Tây Bắc có gì để hấp dẫn du khách?

10:03, 19/04/2016
|

(VnMedia)- Theo công bố mới đây, các tỉnh Tây Bắc sẽ là "chủ nhà" của Năm Du lịch Quốc gia 2017. Những công bố ban đầu cũng cho thấy, chủ nhà sẽ cung cấp các sản phẩm du lịch đặc sắc để hấp dẫn du khách. Đó là gì vậy?

Những sản phẩm hấp dẫn chờ đón du khách

Chiều 14/4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2016, đại diện các tỉnh Tây Bắc đã giới thiệu những chương trình, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và sản phẩm du lịch đặc sắc sẽ được tổ chức trong Năm Du lịch quốc gia 2017.

Tại buổi giới thiệu, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng, vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, sự độc đáo đa sắc màu văn hóa và sự hào hùng, linh thiêng của lịch sử tạo cho Tây Bắc sự giàu có, đa dạng và hấp dẫn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, cùng với vị trí thông thương qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung và Việt - Lào trở thành lợi thế và điều kiện tốt để có thể đầu tư phát triển du lịch. 

Ông Hà Văn Thắng cũng cho biết Tây Bắc dự kiến đưa vào đầu tư, khai thác 8 dòng sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng nổi bật của 8 tỉnh trong khu vực phục vụ Năm Du lịch quốc gia 2017.

1. Du lịch cộng đồng Tây Bắc

 Xây dựng và đưa vào khai thác những sản phẩm du lịch cộng đồng tiêu biểu, đặc trưng của các nhóm dân tộc sinh sống trong khu vực nhằm giới thiệu vẻ đẹp về con người, văn hóa và lối sống của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc.

2. Du lịch “Hành trình khám phá cung đường di sản ruộng bậc thang - Tây Bắc”

 Xây dựng các chương trình tham quan đến các khu danh thắng ruộng bậc thang nổi tiếng của Tây Bắc kết hợp với các lễ hội nông nghiệp và các sinh hoạt văn hóa gắn với ruộng bậc thang tại các địa phương nhằm giới thiệu vẻ đẹp độc đáo của con người và danh thắng Tây Bắc. Khai mạc sự kiện tại Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) trong đó có các hoạt động, triển lãm ảnh đẹp chuyên đề ruộng bậc thang 3 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái. Thời gian: Tháng 3-4 và tháng 8-10/2017.

3. Du lịch “Chợ phiên vùng cao”

 Kết nối những phiên chợ vùng cao của các tỉnh trong khu vực thành sản phẩm du lịch đặc trưng, kết hợp giới thiệu nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số đang sinh sống trong khu vực. Xây dựng hình thành tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm chợ phiên vùng Tây Bắc theo các điểm nhấn chợ phiên tiêu biểu từ Sa Pa - Bắc Hà - Xín Mần - Cao nguyên đá Đồng Văn. Thời gian: Cả năm 2017.

4. Du lịch tâm linh dọc Sông Hồng

Xây dựng Tour du lịch tâm linh qua ba tỉnh dọc Sông Hồng: Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai kết nối các điểm du lịch tâm linh: đền Đôi Cô, đền Mẫu và đền Bảo Hà (tỉnh Lào Cai); đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn và đền Tuần Quán (tỉnh Yên Bái); đền Mẫu Âu Cơ, đền Tam Giang, đền Du Yến (tỉnh Phú Thọ). Thời gian: Trong năm 2017.

5. Du lịch tâm linh dọc sông Đà

 Xây dựng Tour du lịch tâm linh qua các tỉnh dọc Sông Đà: Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu. Thời gian: Trong năm 2017.

6. Du lịch “Sắc hoa Tây Bắc”

Chương trình du lịch Ngắm hoa đỗ quyên vào mùa hoa đỗ quyên nở (Quý I, II/2017 tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa- Lào Cai); rừng già Y Tý (Bát Xát - Lào Cai); Mộc Châu - Sơn La.

Chương trình du lịch chuyên đề Hoa tam giác mạch tháng 10/2017: Khai mạc tại tỉnh Hà Giang; tổ chức đón khách tham quan tại Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) kết nối với các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai).

Chương trình du lịch Xuân về trên thảo nguyên tháng 11/2016 và 4/2017 tại cao nguyên Mộc Châu, Vân Hồ - tỉnh Sơn La: Tổ chức các tour tham quan vào mùa xuân gắn với các hoạt động lễ hội văn hóa vùng cao và tham quan các sản phẩm du lịch thuộc Khu du lịch quốc gia Mộc Châu.

Lễ hội Hoa Sa Pa vào quý I, năm 2017 tại khu vực ga đi của cáp treo Fansipan, thị trấn Sa Pa: Giới thiệu và trưng bày các loại hoa lan, hoa anh đào và hoa đỗ quyên của tỉnh Lào Cai.

Lễ hội hoa lan quý I/2017 tại bản Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Lễ hội hoa dã quỳ vào quý IV/2017 tại huyện Phong Thổ; huyện Tam Đường - tỉnh Lai Châu.

7. Chương trình du lịch “Dấu chân huyền thoại” - Khám phá các cung đường hành quân trong chiến dịch Điện Biên lịch sử

 Xây dựng Tour du lịch lịch sử theo các tuyến hành quân của các chiến sỹ trong chiến dịch Điện Biên phủ kết hợp giới thiệu về địa danh, con người và văn hóa dọc tuyến và hệ thống di tích tại tỉnh Điện Biên. Kết thúc bằng Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thời gian: Cả năm, trong đó cao điểm là dịp kỷ niệm 63 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/2017).

8. Du lịch “Chinh phục đỉnh cao”

Xây dựng các tuyến du lịch dành cho đối tượng khách du lịch muốn khám phá và chinh phục đỉnh cao của Việt Nam (Fansipan - Lào Cai (3.143 m), Phu Ta Leng - Lai Châu (3.040 m), Kỳ Quan San (Bạch Mộc Lương Tử), Lào Cai - Lai Châu (3.040 m), Chiêu Lầu Thi - Hà Giang (2.412 m), kết hợp trải nghiệm văn hóa các dân tộc Tây Bắc. Thời gian: Mùa khô trong năm 2017.

Ngoài những sản phẩm du lịch nói trên, Tây Bắc còn tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn trong Năm Du lịch quốc gia 2017, bao gồm: "Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Bắc" vào tháng 10/2016 tại thành phố Lào Cai; "Lễ khai mạc và công bố Năm Du lịch quốc gia 2017" gắn với lễ hội đền Thượng Lào Cai - Tây Bắc và chuỗi sự kiện Lễ hội đầu xuân mới của các dân tộc Tây Bắc; "Chuỗi sự kiện văn hóa - thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Bắc mở rộng"....

Quyết tâm thôi đã đủ?

Đẹp, hoang sơ và đầy thử thách là những ấn tượng của du khách khi đến với Tây Bắc. Sức hút trên cung đường Tây Bắc là rất lớn, tuy nhiên, cho đến nay lượng khách du lịch đến Tây Bắc còn khá khiêm tốn, mang tính rời rạc, quy mô nhỏ; tăng trưởng chậm, lưu lại ngắn ngày và không đều đang là nút thắt kìm hãm sức hút đầu tư và khả năng sinh lợi cho tài nguyên du lịch của Vùng.

Theo thống kê, năm 2015, lượng khách đến toàn Vùng đạt trên 8,9% triệu lượt ( tăng 3%), trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt, tăng 6,5%. Tính gộp cả khách đi lại giữa các địa phương là 13 triệu lượt. Với độ dài lưu trú ngắn 1,5 ngày. Qua đây, có thể thấy, lưu lượng khách đến Tây Bắc quá nhỏ, chỉ chiếm 5-7% trong lượng ngày- khách cả nước. Trong số đó, khách đến với Tây Bắc chủ yếu là khách nội địa với mục đích tham qua, khám phá và chính vì vậy chi tiêu cũng hạn chế. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch đơn điệu, rời rạc, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư; phương tiện đi lại ở đây chủ yếu là đường bộ, chỉ có duy nhất một đường bay Hà Nội- Điện Biên Phủ với lưu lượng khách rất hạn chế.

Gần đây một số bản làng, tư nhân đã biết dựa vào địa lý tự nhiên và nét đặc thù của bẳn sắc dân tộc địa phương sáng tạo ra nhiều mô hình du lịch góp phần nâng cao sản phẩm du lịch Tây Bắc thêm đa dạng được các hãng lữ hành đánh giá cao như Bản Pom Coọng, Bản Lác của dân tộc Thái Trắng ở Mai Châu, Hoà Bình; bản Nà Luồng của dân tộc Lào tại Tam Đường- Lai Châu hay làng dệt lanh, thổ cẩm Lũng Tám của dân tộc Mông vùng Quảng Bạ- Hà Giang; đồi chè Mộc Châu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách… Đây cũng là một trong những cách bảo tồn văn hoá dân tộc hiệu quả nhất bởi người dân một khi đã được chia sẻ lợi ích thiết thực thông qua các hoạt động du lịch, họ sẽ hết lòng lưu giữ di sản văn hoá truyền thống của mình.

Thiết nghĩ, để thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng mang tính đột phá thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các tỉnh thành trong việc tạo ra ra các sản phẩm chất lượng, đồng bộ, đào tạo nguồn nhân lực mà vẫn giữ được văn hoá bản địa, giữ được cảnh quan thiên nhiên vùng, đảm bảo sự đặc sắc và phát triển bền vững.


Ý kiến bạn đọc