Sinh viên: 15.000 đồng/người/lượt; Học sinh: 10.000 đồng/người/lượt; Các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa (Người cao tuổi; Người khuyết tật nặng...): 50%; Người dân tộc thiểu số: 50%

Có một số trường hợp được miễn vé vào bảo tàng như: Trẻ em dưới 6 tuổi; Người khuyết tật nặng đặc biệt; Thẻ ICOM; Thẻ Người bạn Bảo tàng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; Thẻ nhà báo; Nhà tài trợ.

Nếu bạn muốn có thuyết minh khi đến thăm bảo tàng, mức giá gồm: Thuyết minh trong nhà tiếng Việt: 50.000 đồng; Thuyết minh ngoài trời tiếng Việt: 50.000 đồng; Thuyết minh toàn bộ bảo tàng tiếng Việt: 100.000 đồng; Thuyết minh trong nhà tiếng Anh/Pháp: 100.000 đồng.

3.  Hoàng Cung Huế (Đại Nội), tỉnh Thừa Thiên Huế

Ðại Nội bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, ngày nay thuộc địa phận Phường Thuận Thành, thành phố Huế.

Sau khi hoà bình lập lại, Đại Nội đã được mở cửa cho công chúng và trở thành một điểm sáng bậc nhất, hấp dấn hàng triệu khách du lịch trong ngoài nước. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, thuộc Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đang chịu trách nhiệm quản lý di tích này. 

Ðại Nội với kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hào độc đáo đã được khởi công xây dựng vào khoảng hơn hai thế kỷ trước. Hoàng gia nhà Nguyễn bắt đầu bởi vua Gia Long qua 13 đời vua đã sinh hoạt tại Ðại Nội liên tục cho đến khi triều đại kết thúc sau tuyên bố thoái vị của vua Bảo Đại trong cuộc Cách mạng tháng 08 năm 1945.

Hoàng Thành có 4 cửa được bố trí ở 4 mặt. Cửa chính (phía Nam) là Ngọ Môn, phía Đông có cửa Hiển Nhơn, phía Tây có cửa Chương Đức, phía Bắc có cửa Hòa Bình. Các cầu và hồ được đào chung quanh phía ngoài thành đều có tên là Kim Thủy.

Mặt bằng Ðại Nội xây dựng theo hình gần vuông, mỗi cạnh khoảng 600m, trên một diện tích rộng tới 37,5 ha. Tường thành xây bằng gạch to, cao 4m, dày 1m, ngoài thành là hào vây quanh với 10 chiếc cầu đá bắc qua để ra vào. Trong Ðại Nội có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp ở nhiều khu vực khác nhau với các chức năng khác nhau.

4.  Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh hiện lưu giữ các hình ảnh tư liệu: Ảnh tư liệu giai đoạn đầu cách mạng; Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay; Di tích ở Thành phố Hồ Chí Minh; Đình chùa ở Thành phố Hồ Chí Minh; Gia Định xưa; Nam kỳ lục tỉnh xưa; Cầu đường Sài Gòn xưa; Chợ Lớn xưa; Đám cưới Nam Bộ; Chung cư- Cao ốc.

Vé vào cửa: Học sinh: Miễn vé; Sinh viên, nhân dân: 5.000 đồng/lượt; Đối tượng khác: 15.000 đồng/lượt.

Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng có một số dịch vụ khác: Chụp ảnh đám cuới 400.000 đồng/đôi cô dâu chú rể (miễn vé 5 người đầu kể cả thợ chụp ảnh và trang điểm từ người thứ 6 trở lên sẽ mua vé); Nhà triển lãm ( 92 Lê Thánh Tôn ): Diện tích 250m2 phục vụ các hoạt động chính trị, triển lãm giao lưu văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước .

5. Thảo Cầm Viên Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh

Thảo Cầm Viên là nơi bảo tồn động thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Thảo cầm viên đươc nhà thực vật học Jean Baptiste Louis Piere xây dựng. Sau hơn 150 năm tồn tại và phát triển, Thảo Cầm Viên đã trở thành một vườn thú lớn với 590 đầu thú thuộc 125 loài, thực vật có 1.800 cây gỗ thuộc 260 loài, 23 loài lan, 33 loài xương rồng, 34 loại bonsai… và vẫn đang được bổ sung thêm.

Vì được xây dựng từ lâu đời, nên trong Thảo Cầm Viên có những cây hàng trăm năm tuổi, tỏa bóng mát, khắp công viên. Ở chốn thị thành, nhưng không khí ở đây rất trong lành với tiếng thú, tiếng chim muông cùng vô vàn cây xanh, hoa đẹp… Hơn thế nữa, Thảo Cầm Viên còn có vai trò giáo dục, bảo tồn và nghiên cứu…


Ý kiến bạn đọc