Ngắm thiên nhiên trác tuyệt tại miền đất "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"

09:19, 15/04/2016
|

(VnMedia)- Phú Yên, địa danh du lịch thiên nhiên nhân văn phong phú và đa dạng với các tài nguyên du lịch rất đặc trưng. Mảnh đất này là nơi ai cũng nên đến ít nhất một lần trong đời...

Phú Yên có các tài nguyên du lịch rất đặc trưng như: gành Đá Đĩa là hiện tượng địa chất độc đáo có một không hai ở Việt Nam, tháp Nhạn cổ kính trên núi Nhạn nằm bên sông Đà Rằng là di tích kiến trúc nghệ thuật của người Chăm. Những công trình kiến trúc tiêu biểu như hải đăng trên mũi Đại Lãnh (mũi Điện) là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc - một trong những điểm đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền Việt Nam; đèo Cả - núi Đá Bia gắn với hành trình Nam tiến của vua Lê Thánh Tông; vịnh Vũng Rô gắn với lịch sử tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển; vịnh Xuân Đài gắn liền các sự kiện lịch sử liên quan đến vùng đất Nam Trung Bộ; cao nguyên Vân Hòa được xem như Đà Lạt của Phú Yên. Đến với Phú Yên, du khách tìm thấy ở đây sự hài hòa của thiên nhiên và con người Phú Yên nhân hậu, mến khách, luôn sẵn sàng đón tiếp du khách bốn phương.

Cùng ngắm trước một số địa danh tuyệt đẹp ở mảnh đất này:

Gành Đá Đĩa

Nằm cách thành phố Tuy Hòa, Phú Yên hơn 40km về phía Nam, Ghềnh Đá Đĩa thuộc địa phận xã An Ninh Đông, huyện Tuy An. Ghềnh rộng khoảng 50m, dài khoảng 200m, gồm những khối đá hình lục giác nằm sát và chồng nên nhau vô cùng độc đáo. Lần đầu được chiêm ngưỡng kiệt tác của mẹ thiên nhiên vĩ đại, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc rằng tại sao những khối đá khổng lồ ấy lại xếp lên nhau một cách có trật tự như thế, như thể một bàn tay vô hình đã khéo léo đẽo gọt và sắp xếp nó như vậy.

Cách đây 200 triệu năm, dòng nham thạch nóng chảy đã gặp nước biển lạnh, sau đó bị đông cứng lại và rạn nứt, tạo thành những cột dựng đứng hoặc xiên. Kết quả của quá trình đó tạo ra ghềnh đá đĩa kỳ thú ngày hôm nay. Từ trên cao, có thể nhìn thấy khu ghềnh lấn biển với những khối đá mặt hình lục giác, gắn chặt với nhau tựa miếng sáp ong khổng lồ đều đặn, tạo nên một tổng thể vững chắc với màu đen bóng. Hoang sơ và kỳ bí.

Đi sâu xuống mép dưới gềnh, chúng ta còn bắt gặp một hang ăn sâu vào chân núi, bọt tung trắng xóa. Lưu truyền rằng nơi đây gắn liền với nhiều chiến tích hồi chiến tranh. Nơi đây như một thế giới nước thu nhỏ với nhiều loại sinh vật biển sinh sống như những chú nham, tôm, cá nhỏ…. Cả những chú sứa, sao biển theo thủy triều đi lạc.

Ghềnh Đá Đĩa nửa nổi nửa chìm trong sóng biển, bọt sóng trong suốt quanh năm, sóng vỗ lên mài dũa cho đá một màu đen huyền, có những chỗ in dấu thời gian hằn xuống lốm đốm như tổ ong. Giữa ghềnh là một lõm trũng, nước đọng thành từng vũng. Xung quanh vũng, đá dựng tầng tầng, lớp lớp. Những ghềnh đá xếp chồng nhô ra biển, uốn lượn quanh nó là bãi cát vàng và biển xanh trong vắt, xa xa là những con thuyền đang nhấp nhô trên sóng nước. Sẽ tuyệt vời biết mấy khi được đứng trên đỉnh ghềnh nhìn những đợt sóng tung bọt trắng xóa đập vào gành đá. Dang tay thật rộng, hít hà vị mằm mặn của biển cả, ngắm nhìn trời xanh, biển bạc khiến tâm hồn khoan khoái đến lạ thường.

Màu thời gian đã để lại trên nền đá như một thứ ma lực kỳ lạ thu hút du khách trăm miền. Nếu chưa một lần đến Gành Đá Đĩa bạn sẽ khó mà cảm được lời thì thầm của đá, lời tỏ tình của biển cả.

Tháp Nhạn

Tháp Nhạn nằm bên bờ bắc sông Đà Rằng, gần quốc lộ 1A, thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Tháp Nhạn được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 11, đầu thế kỷ 12 trên một khu đất tương đối bằng phẳng gần đỉnh núi Nhạn.

Vật liệu xây dựng tháp đều bằng gạch nung với nhiều kích cỡ khác nhau tuỳ theo vị trí của từng mảng tường, từng tầng tháp và được xếp liền khít, không thấy mạch hồ song kết dính rất vững chắc. Những hàng gạch bên trên hơi lùi vào so với hàng gạch bên dưới cho đến khi khép kín vòm.  Tháp Nhạn có phong cách kiến trúc như tháp Chăm Pô Nagar ở Nha Trang, đó là xây dựng theo hình thức tầng cao. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ lại so với tầng dưới, nhưng vẫn theo phong cách tầng dưới. Tháp cao gần 23,5m, mỗi cạnh chân tháp dài 10m.

Nóc của tháp gồm nhiều lớp xếp, phần chóp được cấu tạo bằng phiến đá nguyên tảng   có hình búp sen cân đều. Đó là biểu tượng Linga của người Chăm. Trên đỉnh tháp, bốn mặt đều có bốn cửa sổ giả, tách biệt giữa phần trên và tầng dưới. Cửa chính ở hướng đông, phần trên cửa hình vòm, xây cuốn theo kiểu giật cấp, trụ và xà ngang của cửa là khối đá vôi mềm, dễ đẽo gọt, đục chạm.

Bên trong tháp, tường xây thẳng đứng cao vút từ phần đế tháp cho đến hết phần thân. Càng lên cao, tường càng thu nhỏ dần cho đến đỉnh, tạo thành hình chóp nón. Trên mặt tường tháp không có hoa văn trang trí, chỉ có một vài họa tiết hoa văn hình rồng được chạm khắc cách điệu bằng đá hoa cương đặt bên ngoài góc tháp. Trong lòng tháp không có bệ thờ, không có tượng, chỉ có một am nhỏ phía trước để thờ bà Thượng Đỉnh Chúa Thiết A Na Diễn Ngọc Phi được xây dựng từ thời Hậu Lê. 

Đặc biệt, dưới chân núi Nhạn về phía tây nam, ven bờ sông Chùa có một tảng đá cao 1,3m, mỗi cạnh rộng 0,9m, dưới chân có chạm hình cánh sen, trên khắc 3 chữ cổ (dạng chữ Phạn) thường gặp ở các tấm bia trụ cột trong các tháp Chăm. Chữ khắc ở 1/3 tảng đá. Có lẽ đây là thư tịch duy nhất ở khu vực tháp còn lưu lại đến nay.

Tháp Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và đây cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16/11/1988.

Mũi Đại Lãnh

Đại Lãnh sẽ khiến bạn phải ngỡ ngàng trước vẻ đẹp đầy thanh bình trong khoảnh khắc bóng tối vỡ òa, nhường bước cho những tia nắng đầu tiên của ngày mới.

Mũi Đại Lãnh được tạo ra nhờ dãy núi Đại Lãnh - một nhánh của dãy Trường Sơn, đâm ra biển Đông.

Người dân địa phương còn gọi Mũi Đại Lãnh là Mũi Điện, vì trên đỉnh có ngọn hải đăng cao khoảng 26m, ở độ cao hơn 100m so với mặt nước biển và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Ngọn hải đăng có hình trụ tròn với đường kính trung bình gần 5m, bên trong trụ được lắp đặt 108 bậc cầu thang xoắn ốc bằng gỗ lên tận đỉnh. Đây là một trong 8 ngọn hải đăng có niên đại trên 100 năm trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại nước ta.

Dưới chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là một bãi biển vẫn còn khá hoang sơ, có hình vầng trăng khuyết với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê. Ở phía tây của Bãi Môn có một con suối nước ngọt. Sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, con suối này chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ ra đại dương mênh mông.

 Vịnh Vũng Rô

Biển Vũng Rô (Đại Lãnh) được xếp vào một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Nhiều du khách đến du lịch biển Vũng Rô đều có một nhận xét chung rằng trên gần 3.000km bờ biển Việt Nam chưa có bãi tắm nào sạch và xanh như Vũng Rô, bởi nơi đây còn nguyên sơ, cách xa khu dân cư, chưa bị ô nhiễm của nền công nghiệp. Bãi tắm Vũng Rô có cát trắng mịn, nước biển trong xanh nhìn rõ tận đáy, độ thoai thoải ra xa. Điều đặc biệt là chạy theo quốc lộ 1A trước khi ra biển, những dòng suối nước ngọt có nguồn từ trên núi chảy xuống quanh năm không cạn, mát lạnh và nằm ẩn mình trong rừng thùy dương xanh ngắt, tạo nên khung cảnh thật nên thơ.

Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Du lịch thế giới đã đánh giá Đại Lãnh, Vũng Rô (nằm trong cụm du lịch liên hoàn Văn Phong - Đại Lãnh - Vũng Rô) là một trong những thắng cảnh nghỉ ngơi đẹp nhất khu vực châu Á và Viễn Đông, vượt xa biển Phuket (Thái Lan) và có thể so sánh với những thắng cảnh tuyệt vời khác trên thế giới.


Ý kiến bạn đọc