Đại gia Tuần Châu muốn lấn vịnh Hạ Long để xây biệt thự

18:33, 17/01/2015
|

(VnMedia) - Tập đoàn Tuần Châu vừa đề nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh về phương án điều chỉnh quy hoạch khu du lịch - giải trí quốc tế Tuần Châu (thành phố Hạ Long), với ý tưởng chủ đạo là đổ hơn 20 triệu m3 đất, đá, bùn, cát xuống vịnh Hạ Long .

Việc đổ đất đá xuống vịnh để lấn thêm khoảng 400 ha mặt nước ở phía Tây của đảo Tuần Châu, phục vụ cho việc xây dựng 3 khu biệt thự lấn biển hình 3 đóa hoa (2 nhỏ và 1 lớn) trên biển.

Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu đã 7 lần xin điều chỉnh quy hoạch khu du lịch giải trí Tuần Châu và lần gần đây nhất đã được chính quyền địa phương chấp thuận vào năm 2011.

Về đề xuất này, UBND TP. Hạ Long cho rằng, có thể nghiên cứu điều chỉnh, mở rộng ranh giới phía Tây Bắc, phía Tây, Tây Nam đảo Tuần Châu để bố trí, sắp xếp lại các công trình nhà ở, dịch vụ, thương mại, hệ thống giao thông đảm bảo cảnh quan chung trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc điều chỉnh đất thương mại, dịch vụ thành đất ở...

Ảnh minh họa

 

Tuy nhiên, theo UBND TP, đồ án điều chỉnh quy hoạch ranh giới được mở rộng tạo bán đảo để bố trí đất ở, dịch vụ và hồ nước mặn nhân tạo có diện tích lớn (khoảng 382 ha), khoảng cách mở rộng về phía vịnh từ 902 mét đến 1.020 mét (so với ranh giới điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng được UBND tỉnh phê duyệt hồi tháng 2/2011) là quá lớn.

Mặt khác, đây là khu vực nằm trong vùng đệm của di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long nên cần bổ sung ý kiến đồng thuận của Sở VH-TT&DL Quảng Ninh và Ban quản lý vịnh Hạ Long.

Trong khi đó, Sở VHTT&DL Quảng Ninh lại khuyến khích việc nhà đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch có giá trị khác biệt mang tầm quốc tế.

Còn Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho rằng, từ năm 2011, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã cập nhật quy hoạch của Khu du lịch giải trí Tuần Châu vào quy hoạch chi tiết bảo tồn và phát triển giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đến năm 2020.

Do khu du lịch giải trí này nằm hoàn toàn trong vùng đệm của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nên việc điều chỉnh quy hoạch phải xin ý kiến tham vấn của Trung tâm di sản UNESCO đóng tại Paris; phải được Hội đồng khoa học Di sản Quốc gia thẩm định và được Bộ VH-TT&DL đồng ý.


(tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc