Không có chuyện thí điểm chữ viết 'Tiếq Việt' bậc đại học ở TP.HCM

19:43, 01/12/2017
|

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định ông chưa từng đề nghị triển khai thí điểm chữ viết cải tiến của PGS.TS Bùi Hiền.

Trao đổi với Zing.vn sáng 1/12, ông Phạm Ngọc Thanh nói thông tin ông đề nghị Sở GD&ĐT TP.HCM cho phép triển khai thí điểm tại các trường đại học nghiên cứu cải tiến chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền đang lan truyền trên mạng là không chính xác.

Ông Thanh cũng khẳng định tin tức ông cho các giảng viên của Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) nghiên cứu bảng chữ này, để có thể triển khai giảng dạy tại trường trong năm 2018, là hoàn toàn sai sự thật.

Đề xuất cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiền. Ảnh: 
Đề xuất cải tiến chữ viết của PGS Bùi Hiền. Ảnh: Q.Q.

"Tôi không có bất cứ phát ngôn nào về việc đề nghị giảng dạy bảng chữ này vì đây là nghiên cứu gây tranh cãi", ông Thanh khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP.HCM - cũng cho biết không hề có thông tin trường sẽ áp dụng bảng chữ cái của PGS.TS Bùi Hiền vào chương trình năm 2018 như những đồn thổi trên mạng.

Trước đó, mạng xã hội lan truyền một bài báo cho hay Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Phạm Ngọc Thanh đặc biệt quan tâm đề xuất cải cách chữ viết và rất sẵn lòng thí điểm vào giảng dạy tại các trường đại học trên địa bàn thành phố.

Cũng theo bài báo này, ông Thanh chia sẻ rằng TP.HCM phát triển với lượng người nước ngoài cư trú, làm việc và học tập nhiều nhất nước. Rất nhiều người trong số đó mong muốn được học Tiếng Việt để sinh sống, làm việc tại Việt Nam. Tuy nhiên, với cấu trúc ngữ pháp cũng như cách phát âm phức tạp của bộ chữ hiện tại, khá khó khăn để người nước ngoài có thể học tập.

Trước đó, PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông - đề xuất giảm bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31 chữ, viết "giáo dục" thành "záo zụk", nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền đáng được ghi nhận vì đó là nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Dưới góc độ chuyên môn, một số chuyên gia ngôn ngữ nêu quan điểm đổi mới là cần thiết nhưng đối với chữ viết, sự ổn định là cần thiết hơn. Bởi vì, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa.

Ngày 30/11, Bộ GD&ĐT có thông cáo báo chí, nêu rõ: Bộ GD&ĐT có quan điểm trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.

Theo Tri Thức Trực Tuyến


Ý kiến bạn đọc