Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong Tân Sơn Nhất: Tiếp tục kéo dài trong 3 tuần

08:47, 02/11/2017
|

Công tác khảo sát tìm kiếm hài cốt liệt sĩ (mộ tập thể) trong sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng về phía đường Phạm Văn Bạch trong 3 tuần, từ hôm nay, 2/11 đến 24/11.

 UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Bộ Tư lệnh Thành phố về việc tiếp tục tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, công tác khảo sát, đào tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện từ ngày 2-24/11.

 

Mở rộng khu vực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất
Mở rộng khu vực tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất

Thiếu tướng Trần Hữu Tài - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 – cho biết trong thời qua, các lực lượng đã tìm thấy nhiều di vật như nịt, ví da, áo, túi, vải dù… tại vị trí nghi có mộ tập thể của các chiến sĩ hy sinh trong trận tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp Tết Mậu Thân 1968.

Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Tài, những di vật trên được xác định là của các liệt sĩ trong khu mộ tập thể đã được quy tập năm 1995. Do đó, thời gian tới, các lực lượng sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm sang phía đường Phạm Văn Bạch.

 

 

 

Một số di vật được tìm thấy tại khu vực tìm kiếm thời gian qua được xác định là của các liệt sĩ trong khu mộ tập thể được quy tập năm 1995
Một số di vật được tìm thấy tại khu vực tìm kiếm thời gian qua được xác định là của các liệt sĩ trong khu mộ tập thể được quy tập năm 1995

Trước đó, từ chiều 6/7, các lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM và Quân khu 7 đã được triển khai để tiến hành khảo sát khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất - nơi nghi có ngôi mộ tập thể thứ hai – để tìm kiếm, quy tập hài cốt chiến sĩ giải phóng quân tử trận trong trận đánh vào sân bay tết Mậu Thân 1968. Khu vực tìm kiếm được khoanh vùng trong phạm vi 7,5ha, trong đó phần trọng tâm khoảng 4ha.

Công cuộc tìm kiếm xuất phát từ một số thông tin, hình ảnh của cựu binh Mỹ từng tham chiến tại chiến trường Việt Nam giai đoạn 1968 cung cấp.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Thắng và cộng sự là những người lần ra những manh mối đầu tiên từ một bình luận của một cựu binh Mỹ trên internet. Với tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, kỹ sư Thắng đã cố gắng tìm hiểu, liên lạc và trở thành kênh kết nối quan trọng để chuyển thông tin này đến cơ quan chức năng.

 

Một số hình ảnh về vị trí nghi có mộ tập thể liệt sĩ ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất
Một số hình ảnh về vị trí nghi có mộ tập thể liệt sĩ ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất

Trực tiếp tham gia trận đánh vào sây bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành – nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 16 (phân khu 2) – cho biết có thể có hơn 1.000 người đã ngã xuống trong trận đánh này, bao gồm chiến sĩ của tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 12 đặc công, tiểu đoàn 267, lực lượng biệt động thành và các lực lượng trợ chiến.

Theo ông Vũ Chí Thành, ước tính có khoảng 1.700 người tham gia trận đánh và tỷ lệ thương vong của các đơn vị này đều ở mức cao. Riêng tiểu đoàn 16 đã có 550 chiến sĩ tham gia trận đánh nhưng chỉ có khoảng 100 người trở về. Theo danh sách thống kê của tiểu đoàn 16 thì vẫn còn hơn 300 đồng đội của ông chưa tìm được hài cốt.

Vì vậy, ông Thành nhận định các di hài còn nằm lại trong ngôi mộ tập thể đang tìm kiếm chủ yếu là di hài của các đồng đội của ông ở tiểu đoàn 16.

Trong khi đó, cựu chiến binh Bùi Hồng Hà – Đại đội cối A82, tiểu đoàn 16 - cho biết trong trận đánh lịch sử ấy đơn vị ông mang theo 20 quả đạn cối. Đến giờ nổ súng thì cho đơn vị pháo thuộc tiểu đoàn 267 mượn 10 quả để hỗ trợ bộ binh tấn công nên ông rõ hơn về số lượng quân của tiểu đoàn 267.

Theo ông Hà, tiểu đoàn 267 có khoảng 1.500 quân, vì thanh niên yêu nước thuộc Bến Tre, Mỹ Tho, Long An tập trung hầu hết vào đơn vị này nên quân số rất đông. Tiểu đoàn 267 đề nghị lên Trung ương cho thành lập trung đoàn nhưng cấp trên chưa cho phép nên thực tế số quân của tiểu đoàn 267 rất đông. Do đây là đơn vị địa phương, rất rành địa bàn nên là đơn vị chủ lực đánh vào sân bay trước.

Theo Dân trí


Ý kiến bạn đọc