(VnMedia) - Không chỉ là cánh tay nối dài, là bộ mặt của chính quyền, Bưu điện Việt Nam còn phải là đại diện của chính quyền. Để làm được điều đó, các nhân viên bưu điện phải hiểu các thủ tục, để tư vấn cho bà con nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa.
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg diễn ra sáng 15/12/2017.
Hội nghị được Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá và rút kinh nghiệm sau một năm triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Tại Hội nghị, bà Chu Thị Lan Hương – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, sau đúng một năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích đã cơ bản được triển khai trên toàn quốc. Đến nay đã có 100% Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thủ tục hành chính đã thực hiện rà soát, công bố các thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. 61/63 tỉnh, thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam – doanh nghiệp bưu chính duy nhất tại Việt Nam được giao triển khai các nhiệm vụ bưu chính công ích.
Giai đoạn đầu triển khai, tổng số điểm đăng ký cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích tại 63 Bưu điện tỉnh, thành phố là 3.899 điểm, bao gồm toàn bộ Bưu cục cấp 1, 2, các Bưu cục cấp 3 và một số Bưu điện – Văn hóa xã.
Chỉ tính riêng đến tháng 10/2017, đã có 7.824.000 lượt hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện. Trong đó có 4.330.000 hồ sơ được thực hiện hai chiều và 3.494.000 hồ sơ thực hiện một chiều. Các lĩnh vực được thực hiện nhiều nhất là tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm xã Hội (giải quyết chế độ thai sản, ốm đau, thất nghiệp); cấp đổi giấy phép lái xe; cấp lý lịch tư pháp; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp bản sao bằng tốt nghiệp, đăng ký thành lập doanh nghiệp...
“Xác định đây là những hồ sơ quan trọng, có ý nghĩa đối với người dân, nên Tổng Công ty Bưu điện đã quán triệt tới toàn thể bộ máy, xây dựng quy trình riêng, dấu hiệu nhận biết riêng đối với các bưu gửi đặc biệt này. Vì vậy trong 1 năm thực hiện, đã đảm bảo an toàn 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được phát đến địa chỉ nhận, chưa để xảy ra bất cứ tình trạng khiếu kiện nào”, bà Chu Thị Lan Hương khẳng định.
Đánh giá rất cao những nỗ lực của Bưu điện Việt Nam đã thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg trong một năm qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, kết quả thực hiện gần 8 triệu lượt giao dịch an toàn mới chỉ là những kết quả bước đầu và cần phải làm mạnh hơn nữa những gì có trong Quyết định này, những gì khó khăn thì cần khắc phục.
Với Quyết định 45/2016/QĐ-TTg, Bưu điện không chỉ là cánh tay nối dài, là bộ mặt của chính quyền, nhưng thế vẫn chưa đủ mà phải là tai, là mắt, là miệng mà thực ra là đại diện của chính quyền. Làm sao cho nhân viên Bưu điện phải hiểu thủ tục để tư vấn cho bà con nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa. Và để làm được điều đó thì vô cùng nỗ lực. Bưu điện phải đặt mục tiêu phấn đấu thành người đại diện của chính quyền, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.
Tuệ Minh
Ý kiến bạn đọc