(VnMedia) - Một số doanh nghiệp (DN) đóng tàu tại Hải Phòng gửi văn bản kêu cứu lên Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc chủ đầu tư Dự án xây dựng đoạn tuyến đường bộ ven biển, đoạn đi qua Hải Phòng và tỉnh Thái Bình hạ chiều cao tĩnh không cầu vượt sông Văn Úc từ mức 32,6m (theo thiết kế ban đầu) xuống 25m.
Đại diện cho nhóm DN đóng tàu Hải Phòng là hai công ty là Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương và Công ty TNHH Thương mại Khiên Hà hoạt động chuyên về đóng tàu biển đã có văn bản gửi Thủ tướng, Phó Thủ tướng mong muốn Chính phủ sớm có chỉ đạo về việc thay đổi thiết kế chiều cao tĩnh không của cầu vượt Văn Úc so với ban đầu.
Theo các DN này, việc thay đổi thiết kế chiều cao ban đầu của cây cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp đóng tàu tại Hải Phòng.
Theo giải thích của hai công ty trong số nhiều công ty đóng tàu sông, biển trên Sông Văn Úc ban đầu khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp hoạt động đóng tàu tại khu vực sông nói trên, lãnh đạo TP. Hải Phòng cùng chủ đầu tư đã được DN đề nghệ xây chiều cao tĩnh không 43m.
Tháng 8/2016, trong báo cáo tóm tắt đề xuất dự án của nhà đầu tư họp với Hội đồng nhân dân TP. Hải Phòng đã thông qua chiều cao tĩnh không thuyền đối với cầu vượt sông Văn Úc là 85x 32m (chiều cao tĩnh không 32 m).
Tuy nhiên, đến tháng 10/2016 tại văn bản số 2423/QĐ - UBND Hải Phòng lại quyết định phê duyệt chiều cao tĩnh không cầu vượt sông Văn Úc xuống còn 25 m.
Ngay sau sự việc trên, các DN đóng tàu Hải Phòng gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng, tại Công văn số 9247/VPCP do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ký tháng 8/2017 chỉ đạo Bộ GTVT, Hải Phòng và các cơ quan liên quan rà soát lại dự án để báo cáo Chính phủ trước ngày 20/9/2017.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN đóng tàu Hải Phòng, khi họp bàn tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp trong vụ việc liên quan đến chiều cao tĩnh không cầu vượt sông Văn Úc, các DN chịu tác động không được lấy ý kiến, tại buổi tiếp xúc chỉ có chủ đầu tư, cùng các sở ngành của TP. Hải Phòng.
Xung quanh vấn đề chiều cao tĩnh không của cầu vượt sông Văn Úc (Hải Phòng) ảnh hưởng đến doanh nghiệp (DN), ngày 6/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo nóng yêu cầu Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngồi bàn với các doanh nghiệp, thống nhất chiều cao cụ thể.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao UBND thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan thỏa thuận thống nhất với các doanh nghiệp đóng tàu có liên quan về chiều cao tĩnh không cầu vượt sông Văn Úc.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu: Xây dựng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua thành phố Hải Phòng và 9 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải đáp ứng yêu cầu hoạt động của các nhà máy đóng mới, sửa chữa tàu và giao thông vận tải đường thủy trên địa bàn.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát năng lực của các cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển; trên cơ sở đó, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phát triển tổng thể ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Văn bản gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng của các DN đóng tàu Hải Phòng cho rằng: "Không nên bắc 1 cây cầu có tĩnh không thấp, điều này sẽ giết chết các DN đã có từ trước và làm chết cả 32km sông cấp đặc biệt như sông Văn Úc vốn nhiều tiềm năng".
Các DN đóng tàu Hải Phòng mong muốn Chính phủ xem xét nâng chiều cao tĩnh không cầu vượt Văn Úc tối thiểu lên 32,6m như trong báo cáo đề xuất và phê duyệt dự án được đưa ra trước đây.
Khánh An - H. Lan
Ý kiến bạn đọc