(VnMedia) - Mức thuế đánh vào thuốc lá của Thái Lan tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng và cũng là giá tính thuế của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 4,8% người tiêu dùng Thái Lan mua thuốc lá lậu. Nhờ tăng thuế, thu ngân sách từ thuốc lá của Thái Lan trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,9 tỷ USD.
Tên nước
|
Thuế thuốc lá/giá bán lẻ
|
Sản lượng thuốc lá
(Triệu bao)
|
Nguồn thu từ thuế thuốc lá (Triệu USD)
|
PHI-LÍP-PIN
|
53%
|
5,110
|
2,498
|
THÁI LAN
|
70%
|
2,130
|
1,955
|
VIỆT NAM
|
41,6%
|
4,240
|
809
|
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), tỷ lệ thuế đánh vào thuốc lá ở Việt Nam còn rất thấp và nếu tăng thuế thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên rất đáng kể.
Dẫn kinh nghiệm về đánh thuế thuốc lá ở Thái Lan, bà Hải cho biết, thuế thuốc lá ở Thái Lan đã tăng hơn 10 lần trong vòng 20 năm (từ năm 1994 đến năm 2012). Hiện nay mức thuế trên giá bán lẻ của Thái Lan là 70%. Nếu tính trên giá xuất xưởng, mức thuế này tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng của Việt Nam.
Theo đà tăng giá của thuế, giá thuốc lá tăng từ 15 Bath/bao (năm 1994) lên 65 Bath/bao năm 2012. Từ đó, thu ngân sách từ thuế thuốc lá tăng từ 20 tỷ Bath năm 1994 (tương đương 615,3 triệu USD) lên 60 tỷ Bath năm 2012 (tương đương 1.843,17 triệu USD). Như vậy, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1,9 tỷ USD.
Cùng với việc tăng giá thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới Thái Lan đã giảm từ 59,33% năm 1991 xuống 41,69% năm 2011.
Bà Hải cũng cho biết, tiêu dùng thuốc lá ở Thái Lan đã giảm nhẹ, với sản lượng năm 1994 là 2,328 triệu bao; năm 2012 là 2,130 triệu bao. Lý giải số tuyệt đối giảm không nhiều, bà Hải cho biết, tuy tỷ lệ hút giảm nhưng do dân số tăng và có một số lượng nhất định người hút mới nên số lượng người hút ít thay đổi.
Đặc biệt, ước tính số ca tử vong sớm tránh được từ việc tăng thuế trong giai đoạn 1991-2006 tại Thái Lan là 31,867 người.
“Mức thuế thuốc lá cao của Thái Lan KHÔNG làm gia tăng buôn lậu thuốc lá” – Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) khẳng định và dẫn chứng: Điều tra về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành của Thái Lan năm 2011 cho thấy chỉ có 4,8% người tiêu dùng mua thuốc lá lậu.
Không chỉ có Thái Lan, ở năm 2014, Chính phủ Philipines tiến hành cải cách chính sách thuế với mức thuế tăng từ 100%-300% so với năm 2013. Hiện nay mức thuế trên giá bán lẻ của Philiipines là 53%. Nhờ có cải cách thuế, ngân sách dành cho y tế năm 2014 tăng 57% so với năm 2013. Số tiền này giúp số hộ nghèo được hưởng bảo hiểm y tế tăng từ 5,2 triệu hộ lên 14,7 triệu hộ.
“So sánh Thái Lan, Philippines với Việt Nam có thể thấy mặc dù tổng sản lượng tiêu thụ thuốc lá bằng ½ hoặc chỉ cao hơn Việt Nam một chút, nhưng doanh thu thuế thuốc lá của những nước này cao gấp 3-4 lần Việt Nam. Điều này khẳng định thêm tỷ lệ thuế Việt Nam còn rất thấp và nếu tăng thuế thì nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên rất đáng kể.” – Bà Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề thuế thuốc lá và buôn lậu, trước đó, hôm 31/10, tại phiên họp của Quốc Hội, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương đã nói: “Chúng ta cứ đề nghị tăng thuế vì cho rằng thuốc lá của Việt Nam rẻ. Việc tăng thuế theo lộ trình tôi cho là cần thiết, nhưng hiện tại thuốc lá sản xuất trong nước, loại rẻ nhất cũng khoảng 10.000đ/1 bao, trong khi đó thuốc lá lậu nhiều loại mà tôi mua ở trong túi này có 4.000đ. Vậy, việc tăng thuế thuốc lá nhằm tăng giá thuốc lá vô tình lại kích cầu cho buôn lậu và trong khi công tác chống buôn lậu chưa mang lại nhiều kết quả".
Về phát ngôn này của ông Cương, hôm 7/11, Liên minh Phòng chống bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) gồm 12 tổ chức đã chính thức lên tiếng phản bác: “Tăng thuế làm gia tăng buôn lậu” là điều mà các công ty thuốc lá luôn ra sức tuyên truyền để làm nhụt chí các nhà hoạch định chính sách mỗi khi chính phủ có dự thảo tăng thuế, đó là bài học kinh nghiệm đã được ghi nhận ở rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trong suốt quá trình cải cách thuế thuốc lá".
Liên minh này cũng khẳng định: “Nếu không tăng thuế mạnh để kìm hãm đà tăng tiêu dùng thuốc lá thì người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên sẽ còn phải gánh chịu nhiều hệ lụy do sử dụng thuốc lá” - Thông cáo báo chí nêu quan điểm. Theo phân tích của bản thông cáo này thì thuế thuốc lá Việt Nam hiện thuộc nhóm rất thấp so với thế giới và trong khu vực.
Trong khi đó, phát biểu trong một buổi tọa đàm về thuế thuốc lá được tổ chức buổi tối cùng ngày 7/11, TS Trần Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu đào tạo phát triển cộng đồng nói: “Từ góc nhìn phòng chống gánh nặng bệnh tật không lây nhiễm ở Việt Nam đang gia tăng thì nội dung tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và đồ uống có cồn là một chủ trương rất đúng, rất kịp thời, phù hợp với tiến độ khoa học, nên đưa vào triển khai sớm để làm động lực thúc đẩy hoạt động y tế công cộng, y tế dự phòng và giảm thiểu gánh nặng bệnh tật đang gia tăng ở nước ta".
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc