Chuyên gia Phạm Chi Lan: Không thể đổ lỗi là không có nguồn để cải cách chính sách tiền lương

16:14, 13/12/2017
|

(VnMedia) - "Không thể đổ lỗi là không có nguồn để cải cách tiền lương. Nguồn đổ vào cho tiền lương đã quá lớn. Tuy nhiên,  tiền lương danh nghĩa thì thấp, phụ cấp lại quá nhiều. Rất cần tiền lương hoá những phụ cấp đó…" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói bên lề hội thảo về cải cách chính sách tiền lương được tổ chức sáng nay (13/12) tại Hà Nội.

Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo bà Chi Lan, cách thức tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, thăng tiến, sa thải đối với công chức không tạo áp lực và động lực cho việc cải cách chính sách tiền lương ngay trong bộ máy. Xã hội và những người đóng thuế rất bức xúc, nhưng không có quyền lực và tiếng nói thực sự để tác động vào hệ thống nhà nước, nên  từ bên trong bản thân bộ máy phải có động lực mạnh để cải cách bộ máy và cải cách tiền lương, mới có thể thực hiện được.

Bà lý giải như thế nào về việc chúng ta có quyết tâm chính trị rất cao nhưng việc cải cách chính sách tiền lương lại rất chậm chạp?

Đúng là trong các Nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, của Quốc hội đã nói rất nhiều rồi, nhưng thực hiện được hay không trước hết ở bộ máy. Quyết tâm làm và làm một cách đồng bộ thì có thể thực hiện được, nhưng lâu nay vẫn còn có những e ngại, cho rằng việc cải cách sẽ gây ra kém ổn định trong bộ máy, thậm chí lo đến cả tâm tư cán bộ.

Theo tôi, không nên vì sợ tâm tư của một số cán bộ mà quên đi tâm tư của 90 triệu người dân còn lại. Tâm tư của đa số người dân quan trọng hơn nhiều, bởi đây mới là những người đang phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Không thể vì một số nhỏ trong bộ máy, ngần ngại đụng đến họ mà không thực hiện cải cách cần thiết để mang lại hiệu quả cao hơn cho bộ máy. Khi bộ máy nhà nước có hiệu quả cao hơn thì sẽ vậnn hành tốt hơn và chinh phục được niềm tin của xã hội.

- Có ý kiến cho rằng, quyết tâm chính trị đã có nhưng vấn đề là chúng ta đang quá khó khăn về kinh tế phục vụ cho việc cải cách?

Không thể nói là kinh tế quá khó khăn thì không thể cải cách được. Kinh tế càng khó khăn càng phải cải cách. Không thể đổ lỗi là không có nguồn để cải cách tiền lương. Nguồn đổ vào cho tiền lương đã quá lớn. Các con số Quốc hội đưa ra đã quá rõ, thu ngân sách của chúng ta rất cao, trong thu ngân sách dành tới 70% chi thường xuyên, mà chi thường xuyên chiếm tới 47% cho tiền lương. Tính ra phần tiền lương trong toàn bộ ngân sách cũng như trong GDP là rất cao. Tiền lương đó chia ra cho một bộ máy quá lớn nên thu nhập mỗi một người về lương chính thức lại là nhỏ. Còn quá nhiều sự thất thoát lãng phí trong chi thường xuyên khác nữa.

Các chuyên gia Hàn Quốc nói rất đúng, ở Việt Nam tiền lương danh nghĩa thì thấp, nhưng phụ cấp thì quá nhiều thứ, rút cục công chức có sống bằng tiền lương đâu. Phần phụ lại trở thành phần chính. Rất cần tiền lương hoá những phụ cấp cho người nhà nước hiện nay để làm rõ ra hệ thống tiền lương thực chất là bao nhiêu. Nếu ít nhất chúng ta làm được bước đó thì sau này sẽ rõ hơn nguồn phụ cấp ở đâu ra và nếu biến nó vào tiền lương thì sẽ thấy không hề nhỏ, không hề thiếu.

Cái khó nhất là do lực cản từ trong bộ máy, từ trong những người đang làm việc hiện nay trong hệ thống nhà nước. Những người làm việc giỏi thì mong muốn cải cách, mong muốn thay đổi, để người ta được hưởng lương xứng đáng hơn, còn người làm việc kém, ngồi chơi xơi nước ở đó theo kiểu sáng cắp ô đi tối cắp ô về mới là lực lượng không muốn cải cách.

- Các chuyên gia kinh tế nói rằng, việc cải cách không thể thực hiện trong 1-2 năm mà có thể kéo dài rất nhiều năm. Vậy theo bà lộ trình nên như thế nào?

Họ nói đúng là cần nhiều năm, nhưng chúng ta đã bỏ rất nhiều năm để làm việc đó. “Rất nhiều năm” không phải từ năm nay 2017 đến rất nhiều năm nữa mà chúng ta chỉ còn 3 năm nữa là đến 2020 - dấu mốc của chiến lược 2011-2020 mà Đại hội Đảng 11 nêu ra. Chiến lược đó nêu 3 đột phá, trong đó thứ nhất là cải cách thể chế, nhưng đến bây giờ chưa làm được nhiều là vì cái vướng của bộ máy.

- Vậy bà có kiến nghị gì để lộ trình này thực hiện được?

Hiện nay, tất cả dường như đã sẵn sàng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói rõ là chúng ta có đề án sắp sửa đưa ra chỉ trong thời gian ngắn tới đây, thì khi có đề án tôi mong thực hiện ngay.

Đề án đã được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 7 của Đại hội 11, tức là của nhiệm kỳ cách đây 5 năm rồi nhưng chưa làm. Chúng ta đã bỏ phí 5 năm. Bây giờ đề án mới, chúng ta thực hiện ngay thì hoàn toàn có thể từ nay đến 2020 chúng ta kết thúc việc này để có một bộ máy sẵn sàng cho Việt Nam bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ này, không thì chúng ta sẽ quá muộn trong việc phát triển nhiều lĩnh vực.

Theo báo cáo Việt Nam năm 2035, chúng ta có khát vọng đến năm 2035 trở thành nước thu nhập trung bình ở mức cao. Muốn đạt được như vậy thì phải có hai giai đoạn 10 năm, từ năm 2015 - 2025 và từ năm 2025 đến 2035. Trong đó, giai đoạn 2015-2025 phải tạo tất cả nền tảng cho sự tăng tốc mạnh mẽ cho tương lai, mà nền tảng cho tăng tốc trước hết là trong 5 năm đầu phải làm được hệ thống thể chế.

Có hệ thống thể chế rồi chúng ta sẽ thấy, từ năm 2021 trở đi Việt Nam sẽ tăng trưởng được cao với một tốc độ 7-8%/năm bởi vì có một nền tảng tốt, mọi thứ minh bạch, giải trình rõ ràng thì sẽ lý giải được từ đâu mà tăng trưởng, nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả thế nào, sự năng động sáng tạo của xã hội được phát huy như thế nào, tinh thần khởi nghiệp được Chính phủ kiến tạo như thế nào… tất cả những cái đó sẽ là động lực cho thời kỳ từ năm 2021 trở đi.

- Xin cảm ơn bà!

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc